Diego Maradona được ví như cầu thủ đến từ thiên đường sau những điều kỳ diệu ông làm cho bóng đá Argentina. Và hôm qua 25/11, ông đã trở về nơi mình sinh ra.

Hai đêm sau chức vô địch đầu tiên của Argentina tại World Cup 1978, đường phố Buenos Aires vẫn phủ kín bởi hàng triệu người. Người hâm mộ vây quanh HLV đội tuyển Argentina - Cesar Luis Menotti - trong quán bar của một khách sạn trung tâm thành phố. Khi Menotti cụng ly chúc mừng những người hùng như Daniel Passarella, Osvaldo Ardiles, Mario Kempes hay Leopoldo Luque, một cầu thủ nhỏ bé ngồi khuất trong một góc tối mờ.

Chàng trai ấy quá nhỏ để gây sự chú ý, và chưa đủ tuổi uống rượu.

0404 mara

Maradona được đồng đội cõng lên vai sau chức vô địch U20 thế giới năm 1979. Ảnh: Leon Yearwood

Kempes - Vua phá lưới và người hùng ghi cú đúp trong trận chung kết với Hà Lan - nói với Menotti rằng ông không được CLB Valencia nhả để dự chuyến du đấu biểu diễn của Argentina năm sau. Khi những cầu thủ tản đi, một phóng viên người Anh tên Jeff Powell tiếp cận Menotti. Powell hỏi làm thế nào Argentina có thể tìm ra một cầu thủ thay thế Kempes vĩ đại, trong chuyến du đấu được chờ đợi đến vậy. "Cậu có nhớ một thằng bé ngồi ở góc quán bar lúc này không?", Menotti đáp. "Nó sẽ khoác áo số 10 ở trận tiếp theo của Argentina. Để tôi cho cậu một lời khuyên: Đừng lỡ trận đó".

Diego Armando Maradona từng thất vọng khi bị loại khỏi World Cup ở tuổi 17, vì bị Menotti coi là quá trẻ. Một năm sau, ông trở thành hiện tượng của giải U20 thế giới ở Nhật Bản. Maradona ghi bàn ở năm trong sáu trận, đưa Argentina tới chức vô địch. "Mỗi khi Maradona nhận bóng, khán giả đều phải há mồm kinh ngạc", cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter nói về giải đấu năm đó.

Maradona còn trở thành nguồn cảm hứng của Argentina ở chuyến du đấu biểu diễn ở châu Âu, cũng như Copa America năm đó. Đúng như lời của Menotti, Maradona đã bước ra ánh sáng. "Rồi cậu sẽ thấy, thằng bé đó được sinh ra từ thiên đàng", Powell dẫn lại lời Menotti.

Bảy năm sau, Maradona giúp Argentina đoạt World Cup 1986 ở Mexico, hiện thực hóa lời tiên đoán từ năm 1928 về một người hùng bóng đá xứ Tango.

0453 victory

Maradona mừng chiến thắng 2-1 trước đội tuyển Anh ở tứ kết World Cup 1986. Ảnh: Leon Yearwood

Vào những năm 20 của thế kỷ trước, Argentina vẫn là đất nước của dân nhập cư ồ ạt. Họ tìm ra được một thứ gắn kết các tầng lớp, tôn giáo, chính trị lại với nhau. Đó là bóng đá. Dù xuất thân từ đâu, họ đều đặt tình cảm vào đội bóng áo sọc xanh trắng.

Tạp chí uy tín bậc nhất Mỹ Latin El Gráfico dành nhiều trang để bàn luận về bóng đá Argentina. Nếu như thanh thiếu niên Anh học bóng đá từ những sân bóng trường học rộng lớn phủ kín cỏ, giới trẻ Argentina học bóng đá từ những khu ổ chuột - potreros. Ở đó chật hẹp, mặt đất cứng, và chẳng có giáo viên can thiệp nếu trận bóng trở nên căng thẳng. Hoàn cảnh hình thành nên lối chơi đường phố, rê dắt trong không gian hẹp và cả sự mưu mẹo của người Argentina.

Năm 1928, một biên tập viên tên Borocoto viết trên một trang của El Gráfico: "Nếu phải dựng một bức tượng mô tả tâm hồn của bóng đá Argentina, nó sẽ giống một con nhím mặt xấu xí, tóc bờm nổi loạn, thông minh, nhanh nhẹn, mưu mẹo, đôi mắt tinh ranh, ánh nhìn sắc sảo, nụ cười giang hồ, lộ ra hàm răng nhỏ xíu bị mài mòn vì ăn một ổ bánh mì hôm trước. Quần có vài mảnh vá, áo sọc Argentina, cổ thấp với nhiều vết rách. Đầu gối phủ kín vết thương đã đóng vẩy, đi chân trần hoặc giày thủng ngón vì đã phải trốn chạy khỏi những làn đạn. Dáng đứng phải đặc biệt, trông giống như đang rê bóng cuộn từ những chiếc giẻ lau".

Mô tả của Borocoto trùng khớp với Maradona - người hùng Argentina qua đời hôm qua 25/11 ở tuổi 60. Cậu bé Diego sinh ra từ khu potreros, và tự gọi bản thân là "thằng đầu đen nhỏ". Thuật ngữ này được Đệ nhất phu nhân Eva Peron dùng ám chỉ những người Argentina gốc gác Italy. Bố mẹ Diego sùng bái chính quyền Peron, khi treo ảnh của Tổng thống Juan và phu nhân Eva Peron tại nhà.

Bố của Diego từng là người lái đò trên đồng bằng Parana, tỉnh Corrientes, tít trên mạn Đông Bắc Argentina. Ông chuyển tới Bueno Aires cùng vợ, và sống cùng họ hàng. Khi họ hàng chuyển đi, ông phải tự xây nhà bằng gạch và những tấm kim loại ở Villa Fiorito. Villa Fiorito là khu ổ chuột nguy hiểm đến nỗi cảnh sát phải ghé qua mỗi ngày. Một đêm nọ, cậu bé Diego chưa đầy ba tuổi, bị ngã xuống một hố ga. "Diegito", người bác Cirilo gọi với xuống khi tìm cách giúp đỡ. "Giữ đầu ở trên đống lầy".

Maradona có lẽ sẽ tự nói với bản thân câu nói đó, khi trải qua muôn vàn trắc trở sau này.

Lớn lên trong cảnh không điện và nước sinh hoạt, Maradona kiếm tiền bằng mọi cách có thể. Ông giúp mở cửa xe taxi, bán phế liệu hay gom giấy bạc từ vỏ bao thuốc lá. Trên đường tới trường, ông luôn kiếm gì đó để tâng bằng hai chân, khi là quả cam, khi là tờ báo cũ hay vải vụn vo tròn. Maradona không để "bóng" chạm đất, dù có băng qua cây cầu đường sắt. Gần nhà ông có một bức tường dây thép bị dập bẹp từ những đường bóng đá vào. Đúng là nền tảng bóng đá mà Borocoto nhắc tới nửa thế kỷ trước.

Maradona bộc lộ năng khiếu ngay từ ngày đầu thử chân ở đội trẻ Argentinos Juniors, năm tám tuổi. Họ nhìn ngoại hình của Maradona và cho rằng ông khai gian tuổi. Không phải vì ông cao lớn, mà trông già hơn tuổi, nhưng lại suy dinh dưỡng. Chỉ khi Maradona trình căn cước công dân, họ mới chấp nhận và đưa ông tới gặp bác sĩ. Ông sau đó được kê thuốc và tiêm thuốc kích thích phát triển cơ thể.

0601 mara3

Maradona (trái) trong một trận đấu của Argentinos Juniors năm 1976. Ảnh: Leon Yearwood

Maradona ngay lập tức trở thành hiện tượng. Trong giờ giải lao mỗi trận, ông thường tâng bóng biểu diễn kỹ thuật, khiến khán giả trầm trồ. 11 tuổi, ông được truyền thông khắp Argentina nhắc tới. Maradona bắt đầu đối chọi hai thách thức lớn trong cuộc đời kể từ đó: Sự kỳ vọng và chất kích thích.

Tình yêu của người Argentina dành cho Maradona cũng lớn dần, và luật lệ đôi khi cũng chừa ông. Thầy hiệu trưởng cho qua các bài kiểm tra, mà cầu thủ này trượt. Maradona phải oằn mình thi đấu dưới áp lực của người hâm mộ, truyền thông và đội bóng. Sau khi gia nhập Boca Juniors năm 1981, đội bóng này khủng hoảng tài chính. Maradona phải đấu thêm hàng loạt trận đấu giao hữu để kiếm tiền về cho đội nhà. Áp lực trở nên quá sức chịu đựng, và Maradona tìm đến những mũi tiêm để giảm bớt căng thẳng.

Maradona bắt đầu nghiện cocain khi chơi cho Barca - nơi ông không thể hòa nhập. "Cậu bé vàng" hạnh phúc hơn ở Napoli, khi đưa đội bóng xứ Naples đoạt hai Serie A, và một Cup UEFA. Nhưng, thời gian Maradona ở Napoli cũng đầy tai tiếng, với nghi vấn lạm dụng ma túy, tiệc tùng và mối quan hệ với tổ chức mafia Camorra.

Maradona dần phá bỏ các luật lệ, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Ông được biết tới với biệt danh "Bàn tay của Chúa", nổi tiếng nhất là pha dùng tay ghi bàn để loại đội tuyển Anh ở tứ kết World Cup 1986. Ông còn dùng tay và kiếm được phạt đền ở chung kết Cup UEFA 1989, và dùng tay đẩy bóng cứu thua ở trận gặp Liên Xô tại World Cup 1990. Maradona trốn kiểm tra doping bằng cách sử dụng một dương vật và bàng quang giả, chứa nước tiểu của người khác. Các nghi vấn trốn thuế của Maradona vẫn còn được bàn tán nhiều năm sau khi ông rời Italy.

0654 hand4

Bàn thẳng bằng tay của Maradona vào lưới thủ môn Peter Shilton, trận gặp Anh ở World Cup 1986. Ảnh: Leon Yearwood

Tháng 3/1991, Maradona dương tính với cocain, bị cấm thi đấu 15 tháng, dẫn tới tăng cân và sa sút phong độ. Ông gây thất vọng trong thời gian thi đấu cho Sevilla và Newell’s Old Boys. Khi phóng viên đến nhà Maradona, nhóm bạn ông dùng súng hơi bắn dọa. Nhưng, khi ông nói muốn chơi bóng ở World Cup 1994, mọi người đều chào đón.

Maradona không chỉ là thiên tài, mà còn là biểu tượng quan trọng. Trong suốt sự nghiệp, ông chỉ chơi xuất sắc trong bốn mùa giải. Maradona không bền bỉ như Lionel Messi, nhưng bùng nổ khi người Argentina cần nhất.

Màn trình diễn của Maradona ở World Cup 1986 có lẽ là vĩ đại nhất lịch sử giải đấu. Ông không chỉ ghi bàn, mà lập công sau những pha rê dắt lắt léo, mà người Argentina gọi là "gambetas". Maradona đến từ potreros, vẫn luôn thi đấu bằng gambetas, và đoạt World Cup với lối chơi đó. Pha solo ghi bàn của Maradona vào lưới đội tuyển Anh cũng ở World Cup 1986 đến nay vẫn được coi là bàn thắng đẹp nhất lịch sử giải đấu.

Maradona được coi như một đứa con của Chúa, và những chủ đề ông nói luôn có trọng lượng. Ông được so sánh với Tổng thống Peron ngày nào, với khả năng gây ảnh hưởng tới khắp đất nước Argentina. Đó là lý do ông được bổ nhiệm dẫn dắt Argentina ở World Cup 2010 mà không có kinh nghiệm. Đó là lý do ở Buenos Aires có một nhà thờ mang tên Maradona. Đó là lý do chiếc dương vật giả của ông được trưng bày trong bảo tàng ở Buenos Aires, trước khi bị đánh cắp.

Maradona lấy lại thể lực để thi đấu ở World Cup 1994, và ghi bàn trong trận ra quân gặp Hy Lạp. Nhưng, sau trận thứ hai gặp Nigeria, ông phải lẫy mẫu nước tiểu, và dương tính với chất cấm. Người Argentina đau buồn tột độ. Họ chưa từng đau buồn như thế kể từ khi để quốc tang Peron. Và mẫu nước tiểu của Maradona trả về dương tính ngày 1/7/1994, tròn 20 năm sau ngày mất của Peron.

"Cậu bé vàng" lắm tài nhiều tật của Argentina trút hơi thở cuối cùng, hai tuần sau một cơn đau tim dẫn tới tụ máu não. Maradona đã gặt hái nhiều vinh quang, nhưng cũng không chịu nổi cám dỗ và áp lực của một ngôi sao. Lối sống buông thả khiến sức khỏe của ông xấu đi trong nhiều năm qua. Nhưng, hình ảnh Maradona trong mắt người Argentina, lẫn người Naples, chưa từng phai nhạt. Ông vẫn là một biểu tượng vĩ đại, không chỉ của bóng đá Argentina, mà của đất nước Argentina.

Ngày ông ra đi, Argentina sẽ đổ lệ.

Xuân Bình tổng hợp

Pele tiếc thương Maradona: Mong có ngày được chơi bóng cùng nhau ở thiên đường Pele tiếc thương Maradona: Mong có ngày được chơi bóng cùng nhau ở thiên đường
Những chiến tích để đời của huyền thoại bóng đá Maradona Những chiến tích để đời của huyền thoại bóng đá Maradona

/ vnexpress.net