Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quyết định để giành lại những vùng lãnh thổ mất quyền kiểm soát. Tuy nhiên, Kiev sẽ phải vấp phải tuyến phòng thủ khổng lồ và cực kỳ kiên cố được Moscow xây dựng từ năm ngoái.

Ở đâu, khi nào và như thế nào?

Cuộc phản công của Kiev được dự đoán sẽ diễn ra trong những tuần tới và chỉ có 5 quan chức Ukraine nắm được thông tin chi tiết, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine, ông Oleksiy Danilov cho biết.

xetangnga.jpg -0
Xe tăng Nga nã pháo trong xung đột Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Vì sự "kín tiếng" này nên khi được hỏi về kế hoạch phản công, các quan chức nêu trên chỉ trả lời vỏn vẹn: "Hãy chờ xem". Có nhiều lý do cho cách tiếp cận này. Thứ nhất, lượng vũ khí dự kiến từ phương Tây vẫn chưa được chuyển giao xong. Bên cạnh đó, nhìn vào lực lượng tấn công của Ukraine từ tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, đây là một lực lượng lớn nhưng lại có nhiều điểm yếu.

Mặc dù quân đội và lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine đã thành lập được ít nhất 16 lữ đoàn mới, bao gồm tổng cộng khoảng 50.000 chiến binh. Nhưng các đơn vị mới này cần thời gian để chuẩn bị và làm quen với vũ khí mới. Một thách thức khác là khả năng phối hợp nhiều đội hình cho một cuộc tấn công lớn. Cho đến nay, Ukraine có rất ít kinh nghiệm làm việc này. Giới chuyên môn ở Kiev cho biết các kịch bản có thể xảy ra đã được mô phỏng trên máy tính.

Ngoài ra, điều kiện thời tiết không phải là tối ưu. Mưa đã khiến nhiều con đường ở nông thôn không thể di chuyển được đối với các thiết bị quân sự hạng nặng. Và những người lính Ukraine cần đợi những tán lá mọc dày hơn để họ có thể sử dụng nó làm nơi ẩn nấp. Sẽ mất một thời gian để môi trường xung quanh họ trở nên đủ khô ráo và đủ xanh tốt.

Một trong những bí mật được giữ kín nhất hiện nay là Ukraine lên kế hoạch tấn công ở đâu, khi nào và như thế nào. Dự kiến sẽ có ít nhất hai hướng tấn công chính. Còn nhớ vào mùa thu năm 2022, quân đội Ukraine đã tiến công thành công về phía Kharkiv và Kherson.

Vào tháng 9/2022, trong một báo cáo, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi chỉ đưa ra một bản phác thảo sơ bộ về hình thức một cuộc phản công của Ukraine. Trong bài viết, ông nói về "một số cuộc phản công kiên quyết, và lý tưởng là diễn ra đồng thời".

Một mục tiêu chiến lược quan trọng mà Tướng Valeriy Zaluzhnyi đề cập là bán đảo Crimea. Tại Kiev, tất cả đều đồng ý rằng đây là hướng chính mà Ukraine nên tập trung nỗ lực. Nhưng họ cũng mong đợi những điều bất ngờ và những chiêu nghi binh. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ liệu Ukraine có đủ thiết bị và sức mạnh chiến đấu để giành lại Crimea.

Trong khi đó, một số khác tin rằng, lực tấn công chính sẽ hướng tới khu vực Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Từ đó, các lực lượng Ukraine có thể mở đường tiến về phía bán đảo Crimea để cắt đứt quân đội Nga khỏi các tuyến đường tiếp tế trên bộ. Các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là một thành công lớn đối với Kiev.

Tuyến phòng thủ dài 800km

Nhưng điều đó sẽ không dễ dàng khi Nga đã xây dựng nhiều tuyến phòng thủ kiên cố. Kể từ mùa hè năm ngoái, các lực lượng Nga đã xây dựng một hàng rào phòng thủ khổng lồ để ngăn chặn cuộc phản công dự kiến của Ukraine. Trên khắp các khu vực kiểm soát, ở tiền tuyến cũng như ở các thành phố phía sau, Moscow đã dựng lên các hàng rào phòng thủ với quy mô chưa từng thấy ở châu Âu kể từ khi đế chế của Adolf Hitler sụp đổ.

Tuyến phòng thủ trải dài từ biên giới Nga với Ukraine tại tỉnh Luhansk ở phía Đông Bắc chạy qua các vùng Donetsk và Zaporizhzhia, theo dòng sông Dnipro khi nó đi qua TP Kherson và kết thúc ở cửa ngõ đến bán đảo Crimea. Thành phố chiến lược Tokmak nằm cách các trang trại Stepove-Ternuvate 20km về phía Đông Nam.

Tại đây, các lực lượng Nga đã xây dựng một hệ thống phức tạp hơn với nhiều tuyến vị trí phòng thủ. Ông Javier Jordán, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Granada ở Tây Ban Nha và là giám đốc nhóm phân tích quốc phòng Chiến lược Toàn cầu, và ông Stephen Biddle, Giáo sư tại Đại học Columbia (Mỹ), đã đưa ra so sánh trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm ngoái: "Không có sự khác biệt về chất trong các cấu trúc phòng thủ này với thời Thế chiến II".

Trong khi đó, theo ông John Helin, nhà sử học và nhà phân tích quân sự Phần Lan, các lực lượng Nga cũng đã củng cố các đô thị để biến chúng thành các cứ điểm phía sau phòng tuyến, mà các lực lượng Ukraine sẽ phải đánh chiếm từng khu vực một để tránh sót lại các đơn vị quân địch ở hậu phương của chính họ. Vị chuyên gia cho biết các rào cản phòng thủ do Nga dựng lên tương tự như những chướng ngại vật được triển khai cách đây 80 năm, mặc dù dễ vượt qua hơn.

Ví dụ, "răng rồng" (chướng ngại vật bê tông cốt thép để cản trở xe bọc thép) không được đào cắm xuống đất như trong Thế chiến II mà đặt trên bề mặt và có thể dễ dàng loại bỏ bằng máy xúc. Các boongke cũng được thiết kế tương tự, không có móng ngầm hoặc tường kiên cố. Chúng được đúc sẵn và chủ yếu được đặt dọc theo các con đường để làm nơi trú ẩn cho các tay súng bắn tỉa.

Tờ El Pais của Tây Ban Nha thậm chí còn so sánh rằng, những gì gần nhất cũng chỉ có thể được tìm thấy trong sách lịch sử hoặc trong các chuyến du lịch đến thăm Tuyến phòng thủ Siegfried (Siegfried Line) huyền thoại hoặc Gothic Line ở Italy, cả hai đều được quân đội Đức xây dựng trước và trong Thế chiến II 800km chiến hào, rãnh chống tăng, "răng rồng", lô cốt súng máy và boongke, ngày nay đang tạo thành tuyến phòng thủ bảo vệ các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Tuy nhiên, tuyến phòng thủ của Nga vẫn "đáng gờm", như tình báo Anh đã lưu ý vào ngày 12/4, đặc biệt là ở mặt trận Zaporizhzhia, nơi có thể dự đoán trước một cuộc phản công của Ukraine nhắm tới mục tiêu là Melitopol và Biển Azov. Ở Zaporizhzhia và khu vực bị chiếm đóng thuộc tỉnh Kherson, Nga đã xây dựng ba tuyến phòng thủ song song dài 120km, mỗi tuyến cách nhau khoảng 15km và tất cả đều theo cùng một hệ thống: tuyến chiến hào đầu tiên có dây thép gai, phía trước rải mìn; rồi đến "răng rồng", hào chống tăng, tiếp đó là nhiều hào khác có thêm vị trí cho xe tăng với vai trò pháo binh. Ngoài ra, không giống như năm ngoái ở Kharkiv và Kherson, Nga hiện được cho là sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công của riêng mình. Đó là một trong những rủi ro Ukraine sẽ gặp phải với cuộc phản công dự kiến của họ.

Bất chấp những lo ngại như vậy, tinh thần ở Kiev vẫn lạc quan một cách thận trọng. "Cuộc tấn công này không thể thất bại. Nhiều vùng lãnh thổ sẽ được Ukraine giành lại", một chuyên gia quân sự cho biết, "Vấn đề là (giành lại) bao nhiêu, và với cái giá bao nhiêu?".

Vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công. Nhiều người lo ngại phương Tây có thể gây áp lực buộc Ukraine phải đàm phán và đưa ra những nhượng bộ nếu nước này không đáp ứng được kỳ vọng. Nhưng các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu Ukraine đã bác bỏ kịch bản đó.

Hòa bình trong tầm tay

Hòa bình và an ninh ở châu Âu thực ra là có sẵn, tương đối dễ dàng và nằm sẵn trong tầm tay. Để chấm dứt chiến sự ở Ukraine, phương Tây trước tiên phải thay đổi ưu tiên của họ. Các lãnh đạo phương Tây trước tiên cần nói riêng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng, sự hậu thuẫn mang tính mở về mặt quân sự, chính trị và tài chính mà phương Tây dành cho Ukraine sẽ kết thúc vào một thời điểm định trước và ông ấy do vậy phải tạo ra một thỏa thuận tốt nhất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột quân sự. Tiếp đó, một lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (gồm các thành viên bên ngoài châu Âu) sẽ được lập ra để bảo đảm không bên nào vượt qua hoặc tấn công lên đường phân tách đã được hai bên nhất trí.

Theo đường hướng này, Ukraine sẽ tuyên bố mình trung lập về quân sự; đáp lại, Nga sẽ không can thiệp vào việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong kịch bản sau này EU đồng ý như vậy. Nếu những điều trên được thực hiện thì an ninh của NATO và an ninh quốc gia của Mỹ vẫn sẽ ở trạng thái mạnh, và trên thực tế, còn được bảo đảm hơn so với trước tháng 2/2022.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng cao là cả Mỹ và châu Âu sẽ không chọn lựa con đường an ninh có sẵn nói trên. Thay vào đó, gần như chắc chắn phương Tây tập thể sẽ tiếp tục theo đuổi những nguyện ước không thể đạt về mặt quân sự, đó là muốn Nga thất bại còn Ukraine chiến thắng.

Giới chuyên gia đánh giá, không có cửa cho chiến thắng quân sự bên phía Ukraine. Kiev và các đồng minh phương Tây hậu thuẫn cho họ có thể phớt lờ hiện thực quân sự và cố gắng giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào nhưng rốt cuộc, chỉ có 2 kết quả khả dĩ nhất: hoặc là đàm phán hòa bình, hoặc là thất bại về quân sự.

https://cand.com.vn/Quoc-te/muc-tieu-co-hoi-va-rui-ro-i692357/

Khổng Hà / cand.com.vn