Lầu Năm Góc có kế hoạch điều động thêm lực lượng đặc nhiệm tới bán đảo Triều Tiên
Quân đội Mỹ đang lặng lẽ chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất mà không ai hy vọng sẽ xảy ra: chiến tranh với Triều Tiên, theo báo The New York Times.
Chiến dịch lớn
Tại căn cứ Fort Bragg, bang North Carolina hồi tháng 12-2017, 48 máy bay vũ trang Apache và trực thăng Chinook tham gia tập trận triển khai binh sĩ và vũ khí dưới làn đạn thật để tấn công mục tiêu.
Hai ngày sau, 119 binh sĩ Sư đoàn Không vận 82 của Lục quân Mỹ nhảy dù từ máy bay vận tải C-17 trên bầu trời bang Nevada, bắt đầu mô phỏng cuộc xâm chiếm nước khác.
Trong khi cuộc tập trận tại Fort Bragg là một trong các cuộc tập trận tấn công từ trên không quy mô nhất những năm gần đây, diễn tập ở Nevada sử dụng gấp đôi số lượng máy bay chở hàng và lính nhảy dù so với những lần trong quá khứ.
Các binh sĩ Sư đoàn Không vận 82 của Lục quân Mỹ nhảy dù từ máy bay vận tải C-17 tại bang Nevada tháng 12-2017Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ |
Theo trang NPR, giới chức Mỹ cho biết quân đội nước này cũng đang huấn luyện thêm hàng ngàn binh sĩ tác chiến trong hầm, đồng thời gia tăng thiết bị đặc dụng cần thiết cho hoạt động tác chiến trong hầm. Bình Nhưỡng được cho là có hàng ngàn hầm ngầm và boongke có thể dùng để giấu binh lính, pháo cũng như các hóa chất, vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học…
Vào tháng 2 tới, một chiến dịch diễn ra trên khắp các căn cứ của Lục quân tại Mỹ, huy động hơn 1.000 binh sĩ với nội dung thực hành cách thành lập các trung tâm điều động nhằm triển khai nhanh binh lực ra nước ngoài.
Đầu tháng 2 cũng là thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc và Lầu Năm Góc có kế hoạch điều động thêm lực lượng đặc nhiệm tới bán đảo Triều Tiên. Đây là bước đi ban đầu mà giới chức quốc phòng cho là có thể tiến tới thành lập mô hình lực lượng đặc nhiệm tại Hàn Quốc, tương tự những lực lượng đang làm nhiệm vụ ở Iraq và Syria.
Những động thái quân sự trên vốn không hề xa lạ trong các kế hoạch huấn luyện và luân chuyển binh sĩ của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, quy mô và thời điểm của các cuộc tập trận cho thấy trọng tâm mới của chiến dịch hướng đến sự chuẩn bị quân sự cho cuộc chiến với Triều Tiên.
Trong khi đó, quân đội Mỹ còn tiếp tục tăng cường hiện diện quanh bán đảo Triều Tiên trước Thế vận hội. Hãng thông tấn AP cho hay hồi tuần trước, 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit với khoảng 200 nhân sự đã được triển khai từ căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri tới đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Đây là máy bay ném bom hiện đại nhất của Không quân Mỹ, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đồng thời là loại máy bay duy nhất thả được bom GBU-57 lớn nhất (nặng tới 14 tấn) của Không quân Mỹ, có thể nhằm vào mạng lưới hầm ngầm lợi hại của Triều Tiên.
Thông điệp tới Trung Quốc
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson (Mỹ) cũng đang trong hành trình tới phía Tây Thái Bình Dương, dự kiến tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trước khi Thế vận hội khai mạc vào ngày 9-2. Ngoài ra, tàu sân bay USS Ronald Reagan đồn trú ở cảng Yokosuka, Nhật Bản đang hiện diện ở khu vực. Phía Bình Nhưỡng cho rằng Mỹ cũng có kế hoạch điều thêm tàu khu trục USS John Stennis từ Bremerton, Washington.
Thêm vào đó, Thủy quân Lục chiến Mỹ ngày 14-1 thông báo tàu đổ bộ USS Wasp đã cập ngôi nhà mới ở Nhật Bản sau khi được nâng cấp để cho phép máy bay chiến đấu tàng hình F-35B cất cánh. Giới chức Mỹ nhấn mạnh sự triển khai này nằm trong hoạt động luân chuyển và huấn luyện theo kế hoạch, trong khi cũng thừa nhận đây là một thông điệp không chỉ tới Triều Tiên mà còn tới đồng minh chính của nước này là Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng đã có nhiều thay đổi tích cực trên bán đảo Triều Tiên, Tân Hoa Xã cho biết hôm 16-1 sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Phía ông chủ Nhà Trắng thúc giục ông Tập gia tăng sức ép kinh tế và chính trị lên Bình Nhưỡng với hy vọng thuyết phục nước này chấm dứt chương trình hạt nhân.
Dù vậy, Trung Quốc, cùng với Nga, không tham gia hội nghị bàn cách kiềm chế tham vọng hạt nhân Triều Tiên tại Canada ngày 16-1. Theo Reuters, hội nghị này - do Canada và Mỹ chủ trì và có sự tham dự của quan chức cấp cao từ 20 nước - sẽ bàn cách tăng cường áp lực ngoại giao và tài chính lên Triều Tiên.
Tuy nhiên, tại tiệc chiêu đãi tối 15-1, sự xuất hiện của hai vị bộ trưởng quốc phòng Canada và Mỹ trong vai trò khách mời đặc biệt đã làm dấy lên nghi vấn về khả năng các bên còn bàn đến cả giải pháp quân sự.
Một năm cầm quyền nhiều ồn ào của Trump Trong một năm tại vị, Trump đã làm tình hình bán đảo Triều Tiên và Trung Đông thêm căng thẳng và vướng vào rắc rối ... |
Tổng thống Trump và chiến lược ẩn sau tuyên bố mâu thuẫn về Triều Tiên Tổng thống Trump thường đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn trong xử lý vấn đề Triều Tiên, nhưng thực tế mọi thứ vẫn nằm ... |
Bí mật về người phụ nữ duy nhất trên bàn đàm phán Triều Tiên và Hàn Quốc Tham dự vòng đàm phán mới đây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có sự xuất hiện của người phụ nữ duy nhất Hyon Song ... |
THU HẰNG