Dù UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong, nhưng gần 3 năm qua vẫn không triển khai được. Công ty Thành Bưởi vẫn sử dụng khu đất này để làm bến xe lậu.
- Nhà xe Thành Bưởi: Từ chạy xe dù đến né thuế làm thất thu ngân sách
- Lật tẩy hàng loạt vi phạm của nhà xe Thành Bưởi
Không chỉ hoạt động xe hợp đồng trá hình xe khách tuyến cố định, nhà xe Thành Bưởi lập nhiều bến cóc, bến lậu ngay giữa trung tâm thành phố.
Mặc dù lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt, yêu cầu trả nguyên trạng; UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi đất ở bến xe lậu… nhưng 3 năm qua bến xe lậu này vẫn ngang nhiên hoạt động như thách thức chính quyền thành phố.
Bến xe lậu ngang nhiên tồn tại giữa lòng thành phố
Trong hàng loạt bến xe lậu mà Công ty Thành Bưởi đang lập tại TP.HCM để vận chuyển hành khách đi Đà Lạt, nổi bật nhất là bến xe lậu tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10. Bến này cũng có cổng vào ở số 1 Vĩnh Viễn, giáp với đường Lê Hồng Phong.
Bên trong khu đất có diện tích gần 11.000m2 tại địa chỉ 419 Lê Hồng, Công ty Thành Bưởi lắp đặt các thiết bị như một bến xe, tổ chức đưa đón khách tuyến TP.HCM - Đà Lạt mỗi ngày với hàng chục xe xuất bến.
22h tối 5/10, chúng tôi có mặt tại bến xe lậu 419 Lê Hồng Phong. Hàng loạt chiếc xe của Thành Bưởi từ các hướng đổ về, đi vào cổng số 1 Vĩnh Viễn để vào bến lậu. Sau khi gom đủ khách, những chiếc xe này lần lượt đi ra cổng 419 Lê Hồng Phong.
Khi một chiếc xe giường nằm của Thành Bưởi vừa ra khỏi cổng 419 Lê Hồng Phong, một tổ công tác gồm CSGT, công an quận 10 bất ngờ xuất hiện.
Tổ công tác chặn chiếc xe Thành Bưởi biển số 51B-252.50 xuất bến lúc 22h30 từ điểm 266 Lê Hồng Phong đến Đà Lạt. Ngoài kiểm tra bằng lái của tài xế, giấy đăng kiểm của xe, tổ công tác còn rà từng tên hành khách trên phiếu thông tin cá nhân với danh sách hành khách đón để xem có trùng nhau không.
Rất hài hước là danh sách hoàn toàn trùng lặp, bởi nhân viên của Thành Bưởi đã lấy thông tin của hành khách để điền vào hợp đồng trước khi xuất bến. Trong khi đó, việc gom khách lẻ được Thành Bưởi triển khai ở bên trong bến xe lậu thì không kiểm tra.
Ngoài điểm đón trên đường Lê Hồng Phong, trong danh sách còn thể hiện sẽ đón khách tại các điểm trên đường Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức.
Sau khi TP.HCM cấm xe khách giường nằm vào trung tâm từ 6h - 22h, ban ngày Thành Bưởi sử dụng khu này để gom khách, cho lên xe trung chuyển rồi đưa khách đến các bến cóc ở đường Mai Chí Thọ, Liên Phường, thành phố Thủ Đức… chuyển qua xe giường nằm.
Mặt chính của khu "đất vàng" nằm ở cổng 419 Lê Hồng Phong, bình thường cửa đóng cửa kín mít.
Ban đêm sau 22h, những xe giường nằm trực tiếp chở khách từ Đà Lạt về chạy thẳng vào bến xe lậu này. Cánh cổng mở toang, các xe khách Thành Bưởi lần lượt vào ở cổng số 1 Vĩnh Viễn, xếp đầy khách rồi rời đi qua cổng 419 Lê Hồng Phong.
Thành phố chỉ đạo thu hồi, bến lậu vẫn tồn tại gần 3 năm
Khu đất 419 Lê Hồng Phong rộng gần 11.000 m2 có nguồn gốc là đất công, thuộc sở hữu nhà nước. Trước năm 2000, UBND TP.HCM cho Công ty giày Sài Gòn (lúc này đang là doanh nghiệp nhà nước) thuê với thời hạn 20 năm.
Đến năm 2007, Công ty giày Sài Gòn đã cổ phần hoá, nhưng vẫn được UBND TP.HCM cho thuê khu đất này để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách. Tiền thuê đất được trả hàng năm.
Quá trình thuê, Công ty cổ phần giày Sài Gòn đã sử dụng không đúng mục đích. Năm 2015, doanh nghiệp này tự ý cho thuê lại mặt bằng. Trong đó, một phần khu đất được Công ty Thành Bưởi thuê để làm bến xe lậu.
Năm 2016, cơ quan chức năng của TP.HCM phát hiện tại khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong có vi phạm xây dựng, thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ không theo quy hoạch. Ngày 10/10/2016, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 35.000.000 đồng đối với Công ty Thành Bưởi về hành vi "lập bến xe không theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Và sau khi vào cuộc thanh tra, đến tháng 3/2017, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM xử phạt Công ty cổ phần giày Sài Gòn 720 triệu đồng vì vi phạm trong quản lý và sử dụng đất.
Tháng 7/2020, Công ty cổ phần giày Sài Gòn đổi tên thành Công ty cổ phần giáo dục G Sài Gòn.
Đến ngày 31/12/2020, khi hết thời hạn cho thuê đất, đáng ra Công ty cổ phần giày Sài Gòn phải trả lại đất cho thành phố. Bởi lúc này công ty không còn hoạt động gì ở đây, thành phố không đồng ý gia hạn cho thuê đất.
Thế nhưng, công ty này vẫn chiếm dụng đất và cho thuê lại trái phép. Công ty Thành Bưởi vẫn tiếp tục sử dụng khu đất này để lập bến lậu, hoạt động đón trả khách trái phép ngày đêm.
Tháng 5/2019, Thường trực UBND TP.HCM có chủ trương thu hồi. Đến ngày 28/5/2021, UBND TP.HCM đã có Quyết định 1968 thu hồi khu đất tại 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10. Việc này được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp với địa phương thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường giao trực tiếp Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM triển khai. Thế nhưng, trung tâm này cho biết, tháng 10/2021, phía trung tâm đã có giấy mời gửi Công ty cổ phần giáo dục G Sài Gòn và các đơn vị liên quan để tiến hành các thủ tục thu hồi khu đất. Tuy nhiên Công ty cổ phần giáo dục G Sài Gòn không hợp tác.
Theo luật sư Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP. HCM), căn cứ theo Điều 71 Luật Đất đai, nếu thời gian thuê đất đã hết, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi đất, các cơ quan chức năng đã thực hiện những việc như trên nhưng Công ty cổ phần giáo dục G Sài Gòn vẫn không giao đất, UBND TP. HCM có thể ban hành quyết định cưỡng chế.
"Trong quá trình cưỡng chế mà đối tượng chống đối, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi chống đối, người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thế nhưng, đã gần 3 năm qua, các ngành chức năng TP.HCM vẫn chưa có những động thái quyết liệt thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong.
Tính từ năm 2017 đến nay, đã trải qua 5 đời phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách đô thị, 4 đời chủ tịch UBND quận 10 nhưng những vi phạm liên quan đến khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong vẫn chưa được xử lý dứt điểm.