Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đang chuẩn bị cho động thái quan trọng, hướng đến mức tăng 200 điểm cơ bản để nâng lãi suất chủ chốt lên 23% vào cuối tuần này. Đây là mức lãi suất cao nhất trong hơn hai thập kỷ, nhằm chống lại tình trạng lạm phát tăng cao do đồng rúp mất giá, chi tiêu mạnh mẽ của chính phủ và nhu cầu tiêu dùng tăng.
- Fed đã đạt được “một số tiến bộ” trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu
- Lạm phát Australia tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng
Chỉ số giá tiêu dùng của Nga tiếp tục tăng mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất nhiều lần nhằm kiềm chế tình trạng tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng đạt 8,9% vào tháng 11-2024 so với mức 8,5% vào tháng 10, chủ yếu do giá thực phẩm tăng. Đồng rúp yếu đi, sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ vào tháng 11-2024, cũng đã thúc đẩy lạm phát, khiến chi phí nhập khẩu tăng cao. Các nhà kinh tế dự kiến Ngân hàng trung ương Nga sẽ tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 20-12, đưa lãi suất chủ chốt của nước này lên 23%.
Tuần trước, Liam Peach, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết: Lạm phát tại Nga nhiều khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới, là lý do để Ngân hàng trung ương Nga nâng lãi suất mạnh thêm một lần nữa, đồng thời nhận định, giá cả sẽ tiếp tục tăng và lạm phát có khả năng tăng “cao hơn nhiều” so với cùng kỳ vào cuối năm 2025.
“Tăng trưởng nhu cầu trong nước đang vượt xa khả năng mở rộng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ”, CBR cho biết trong một tuyên bố. Hệ quả là người tiêu dùng Nga bị ảnh hưởng nặng nề khi các loại thực phẩm thiết yếu như bơ, trứng, dầu hướng dương và rau quả tăng giá lên đến hai chữ số do cầu vượt xa cung. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, đẩy chi phí tiền lương và sản xuất lên cao. Trong khi đó, Chính phủ Nga cáo buộc chi phí sinh hoạt tăng cao là do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Mátxcơva bởi các quốc gia “không thân thiện”.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, Nga sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6% vào năm 2024 trước khi giảm tốc vào năm tới, khi dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 1,3%. Lý giải nguyên nhân này IMF nhận định, sự suy giảm mạnh là do tiêu dùng và đầu tư tư nhân chậm lại trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và tăng tiền lương chậm hơn. Nga tìm cách tránh đòn trừng phạt bằng cách thay thế nhập khẩu và xuất khẩu dầu khí sang các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ nhưng các lệnh trừng phạt quốc tế tiếp tục gây tổn hại cho xứ sở Bạch dương. Đồng rúp Nga đã giảm mạnh so với đồng USD vào tháng 11 (114 rúp đổi 1 USD) ở mức thấp nhất kể từ tháng 3-2022 sau đợt trừng phạt của Mỹ nhắm vào ngân hàng lớn thứ ba của Nga là Gazprombank. Các biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn Gazprombank - kênh trung gian của Nga để mua thiết bị quân sự, trả tiền cho binh lính và gia đình của những người thiệt mạng...
Sự sụt giảm mạnh của đồng rúp đã thúc đẩy ngân hàng trung ương can thiệp nhằm hỗ trợ đồng tiền này. CBR cho biết sẽ dừng hoạt động mua ngoại tệ trên thị trường trong thời gian còn lại của năm để giảm sự biến động của thị trường tài chính. Bình luận về vấn đề trên trong tháng 11-2024, Tổng thống Nga V. Putin khẳng định, tình hình kinh tế đã được kiểm soát.
Tuy đồng rúp đã mạnh lên trong những tuần gần đây nhưng vẫn giảm khoảng 3% so với đồng USD. Trong phiên giao dịch ngày 16-12, 103 rúp đổi 1 USD. Hiện tại, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt tình hình kinh tế của Nga vì đợt tăng lãi suất sắp tới dự kiến có thể tác động đến cả thị trường trong nước và toàn cầu. Việc điều chỉnh lãi suất lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí vay, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng và khiến lạm phát chậm lại. Động thái này có khả năng ổn định đồng rúp và ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, do chi phí tăng đối với đồ điện tử và ô tô bởi biến động tiền tệ.
Các nhà phân tích nhận định, hoàn cảnh của Nga làm nổi bật những thách thức lớn hơn mà các quốc gia này phải đối mặt trong việc quản lý lạm phát khi kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động. Nga đang đối mặt với những thách thức từ sự cân bằng phức tạp giữa việc kiềm chế lạm phát trong khi vẫn phải duy trì tăng trưởng kinh tế. Việc Mátxcơva đặt mục tiêu giảm lạm phát thành công xuống ngưỡng 4% không chỉ giúp ổn định nền kinh tế, mà còn tạo động lực cho các nền kinh tế khác đang phải vật lộn với áp lực lạm phát tương tự.