Vượt núi cõng học sinh đến trường, đi xin quần áo cho các em, nhường phòng họp làm nhà nội trú, dạy thêm không biết đến thù lao… là những việc làm phi thường của các thầy cô giáo ở ngôi trường lọt thỏm giữa rừng già Krong.
Băng rừng, vượt thác cõng học sinh đến trường
Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) là ngôi trường khó khăn bậc nhất ở mái đông dãy Trường Sơn – Tây Nguyên. Sau khi “vật lộn” với quãng đường 50km từ trung tâm huyện, chúng tôi mới đến được ngôi trường nằm giữa lòng chảo núi cao, quanh năm mây phủ. Trời đã xế chiều, các thầy cô giáo đang cặm cụi chuẩn bị đồ đạc để sáng hôm sau băng rừng, vượt thác vào bản... tìm học sinh.
Từ 4 giờ sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, tôi theo chân các thầy giáo tìm đường vào làng Pngăl. Nhìn từ xa, con đường vào ngôi làng đầy những vệt bánh xe máy ngoằn ngoèo, nhầy nhụa bùn đất, những tảng đá lớn chắn ngang, một bên rừng và một bên vực. Được khoảng 10km, các thầy phải bỏ xe máy lại, đi bộ theo đường rừng, vượt những dốc cao dựng ngược thêm khoảng 3km thì phải nghỉ lấy sức.
Thầy Chí, thầy Hải cùng học sinh chống gậy vượt núi đến trường. ảnh: Trần Hiền
Vừa thở hổn hển, thầy Phạm Minh Chí nói: “Phía trước còn nhiều dốc đá, vực sâu một bên nên mọi người cẩn thận. Hôm nay trời nắng còn đỡ, chứ gặp mưa to, nước trên núi đổ xuống phải trốn vào hốc đá, nếu không là mất mạng...”.
Sau hơn 3 giờ băng rừng, chúng tôi tiếp cận những ngôi nhà đầu tiên của làng Pngăl. Thấy các thầy cô đến, em Đinh Thị Thách (học sinh lớp 4) vội nép bên khe cửa, có ý lẩn tránh. Thầy Trần Thanh Hải (37 tuổi) liền chạy đến cầm tay Thách, ân cần bảo: “Phải đi học thì mới biết con chữ, sau này mới giúp được gia đình chứ?”. Vừa nói, thầy Hải vừa bước vào nhà lấy chiếc áo khoác duy nhất của Thách mặc cho em, rồi bước xuống nói với chị Đinh Quy (mẹ em Thách): “Nếu cháu về nhà, cô nhớ bảo cháu đi học nhé. Học biết cái chữ sau này mới có nghề nghiệp, gia đình mới có nhiều lúa gạo để ăn”.
Tiếp cuộc hành trình, vượt hơn 15km nữa, chúng tôi mới đến được cụm bản thứ hai của làng Pngăl. Vừa đến cụm bản, thầy Chí nhanh chóng hỏi những người lớn: “Sao không thấy em Đinh Xuế đi học?”. Một cụ già đáp: “Thằng Xuế đi làm với mẹ nó từ sớm rồi”. Vừa nghe xong, thầy Chí vội vàng chạy lên rẫy tìm, lát sau “bắt” được Xuế đưa về.
Cũng với cách như vậy, ở cụm bản số 3, 4 nằm sâu trong rừng già, các thầy đã vận động thêm được 2 em học sinh là Đinh Thị Đoàn (lớp 5) và Đinh Thị Glei (lớp 4).
Lúc này, khi mặt trời đã đứng bóng, đoàn chúng tôi vội quay trở lại. Đường đi đã gian nan, đường về lại càng hiểm trở hơn. Nhiều đoạn đường trơn trượt, chân bám không chắc, các thầy giáo mỗi người cõng một em để đảm bảo an toàn cho các em.
Dạy thêm không thù lao
Ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GĐĐT huyện Kbang - cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Trường phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Krong là trường khó khăn nhất huyện. Các thầy cô giáo phải vượt rừng đi vận động từng em học sinh, khi đưa được các em đến trường lại phải lo sắp xếp chỗ ăn ở cho các em. Hiện tại trường còn thiếu khoảng 19 phòng ở, các thầy cô phải bố trí cho các em ở lại ngay phòng học, phòng họp hội đồng của các thầy cô cũng phải nhường cho các em”.
Trước kia, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Krong là một điểm trường thuộc Trường tiểu học Krong. Đến năm 2015, trường đã xây dựng mô hình dạy học bán trú. Tuy là bán trú, nhưng vì đặc thù của xã vùng cao, các em học sinh lại ở xa nên nhà trường đã tổ chức cho các em ở nội trú.
Thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trường có 273 em học sinh, trong đó 149 em là học sinh nội trú, 100% các em đều là dân tộc Banah. Đa số các em đều sống trong rừng sâu, điều kiện giao tiếp bằng tiếng Việt còn nhiều hạn chế, phần lớn các em đều sử dụng tiếng mẹ đẻ. Chính vì vậy, việc truyền tải tiếng Việt đến với các em còn nhiều khó khăn. Khác với vùng đồng bằng, ở đây mỗi giáo viên “bám bản” phải có cái tâm, tình yêu nghề, yêu học sinh thì mới có thể kiên trì dạy chữ cho các em được...”.
“Để khắc phục những khó khăn trong việc truyền tải tiếng Việt, nhà trường động viên thầy cô giáo dạy thêm vào buổi chiều, tối. Tuy việc dạy thêm không có thù lao, nhưng bằng tấm lòng, các thầy cô giáo vẫn kiên trì dạy chữ cho các em. Chính những nỗ lực của các thầy cô giáo đã giúp chất lượng giáo dục vùng cao như được “trỗi dậy”, tất cả các em học sinh đều đã biết đọc, biết viết. Tỷ lệ duy trì sĩ số lên tới hơn 90%...”- thầy Thuấn tự hào nói.
Dù khó khăn đến đâu nhưng hàng tuần, hàng tháng, khi có học sinh trốn về nhà, các thày lại lặn lội rừng sâu, núi cao để đi “tìm bắt” từng em, vận động, thuyết phục các em trở lại trường. Và mỗi thày, lại cõng các em trên lưng trở lại trường. Mỗi bờ vai, tấm lưng của thầy giáo như đang cõng những hy vọng, những niềm vui, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ.
Cựu Tổng thống Mỹ viết gì trong thư gửi thầy giáo của con trai? Bức thư của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (12.2.1809 – 15.4.1865) gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học được ... |
Chân, Thiện, Mỹ, Hòa Năm 2000, tôi tạm dừng sự nghiệp giảng dạy mới chớm nở để đi du học. |
Mật phục lúc nửa đêm để "bắt" học trò Đó là những chuyến hành trình bắt đầu vào nửa đêm hoặc từ 2-3 giờ sáng của nhóm 5-7 thầy cô giáo Trường Phổ thông ... |
Lớp học xóa tái mù chữ đặc biệt ở Nghệ An Khát khao con chữ, dù ban ngày lên rẫy vất vả, phụ nữ dân tộc Thái ở Nghệ An vẫn cần mẫn học đánh vần, ... |