Chuyên gia quân sự Serbia đã đưa ra một quan điểm thú vị là những chiến đấu cơ MiG-29 Nga có thể sẽ giúp nước này gia nhập EU.

nghich ly mig 29 nga giup serbia gia nhap eu
Nga cung cấp miễn phí 6 chiếc MiG-29 cho Serbia (Ảnh minh họa)

Theo giới truyền thông, những chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-29 của Nga bắt đầu được đưa đến Cộng hòa Serbia. Từ đêm ngày 02, rạng sáng ngày 03/10, hai chiếc đầu tiên được chuyển đến sân bay Batajnica bằng máy bay vận tải An-124 của hãng hàng không Serbia.

Theo giới chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, đến cuối tuần tới, tất cả 6 chiếc MiG-29 sẽ được chuyển sang Serbia và sau đó, hai bên bắt đầu quá trình lắp ráp hoàn chỉnh và hiện đại hóa những máy bay này, cùng với 4 chiếc sẵn có trong biên chế không quân nước này.

Quy trình nâng cấp đòi hỏi nguồn kinh phí rất thấp là 180.000 euro, thế nhưng các máy bay sẽ được đưa lên trình độ thế hệ 4+. Như vậy, về bản chất, Serbia sẽ gia nhập Câu lạc bộ hiện đã bao gồm những nước sở hữu đội chiến đấu cơ thế hệ 4 như: Đức, Pháp, An, Italia...

Trước đây, sau cuộc hội kiến tại Moscow với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi cuối tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Serbia (nay là Tổng thống) Aleksandar Vučić cho biết, trong khuôn khổ viện trợ quân sự-kỹ thuật Liên bang Nga, Serbia sẽ được cung cấp miễn phí 6 máy bay chiến đấu MiG-29, cũng như 30 xe tăng T-72S và 30 xe BRDM-2.

Mặc dù được cung cấp miễn phí trang bị-vũ khí nhưng để hiện đại hóa và sửa chữa máy bay, Serbia sẽ phải trả bằng tiền của mình, tuy nhiên, số tiền này không phải là nhiều và thực ra là những đề xuất rất có lợi cho nước này.

Chuyên gia quân sự Serbia Miroslav Lazanski nhận định rằng, với 180 triệu euro, nước này nhận được những động cơ dự phòng, tên lửa không đối không tầm xa. Ngoài ra, MiG-29 của Serbia cũng có thể được trang bị miễn phí một số lượng tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser.

Đây là những vũ khí mà không quân Serbia chưa bao giờ có; vì vậy có thể nói rằng, đây là triển vọng tươi sáng cho kế hoạch hiện đại hóa triệt để của lực lượng không quân Serbia với cái giá rất rẻ.

Ông Lazanski lưu ý rằng, Serbia nhận máy bay MiG của Nga không phải là để tham chiến, mà là để bảo vệ không phận của đất nước. Theo ông, một nước có khát vọng trở thành thành viên Liên minh châu Âu phải có không phận quốc gia được bảo vệ tốt. Nếu không thì máy bay của các hãng hàng không thế giới sẽ đơn giản là “không thèm bay qua Serbia”.

Đồng thời, những chiếc MiG của Serbia cũng là điều vô cùng cần thiết để duy trì sự cân bằng lực lượng trong khu vực, trong bối cảnh những chiếc máy bay mới đang xuất hiện ở Hungaria, Romania, và cả Croatia (trong kế hoạch tiếp nhận những chiếc F-16 cũ của Mỹ).

Theo ông, những chiếc MiG-29 Serbia sẽ trở thành động lực kiềm chế những cái đầu nóng trong trường hợp một nước láng giềng nào đó bỗng nhiên quyết định có hành động phiêu lưu quân sự đối với Serbia. Nếu để dành cho cuộc chiến tranh thì số lượng máy bay đó sẽ là không đủ, nhưng để hạn chế tham vọng của các nước láng giềng thì hoàn toàn ổn.

Thời gian qua, quan hệ giữa Nga và Serbia đang trong giai đoạn hết sức nhạy cảm khi Belgrad tiếp tục nhận những lợi ích từ Nga, đồng thời trong chính quyền nước này đang có luồng tư tưởng theo về với Liên minh châu Âu và đang triển khai ý tưởng này.

Giới bình luận nhận định, trong thời gian qua, Liên minh châu Âu và NATO đang tăng cường các động thái ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm lôi kéo chính quyền Belgrade ngả về phía mình, tạo dựng “một khu vực Balkan không ảnh hưởng của Nga”.

Do đó, trong thời gian qua Nga cũng tăng cường đầu tư kinh tế, viện trợ quân sự, kết hợp với các hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo nước này thoát khỏi vòng vòng tay của EU và NATO.

Việc Nga cung cấp MiG-29, tăng-thiết giáp và có thể là các hệ thống phòng không Buk, Tor cho Serbia là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang ngày càng khăng khít hơn nữa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh một số quan chức nước này đang có xu hướng cắt đứt quan hệ với Moscow để gia nhập Liên minh châu Âu và NATO thì nhận xét của chuyên gia Lazanski về việc MiG-29 sẽ giúp nước này gia nhập EU sẽ trở thảnh một “nghịch lý” buồn đối với Nga.

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nghich-ly-mig-29-nga-giup-serbia-gia-nhap-eu-3344461/

/ Đất Việt