Giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất là một thực tế. Đằng sau sự chênh lệch này có phải là sự ưu ái cho khu vực sản xuất?

Lý do giá điện sản xuất rẻ hơn điện sinh hoạt

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng... Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

người dân có phải đang gánh tiền điện cho doanh nghiệp sản xuất?

Giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang, còn giá điện sản xuất tính theo giờ thấp điểm, bình thường, cao điểm

Thực tế, nếu nhìn vào cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân, có thể thấy nhận định “giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất” ở trên là đúng.

Tại Quyết định số 1062/QĐ-BCT quy định về giá bán điện ban hành sau khi EVN được tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920,3732 đồng/kWh, nhóm khách hàng sinh hoạt gồm 6 bậc, theo nguyên tắc dùng càng nhiều điện giá điện càng cao.

Cụ thể, bậc 1 có giá thấp nhất là 1.728 đồng/kWh. Bậc 2 có giá là 1.786 đồng/kWh. Bậc 3 có giá là 2.074 đồng/kWh. Bậc 4 có giá là 2.612 đồng/kWh. Bậc 5 có giá là 2.919 đồng/kWh. Bậc 6 có giá là 3.015 đồng/kWh.

Trong khi, giá bán lẻ điện cho sản xuất với cấp điện áp từ 110kV trở lên chia theo giờ bình thường, giờ thấp điểm và giờ cao điểm. Cụ thể, giờ thấp điểm có giá thấp nhất là 999 đồng, giờ cao điểm có giá là 2.844 đồng/kWh.

Cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá từ 1.037 đồng đến 2.959 đồng/kWh. Cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV có giá từ 1.075 đồng đến 3.055 đồng/kWh.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chuyên gia Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh nhìn nhận: Lâu nay nhiều người thường nghĩ rằng giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt là có sự ưu ái, là giá điện sinh hoạt phải bù cho giá điện sản xuất. Nói vậy không sai nhưng chưa đầy đủ. Việc giá điện sản xuất rẻ hơn giá điện sinh hoạt còn liên quan đến vấn đề chi phí phân phối.

“Công bằng mà nói giá điện đi theo chi phí. Chi phí đến đâu thì giá thành và giá bán đến đó. Đa phần doanh nghiệp sản xuất mua điện ở cấp điện áp cao từ cấp 22kV-110 kV". Chi phí để sản xuất, truyền tải và phân phối đến cấp điện áp đó đương nhiên rẻ hơn việc bán cho các hộ dân. Bởi vì điện bán cho các hộ dân bắt buộc phải bán đến cấp hạ áp, phải làm tiếp đường dây phân phối và trạm biến áp để bán tiếp xuống dưới”, vị chuyên gia này cho biết.

Chuyện bù giá là có

Biểu giá bán lẻ điện gồm nhiều đối tượng khách hàng, như là: Khách hàng sản xuất, khách hàng sinh hoạt, khách hàng kinh doanh, khối hành chính sự nghiệp… Mỗi đối tượng khách hàng có một mức giá khác nhau.

Theo chuyên gia Hà Đăng Sơn, khi thiết kế cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, rõ ràng sẽ phải có nhóm khách hàng nọ bù giá cho nhóm khách hàng kia, để tổng thể giá điện không vượt mức bán lẻ bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh.

Ngay cả EVN trong một báo cáo cuối năm 2022 cũng thừa nhận rằng, giá bán điện hiện nay có sự bù chéo giữa các nhóm khách hàng. Trong đó, khách hàng sinh hoạt bù chéo cho khách hàng sản xuất công nghiệp.

người dân có phải đang gánh tiền điện cho doanh nghiệp sản xuất?

Giá điện sinh hoạt cao ở một số bậc thang còn liên quan đến chuyện siết thói quen tiêu dùng lãng phí

"Vì sao giá điện sản xuất rẻ hơn giá điện sinh hoạt, mà không phải ngược lại?". Trả lời câu hỏi của PV, ông Hà Đăng Sơn phân tích: Sản xuất công nghiệp tạo ra FDI (thu hút đầu tư nước ngoài), tức là tạo ra việc làm và tác động tích cực cho xã hội... cho nên, tất cả các quốc gia muốn thúc đẩy sản xuất công nghiệp đều tính toán giá điện sản xuất công nghiệp rẻ hơn mức bình quân của giá điện sinh hoạt.

Mặt khác, giá điện sinh hoạt cao ở một số bậc thang còn liên quan đến chuyện siết thói quen tiêu dùng lãng phí. "Để tránh lãng phí tiêu dùng điện, không còn cách nào khác là áp dụng cơ chế giá ở những bậc cao. Giống như muốn cắt giảm khí nhà kính thì cần áp thuế carbon", ông Sơn lý giải việc phải dùng đến công cụ tài chính để thay đổi hành vi của người dân.

Truớc những thực tế đó, để có thể xóa bỏ mọi rào cản tâm lý "mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái", đại diện EVN cho rằng, cần bảo đảm việc giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.

Để làm được, theo đại diện EVN, cần thiết phải có lộ trình để xóa bỏ các hình thức bù chéo nêu trên và vấn đề chính vẫn là chính sách giá bán lẻ điện của Chính phủ. EVN đề xuất đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong đó, đề xuất xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng theo đúng quy định Luật Điện lực sửa đổi 2012 (hỗ trợ trực tiếp hộ tiêu thụ nghèo từ ngân sách nhà nước); đưa về hai nhóm chính là sinh hoạt (hộ gia đình) và phi sinh hoạt (bao gồm công nghiệp, dịch vụ và các hộ tiêu thụ khác).

 https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-co-phai-dang-ganh-tien-dien-cho-doanh-nghiep-san-xuat-d590932.html

Hồng Hạnh / Giao thông