Anh Tâm, người bị rắn hổ mang chúa cắn vừa bị tai nạn giao thông, sức khoẻ chưa bình phục đã phải liều mình làm nghề bắt rắn để kiếm tiền cho con ăn học.

Ngày 19/8, anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn. Khi nhập viện, anh Tâm còn giữ chặt con rắn còn sống, dài gần 3 m, nặng gần 5 kg quấn quanh khuỷu tay.

Nhiều người tuy thương, nhưng không giấu nổi sự ngạc nhiên, lấy làm lạ vì sao anh Tâm lại mang cả con rắn vào bệnh viện. Số khác, không biết vô tình hay cố ý nhưng lại để lại bình luận khiếm nhã: "Muốn nổi tiếng hay sao mà làm màu thế?".

Trước những hoài nghi của người dùng mạng xã hội, PV VTC News liên hệ với chị Phan Thị Hồng - chị gái của anh Tâm để rõ sự tình.

"Nó có biết mạng xã hội đâu mà nói muốn nổi tiếng, vì miếng cơm manh áo cả thôi cô ơi", chị Hồng bắt đầu rớm nước mắt.

Người đàn ông ôm rắn vào bệnh viện cấp cứu: Liều mạng kiếm tiền nộp học cho con - 1
Trên tay anh Tâm còn giữ nguyên "thủ phạm" khi đến bệnh viện.

Theo lời kể của chị Hồng, khoảng hai tháng trước, anh Tâm bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi, chú ý sức khoẻ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Tâm vẫn bất chấp nguy hiểm, đi tìm việc làm ngay sau khi ra viện. Tuy nhiên, do sức khoẻ còn yếu, các vết thương chưa lành hằn, không nơi nào nhận anh Tâm vào làm.

Trước cảnh túng quẫn, hai con nhỏ sắp nhập học nhưng không có tiền, anh Tâm được một vài người chỉ cho công việc... bắt rắn.

"Nó cũng mới đi bắt được vài ngày thôi. Thấy bắt và bán có tiền liền, nó mừng lắm, vì sẽ có tiền nộp học cho tụi nhỏ. Hôm 19/8, thấy con rắn hổ mang chúa, biết là nguy hiểm nhưng nó vẫn liều vì biết con rắn này bán được nhiều tiền.

Khi bị cắn rồi, nó vẫn không màng đến mạng sống, mà chỉ nghĩ đến việc giữ được con rắn để bán lấy tiền nộp học cho tụi nhỏ nên quyết không chịu buông. Khi cấp cứu xong tỉnh lại, nó vẫn hỏi con rắn đâu rồi", nói đến đây, mắt chị Hồng đẫm lệ.

Khi hỏi vợ anh Tâm đâu, chị Hồng lắc đầu: "Vợ nó cũng không khá hơn gì, công việc không ổn định, ai mướn gì làm nấy. Khi thì cuốc đất, khi thì phụ hồ... cả hai vợ chồng nó việc gì cũng làm".

Theo chị Hồng, hiện sức khoẻ anh Tâm dần ổn định, tỉnh táo, song chưa thể nói chuyện bình thường. Chị và em dâu thay phiên nhau chăm sóc. Về vấn đề tiền viện phí, gia đình phải đi vay nóng để trang trải trước mắt.

"Đến lúc này mới thấy được giá trị của mạng sống, giờ nó mới sợ nó chết thì không còn ai kiếm tiền nuôi con. Tiền viện phí là do chúng tôi vay nóng ở quê, mong sao nó qua cơn nguy kịch", chị Hồng thở dài.

Người đàn ông ôm rắn vào bệnh viện cấp cứu: Liều mạng kiếm tiền nộp học cho con - 2
Gia đình anh Tâm phải đi vay nóng để trang trải viện phí cho anh.

Trước đó, như VTC News đưa tin, sáng 19/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh tiếp nhận bệnh nhân Phan Văn Tâm nhập viện trong tình trạng bị rắn hổ mang chúa cắn. Khi nhập viện, bệnh nhân này còn giữ nguyên con rắn hổ mang chúa còn sống, dài gần 3m, nặng gần 5kg quấn quanh khuỷu tay.

"Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn vào đùi. Sau đó bệnh nhân chụp được phần đầu rắn, tự ga-rô đùi rồi tới bệnh viện để cấp cứu", đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết.

Sau đó, 12h45 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với biến chứng nhiễm độc thần kinh, liệt hoàn toàn tứ chi, mất phản xạ ánh sáng.

Tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ lập tức chuẩn bị các phương tiện cấp cứu, đồng thời sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, thuốc an thần và máy thở để hỗ trợ bệnh nhân.

Sau khi sử dụng 10 lọ thuốc huyết thanh, bệnh nhân có phản xạ đầu tiên là cử động được tay chân, mở mắt, song vẫn còn phải thở máy.

Đến sáng 20/8, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho biết, hiện sức cơ của bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, mở mắt to, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và làm theo y lệnh của bác sĩ.

Bệnh nhân được cai máy thở. Tuy nhiên trong 48 giờ tới, bệnh nhân cần được theo dõi biến chứng về tim mạch vì nọc độc rắn có thể tấn công vào cơ tim dễ gây tử vong.

Ngoài ra, vết thương ở đùi bệnh nhân có nhiều nọc độc, dễ làm viêm và tổn thương các mô xung quanh gây nhiễm trùng tại chỗ. Do bệnh nhân đang được đặt nội khí quản nên phải ăn bằng chất xay qua ống thông dạ dày.

Về "thủ phạm" được bệnh nhân đưa đến bệnh viện, bác sĩ Sang cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân cùng con rắn hổ mang chúa được buộc chặt miệng. Con rắn chết sau đó và được trả lại cho người nhà bệnh nhân.

Chuyển người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu Chuyển người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với biến chứng nhiễm độc thần kinh, liệt hoàn toàn tứ chi, mất phản xạ ánh ...

/ vtc.vn