Annie Londonderry đạp xe khỏi nhà ở Boston, bỏ lại chồng và ba con nhỏ để thực hiện hành trình biến bà thành biểu tượng cho phụ nữ độc lập.

Vào thập niên trước khi thế kỷ XX bắt đầu, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của xe đạp. Cái gọi là "xe đạp an toàn" với hai bánh kích cỡ bằng nhau được dẫn động bằng dây xích cùng lốp bơm hơi ra đời đã biến đạp xe từ một hoạt động nguy hiểm, đòi hỏi kỹ năng điêu luyện trở thành một thú vui tao nhã và phương tiện đi lại phổ biến. Xe đạp được sản xuất hàng loạt khi ngày càng nhiều đàn ông sử dụng chúng để đi làm.

Xe đạp ra đời còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với phụ nữ khi lần đầu tiên họ tham gia hoạt động này, tận hưởng sự tự do mà nó mang lại, đưa họ thoát khỏi những giới hạn gói gọn trong 4 bức tường nhà. Áo corset và váy xếp tầng thậm chí cũng phải nhường chỗ cho quần bó ống để phụ nữ có thể đạp xe thoải mái hơn. Xe đạp thực sự là một phần của phong trào vì phụ nữ thời kỳ đầu.

nguoi phu nu dau tien dap xe vong quanh the gioi
Annie bên chiếc xe đạp của mình. Ảnh: totalwomenscycling.com

"Hãy để tôi chia sẻ với bạn nghe suy nghĩ của mình về việc đạp xe", nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Susan B. Anthony nói với báo New York World trong cuộc phỏng vấn hồi năm 1896. "Tôi nghĩ nó góp phần vào công cuộc giải phóng phụ nữ nhiều hơn bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Tôi hân hoan và mừng rỡ mỗi lần nhìn thấy một phụ nữ đạp xe. Nó khiến phụ nữ có cảm giác tự do và tự chủ. Nó khiến phụ nữ cảm thấy mình là người độc lập".

Năm 1894, Annie Cohen Kopchovsky, một người nhập cư 23 tuổi đến từ Lavia, đã quyết định rời nhà ở Boston, bỏ lại chồng và ba con để ngồi trên yên xe đạp vòng quanh thế giới. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, các nhà sử học đánh giá Annie chính là hình ảnh đại diện nổi bật cho xu thế "người phụ nữ tự do, không gò bó". Dù Thomas Stevens, người đàn ông đến từ nước Anh, đã đi vòng quanh thế giới trên xe đạp bánh to bánh nhỏ trước đó, chưa phụ nữ nào dám thử sức với kỳ tích như vậy.

Giấu kín việc mình đã có gia đình trong hầu hết hành trình, bà tự nhận mình là Annie Londonderry và đồng ý đính kèm quảng cáo cho công ty nước Londonderry Lithia Spring ở New Hampshire trên chiếc xe đạp đi vòng quanh thế giới để đổi lấy 100 USD. Chiếc xe trở thành bảng quảng cáo di động giúp Annie có thêm thu nhập trang trải cho chuyến đi. Đây chỉ là một trong rất nhiều kế hoạch kiếm tiền của bà.

Trên đường đi, Annie ký tặng và bán đồ lưu nhằm quảng cáo cho sự xuất hiện của mình, mỗi lần tới một địa điểm mới, bà lại gửi các bài viết cho báo địa phương.

Annie khiến đám đông thích thú bằng những câu chuyện bản thân đã trải nghiệm trong suốt hành trình. Các phóng viên cũng dành sự quan tâm lớn cho bà. Theo lời kể của Annie, bà từng bị băng cướp bắt ở Pháp, săn hổ Bengal ở Ấn Độ và băng qua tiền tuyến cuộc chiến tranh Trung - Nhật, nơi bà bị bắn vào vai. Annie tự nhận mình là sinh viên y khoa Harvard, luật sư, trẻ mồ côi, người sáng lập một từ báo hay kế toán. Bằng năng khiếu sáng tác và tự quảng cáo bản thân của mình, Annie đã khiến không ít người ngưỡng mộ bà.

Chuyến đi táo bạo của Annie hoàn thành vào tháng 9/1895. Bà trở về Boston với một cánh tay gãy do bị ngã. Annie đã đạp xe qua hàng trăm km với chấn thương như vậy.

Nhưng hành trình không hẳn giống hệt như những gì Annie kể. Nhiều chi tiết đã bị che giấu đi trong sự mơ hồ, chủ yếu bắt nguồn từ khuynh hướng cường điệu hóa của bà.

Thực tế, Annie đã đi vòng quanh thế giới với một chiếc xe đạp chứ không phải bằng cách đạp xe. Có bằng chứng cho thấy từ Tây Âu tới Trung Đông và từ Marseilles, Pháp, tới Yokohama, Nhật Bản, bà đã di chuyển chủ yếu bằng tàu thủy.

Dù vậy, hành trình hàng nghìn km của Annie vẫn là sự kiện khơi dậy nhiều cảm hứng cho phụ nữ. Khi khởi hành, bà chỉ mới làm quen với xe đạp, chiếc xe đầu tiên của bà cũng khá đơn sơ. Bà không mặc quần nam hay quần bó ống mà vẫn trung thành với chiếc váy suốt thời gian dài. Con đường bà đi qua thường không trải nhựa và bà phải mất ba tháng để lần đầu tiên đặt chân tới New York rồi sau đấy là Chicago.

Annie từng có lúc tính đến việc từ bỏ hành trình, nhưng với một chiếc xe đạp mới nhẹ hơn, bà đã lấy lại động lực, đạp xe đến New York, rồi đi tàu thủy đến châu Âu. Tại đây, bà đã đạp xe từ Paris tới Marseilles. Khi Annie lên tàu thủy khởi hành tới Alexandria, Ai Cập, vào ngày 20/1/1985, đám đông hàng nghìn người, bao gồm cả một đội kèn trống, đã tập hợp để tiễn bà.

Annie sinh ra ở Latvia vào năm 1870 hoặc 1871, là con gái của Levi và Beatrice Cohen. Gia đình bà chuyển tới Mỹ và định cư ở Boston năm 1875. Năm 1888, bà kết hôn với Max Kopchovsky, một người bán hàng rong, và sinh được hai con gái, một con trai.

Một trong những khía cạnh gây chú ý hơn trong câu chuyện về Annie là việc bà chọn bỏ gia đình lại phía sau để lên đường trên chiếc xe đạp. Theo lời Annie, bà thực hiện chuyến đi nhằm giải quyết vụ cá cược giữa các doanh nhân ở Boston về việc liệu phụ nữ có thể chất bằng với đàn ông không. Ở mọi điểm dừng của mình, Annie đều kể câu chuyện bà sẽ nhận 10.000 USD nếu kết thúc hành trình trong 15 tháng, ngoài 5.000 USD bà kiếm được trên đường đi. Tuy nhiên, nhà báo Peter Zheutlin, một người cũng đam mê môn đạp xe, lại chỉ ra rằng không có doanh nhân nào như vậy và không tồn tại bất kỳ vụ cá cược nào như lời Annie nói.

Sau khi hoàn thành chuyến đi, cuộc sống của Annie trở lại như bình thường và chiếc xe đạp không còn là phần quá quan trọng trong cuộc đời bà. Annie từng có bài viết kể về hành trình vòng quanh thế giới trên xe đạp được đăng trên báo New York World. Ngày 11/11/1947, bà qua đời vì lên cơn đau tim.

Trong cuốn sách của mình, Zheutlin cho rằng Annie thực hiện chuyến đi vì khao khát danh tiếng, sự phấn khích và sự độc lập mà bà bị khước từ bởi vai trò xã hội thông thường lúc bấy giờ. Bà thích kể chuyện, muốn có chuyện để kể và yêu việc giới thiệu phụ nữ ngang bằng với đàn ông.

"Thực sự không có cách nào đo những tác động của cuộc phiêu lưu mà Annie thực hiện đối với cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng cho phụ nữ, để biết có bao nhiêu phụ nữ được truyền cảm hứng", Zheutlin viết. "Nhưng hành trình của Annie là minh chứng hoàn hảo cho sự hòa hợp giữa phong trào phụ nữ và cơn sốt xe đạp thời điểm đó. Vậy nên, nó là một chương nhỏ nhưng mới mẻ trong các câu chuyện về phụ nữ ở thời kỳ chuyển giao thế kỷ".

Vũ Hoàng (Theo New York Times)

nguoi phu nu dau tien dap xe vong quanh the gioi Hồ Vĩnh Khoa và bạn đời đạp xe ở London
nguoi phu nu dau tien dap xe vong quanh the gioi Chú rể dẫn hàng chục trai làng đạp xe đến rước vợ khiến dân mạng "trầm trồ"
nguoi phu nu dau tien dap xe vong quanh the gioi Leo DiCaprio đạp xe dạo phố cùng bạn gái
nguoi phu nu dau tien dap xe vong quanh the gioi Cụ bà 81 tuổi lập kỷ lục thế giới khi đạp xe hơn 1.500 km
nguoi phu nu dau tien dap xe vong quanh the gioi Hơn 3.000 người Anh khỏa thân đạp xe trên đường phố

/ vnexpress.net