Ai cũng khoe giàu, khoe tiền nhưng ít ai khoe đạo hạnh... Và có thể, đó lại là những người cô độc, không hạnh phúc.
Nhân câu chuyện người giàu Việt chơi sang bỏ ra số tiền lên tới 2 triệu đồng để mua một ki-lô-gam quả sung nhật về ăn tẩm bổ; hay, một đại gia ở Chợ Lớn (TP.HCM) đến chết cũng vẫn muốn chơi sang, không tiếc mua chiếc quan tài 500 triệu; rồi đến chuyện vị đại gia BĐS nọ chi cả chục tỉ tổ chức cưới cho con..., ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành (TP Hồ Chí Minh) nhận định, nhiều người Việt lạc quan, dễ bằng lòng, lấy chuyện khoe là niềm vui, là hạnh phúc.
|
Ông Đực nói, chuyện khoe khoang của người Việt không phải bây giờ mới thấy. Khoe khoang tức là phô ra, khoe ra những thứ mình có hoặc phóng đại thêm, nói quá thêm cho người khác nhìn thấy mình sang chảnh, giàu có, hạnh phúc như thế nào.
Đầu tiên là nhóm thích khoe trí tuệ, thích khoe bằng cấp, học vấn. Ông lấy ví dụ về một trường hợp là cán bộ, lãnh đạo, công chức nhà nước đưa cho ông chiếc card visit mà trên đó in đủ cả 10 chức vụ khác nhau của mình lên card.
"Đó là khoe chức vụ, khoe vị trí", ông Đực nói.
Theo ông Đực, từ chỗ thích khoe bằng cấp nên mới sinh ra tiêu cực, mới có hiện tượng mua cho được, có cho được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ cho oai với bạn bè, dòng tộc, oai với xã hội.
Nhóm thứ hai là nhóm khoe về mối quan hệ, vai vế trong xã hội, quen biết ông A, ông B, làm ở cơ quan này, cơ quan kia, giữ chức vụ này, chức vụ kia để cho oai. Tuy nhiên, sự khoe khoang này còn có mục đích lợi dụng tăng lòng tin trong làm ăn, kinh doanh.
Nhóm thứ ba là nhóm khác thích khoe giàu, khoe của, khoe tiền, khoe độ sang chảnh. Ông Đực cho biết, có người khoe từ nhà, từ xe, từ biệt thự, BĐS... chỉ trong vài phút nếu tính nhẩm cũng cộng được khối tài sản lên tới cả trăm tỉ.
Thậm chí, phong trào khoe còn lan sang cả một số nhà sư. Có nhà sư mua xe mới cũng khoe, mua kính mới cũng khoe, đến cả làm răng mới cũng khoe...
"Cả một xã hội đều đua nhau khoe tiền tài, vật chất nhưng ít thấy ai khoe ra cái đức hạnh của mình", ông Đực nói.
Đáng nói, từ chỗ ai cũng khoe, người giàu khoe, bố mẹ cũng khoe nên bây giờ con trẻ cũng khoe. Người lớn khoe tiền, khoe ăn, khoe bằng cấp, khoe trí thức, còn người trẻ khoe ảnh khỏa thân, khoe tự sướng, khoe sự khác biệt, mạo hiểm... Nếu không có gì khoe nữa thì chúng khoe bố giàu, mẹ sang, khoe ông bà nhiều tài sản...
Quả thật, không khó để tìm ra những biểu hiện của tình trạng này. Đó là việc cả một đoàn tàu phải dừng lại chờ cho khách kịp sơ tán ở phố Phùng Hưng (Hà Nội); hay cả một nhóm người khỏa thân khoe trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang); hay trường hợp cô gái leo lên nóc nhà Hội An chụp ảnh bán khỏa thân gây bức xúc...
Chỉ có điều khi khoe ra những bức ảnh tự sướng, khoe những việc khác người, khoe sự hoang dã, họ khoe luôn cả sự ích kỷ, vô cảm, bất chấp sự an toàn cho người khác.
Ngay cả với học sinh lớp 1 cũng đã cho thấy có biểu hiện khoe khoang, hạnh họe, đòi hỏi. Ông Đực kể, một học sinh lớp 1 học trường quốc tế có cách hành xử khác hoàn toàn với học sinh lớp 1 học trường công.
Học sinh học trường quốc tế chúng luôn ý thức từ rất sớm mình là con nhà giàu, phải được cung phụng, phục vụ. Chính vì thế, đã có nhiều trường hợp xe nhà trường đón nhưng xe xấu, xe cũ chúng nhất quyết không đi mà phải chờ xe đẹp, xe mới mới đi.
Có thể hiểu, ngay từ nhỏ những đứa trẻ đã hình thành thói quen ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi, được phục vụ. Tiếc là, chúng không được dạy phải biết chia sẻ, phải có trách nhiệm với cha mẹ hay cộng đồng.
"Một xã hội luôn chạy đua theo đồng tiền, cuộc sống bị phụ thuộc vào tiền bạc, mối quan hệ mà xem nhẹ đạo lý, tình người thì những hình ảnh đẹp về đối nhân xử thế, về ứng xử đời thường, về đạo hiếu gia đình sẽ ngày càng mờ nhạt và thú vui khoe mẽ, phô trương sẽ ngày càng lên ngôi.
Vì không nhận thức được giá trị đạo đức, tình người mà chữ đạo, chữ hiếu cũng bị xem thường, coi nhẹ. Người ta không thể thấy hạnh phúc khi được chăm sóc người thân, bố mẹ, ông bà nhưng lại rất hạnh phúc trước những lời khen, trước thái độ trầm trồ, ngưỡng mộ của bạn bè, của xã hội mỗi khi họ khoe ra cái gì đó", ông Đực đau xót.
Vì thế, từ góc độ khác, ông lại tỏ ra thương cảm trước những hành động như vậy.
Ông Đực cho rằng, những người thích khoe, coi sự khoe là hạnh phúc chỉ càng cho thấy đó là những người cô độc, không hạnh phúc.
Từ lối sống vị kỷ, ích kỷ, chạy theo đồng tiền mà nhiều người luôn sống ảo với bản thân, sống dối trá, che đậy, dấu đi những cái xấu, cái không tốt và chỉ phô ra những cái hay, cái đẹp, cái giá trị để tự thỏa mãn, tự hài lòng, tự tìm hạnh phúc cho mình.
Vì lẽ này, ông Đực cho biết có rất nhiều đại gia, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, trung thực nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp làm ăn dối trá, lừa đảo mà vẫn khoe khoang sự đàng hoàng mang danh nghĩa nhân đạo.
Ví dụ trong lĩnh vực BĐS, ông Đực cho biết có một số doanh nghiệp BĐS đã kiếm lợi cả chục, cả trăm tỉ đồng chỉ sau một dự án nhưng họ đã đóng góp gì cho xã hội, giúp đỡ gì được cho người nghèo thì càng không thấy
"Tất cả những điều đó đang phản ánh đúng mặt trái của xã hội, sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa, lối sống và sự coi trọng đồng tiền, giá trị hình thức đặt trên giá trị nền tảng đạo đức nên cả xã hội chỉ biết chạy theo kheo mẽ, tự sướng và chỉ có khoe, có tự sướng mới thấy hạnh phúc, thấy vui" - vị chuyên gia kết luận.
Thái Bình
Khoe của Khoe khoang là đặc tính của muôn loài chẳng cứ gì con người. Con cá khoe sắc, con chim khoe giọng, “con gà tức nhau ... |
Ngọc Trinh khoe giàu giúp bạn trai? Việc Ngọc Trinh liên tục khoe giàu có được nhiều người đồn rằng, đây chính là cách chứng minh sự giàu có của bạn trai ... |