Tình trạng lạm phát, đồng yên mất giá hay mới nhất là thiếu gạo khiến Nhật Bản mất dần sức hút với lao động Việt Nam.
Trong bối cảnh đồng yên Nhật vẫn ở mức thấp và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, Nhật Bản được cho tiếp tục gặp tình trạng khan hiếm một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó đáng chú ý nhất là gạo.
Kệ bày gạo của một siêu thị ở Nhật Bản luôn trong tình trạng trống trơn.
"Nhìn chung trong khoảng hơn một năm nay giá cả liên tục tăng. Đồng yên có tăng gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng", anh Sơn, công nhân cơ khí ở thành phố Kanazawa, Nhật Bản, chia sẻ với Báo điện tử VTC News.
"Gạo cũng khan hiếm và tăng giá. Hầu hết các siêu thị đang giới hạn lượng bao gạo mua trên đầu người. Chẳng hạn, mỗi người trong một gia đình chỉ được lấy một bao gạo trong một lần mua. Dù vậy, các gian hàng gạo vẫn luôn trong tình trạng trống trơn", anh Sơn cho biết thêm.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6/2024, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Bộ này chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu gạo. Thứ nhất là tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường kéo dài tại Nhật Bản làm suy giảm cả về năng suất lẫn chất lượng gạo.
Thứ hai, do lượng khách du lịch tăng đột biến, kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng lên. Nhật Bản chào đón khoảng 17,78 triệu khách du lịch trong nửa đầu năm 2024, vượt qua mức trước đại dịch. Giả sử mỗi khách du lịch nước ngoài ăn 2 bữa cơm mỗi ngày, ước tính nhu cầu gạo của họ là 51.000 tấn, tăng 2,7 lần so với năm trước.
Thứ ba là do tình trạng người dân tích lũy gạo quá mức bởi lo ngại động đất, sóng thần trong thời gian qua.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu gạo hiện tại cũng là hệ lụy của chính sách "giảm diện tích trồng lúa" kéo dài hơn 50 năm qua tại Nhật Bản.
Giá giao dịch gạo đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 30 năm, khi các nhà bán buôn sắp hết hàng, một số siêu thị tăng giá và hạn chế lượng mua. Tình hình này dự kiến sẽ kéo dài cho đến tháng 9, khi vụ thu hoạch mới bắt đầu.
Giá gạo thời điểm tháng 6/2024 cao hơn 60% so với thời điểm tháng 9/2022.
"Rất khó để mua được gạo ở siêu thị", chị Cẩm Tiên, 30 tuổi, ở thành phố Chiba, cho hay. "Tôi phải chuyển sang mua gạo online (cửa hàng trực tuyến) nhưng cũng phải chờ 1 - 2 tháng mới có hàng".
Định cư ở Nhật Bản gần 6 năm, chị Tiên cho biết thời gian đầu mới sang cuộc sống tương đối ổn định, giá cả không quá cao. Đến khi đại dịch COVID-19 ập đến, đồng yên mất giá, lạm phát tăng khiến chị luôn phải đắn đo khi chi tiêu cho gia đình ba người.
"Trái cây, nước, sữa,... rồi điện, nước, gas, cái gì cũng tăng", chị Tiên nói. "Tuy nhiên, so với đầu năm, lạm phát có vẻ đã chậm lại. Giá cả không có quá nhiều sự thay đổi, ngoài trừ gạo".
Đầu năm nay, Chính phủ Nhật Bản báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong năm 2023 là 3,1%, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, do chi phí thực phẩm tăng và đồng yên yếu hơn khiến hàng nhập khẩu đắt hơn.
CPI là thước đo lạm phát không bao gồm nhóm thực phẩm tươi sống. Số liệu thống kê công bố ngày 23/8 cho thấy chỉ số này của Nhật Bản trong tháng 7 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 2,6% ghi nhận trong tháng 6.
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát “lõi của lõi” - thước đo loại trừ cả nhóm thực phẩm tươi sống và năng lượng, được xem là thước đo chủ chốt của xu hướng lạm phát - tăng 1,9% trong tháng 7, thấp hơn mức tăng 2,2% của tháng 6. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022, chỉ số này tăng ít hơn 2%.
Chị Minh Hằng, 37 tuổi, phát thanh viên tiếng Việt ở thành phố Takasaki thuộc tỉnh Gunma, cho biết: "Vật giá hiện tại không chênh quá nhiều so với đầu năm. Năm ngoái tăng mạnh rõ rệt, nhu yếu phẩm tăng khoảng 35 - 40% so với năm trước".
Chị Hằng cùng chồng sinh sống ở Nhật Bản gần 20 năm và hiện có cô con gái 5 tuổi. Chị cho biết: "Gia đình cũng không dư giả nhưng chi tiêu hợp lý thì cơ bản vẫn ổn".
Anh Sơn ở Kanazawa cũng cho rằng vật giá có tăng hơn trước nhưng không đến nỗi không chi tiêu được. "Có thể chỗ tôi ở không đắt đỏ bằng Tokyo hay Osaka, hơn nữa lại ở một mình nên nhìn chung cũng dễ thở hơn".
Công nhân cơ khí người Việt làm việc tại nhà máy ở Nhật Bản.
Có còn là 'miền đất hứa'?
Chia sẻ với Báo điện tử VTC News, ông Ngô Bá Quyết, Giám đốc Công ty Du học và Xuất khẩu lao động Năm Châu, cho rằng tình trạng vật giá gia tăng ở Nhật Bản là có nhưng thực tế không quá ảnh hưởng tới người lao động hiện nay.
"Chính phủ Nhật Bản đã có những động thái để hỗ trợ, tăng lương và tạo thêm việc làm cho người lao động. Có thể nói thu nhập hiện nay của người lao động có phần tốt hơn trước", ông Quyết nói.
Ông Quyết chỉ ra vấn đề ở đây là tỷ giá đồng yên thấp, điều này đặc biệt ảnh hưởng với những người làm việc theo dạng xuất khẩu lao động. "Chẳng hạn, 10.000 yên vào thời điểm trước COVID-19 tương đương 2,2 triệu VNĐ, thì giờ đây chỉ có thể đổi khoảng 1,7 triệu VNĐ. Người lao động chắc chắn lo lắng và thất vọng vì khoản tiền họ gửi về cho gia đình ở Việt Nam bị thâm hụt đáng kể".
Ông Quyết cho biết lượng lao động Việt thông qua công ty ông để sang Nhật Bản giảm 50% so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Ông chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm, như Nhật Bản mở rộng thị trường lao động sang nước khác, hay người lao động không chấp nhận làm công việc nặng nhọc,... "nhưng chủ yếu vẫn là do tỷ giá đồng yên thấp khiến Nhật Bản mất đi sức hấp dẫn trong mắt lao động Việt".
Tuy nhiên, theo ông Quyết, đi Nhật Bản vẫn sẽ là xu hướng cho những người muốn xuất ngoại làm việc, vì thị trường lao động ổn định, ít rủi ro, thu nhập khá và chi phí đi thấp.
"Thực tế đồng yên có dấu hiệu tăng trở lại thời gian qua. Khi người lao động cảm thấy đồng yên đạt mức kỳ vọng, Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường được ưa chuộng", ông Quyết nói. "Tôi cũng kỳ vọng chính phủ Nhật Bản có thể tiếp tục tăng lương cơ sở, để tăng sức hút hơn nữa với người lao động".