Những kệ hàng giấy vệ sinh trống rỗng thành khung cảnh quen thuộc ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp hay Australia trong cơn hoảng loạn vì Covid-19.
Dòng người đổ xô đi mua tích trữ giấy vệ sinh tạo nên cơn hỗn loạn, thậm chỉ gây ra những vụ ẩu đả tại một siêu thị ở Australia. Điều gì đã tạo nên cơn sốt giấy vệ sinh giữa đại dịch Covid-19?
Một số người cho rằng cơn khủng hoảng giấy vệ sinh xuất phát từ "lý thuyết trò chơi": Nếu mọi người chỉ mua đủ hàng hóa họ cần, tình trạng khan hàng không xảy ra. Nếu một số bắt đầu hoảng loạn gom hàng, số khác cho rằng chiến lược tối ưu là làm theo để đảm bảo có đủ lượng dự trữ cần thiết.
Tuy nhiên, lý thuyết trên không giải thích triệt để nguyên nhân cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh. Mặt hàng này không giúp mọi người tránh được nCoV và cũng không quan trọng bằng những nhu yếu phẩm khác như mì gói hay thực phẩm đóng hộp.
"Tôi cho rằng cơn sốt giấy vệ sinh có thể xuất phát từ thực tế những túi giấy rất dễ nhận thấy trong những bức ảnh gây chấn động trên mạng xã hội, khiến nhiều người coi đó là biểu tượng của vệ sinh. Ngoài rửa tay và tự cách ly, người ta còn biết làm gì để bản thân cùng gia đình được an toàn?", theo Steven Taylor, chuyên gia tâm thần học tại Đại học British Columbia.
Dân địa phương đẩy xe chất đầy giấy vệ sinh khỏi một siêu thị ở Liverpool, Anh ngày 16/3. Ảnh: AFP. |
Taylor nêu giả thuyết khác về nguồn gốc của cơn khủng hoảng giấy vệ sinh, bắt nguồn từ ác cảm với những thứ con người coi là ghê tởm. "Tâm lý này càng tăng cao khi mọi người cảm thấy có nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó tôi cho rằng lý do họ đổ xô đi mua giấy vệ sinh nhằm tránh sự ghê tởm", Taylor nói.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng cơn khủng hoảng giấy vệ sinh xuất phát từ việc mọi người muốn loại bỏ nguy cơ "theo cách tương đối dễ dàng và hời hợt", thay vì chọn biện pháp tốn kém dù có thể giúp giảm nhiều rủi ro hơn.
"Chúng ta muốn kiểm soát tình hình, dù tài chính hạn chế. Do đó chúng ta chọn mua và tích trữ hàng hóa rẻ, thứ mà chúng ta kiểu gì cũng dùng", chuyên gia kinh tế y tế Farasat Bokhari tại Đại học Đông Anglia nói.
Loại nhu yếu phẩm đắt tiền hơn có thể tích trữ là thực phẩm với thời hạn sử dụng lâu như thịt đông lạnh, đồ hộp, mì gói. Tuy nhiên, nếu tình huống khẩn cấp không xảy ra, người mua có thể phải vứt bỏ toàn bộ số thực phẩm dự trữ này nếu chúng không phải món khoái khẩu.
Taylor nói hành vi tương tự từng xảy ra trong những đại dịch trước đây. Trong đại dịch cúm 1918 khiến hàng triệu người chết, cơn hoảng loạn khiến người dân nhiều nước đổ xô đến các hiệu thuốc và cửa hàng để tích trữ hàng hóa.
Khác biệt chính giữa Covid-19 và những đại dịch trước đó là sự phổ biến của mạng xã hội. Dịch cúm gia cầm 2009 khiến hàng trăm nghìn người chết diễn ra vào giai đoạn mạng xã hội chưa phổ biến.
"Điều này có cả ưu điểm và nhược điểm. Mạng xã hội cho phép truyền tải hình ảnh và video gây ấn tượng mạnh ra toàn thế giới, làm tăng cảm giác bị đe dọa và khẩn cấp của mọi người. Tuy nhiên, chúng có thể hỗ trợ xã hội rất tốt, đặc biệt khi bạn đang tự cách ly", Taylor nói.
Taylor nói lịch sử cho thấy dù đại dịch kéo dài, các chất keo gắn kết xã hội vẫn rất khó tan vỡ, bạo loạn và các hành vi xấu từng diễn ra nhưng rất hiếm gặp. "Phản ứng chủ đạo là trật tự, mọi người đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau, cố gắng hết sức trong cộng đồng để đối phó với đại dịch", Tayor cho biết.
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, tới nay đã xuất hiện tại 166 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 200.000 người nhiễm và gần 8.000 người chết. Số ca nhiễm nCoV mới trong những ngày qua có xu hướng giảm ở Trung Quốc và Hàn Quốc, song tăng nhanh tại các quốc gia châu Âu và Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Vaccine ngừa COVID-19 có thể ra thị trường "trước mùa thu" năm nay |
Ghi nhận bệnh nhân thứ 67 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam |
Thương mại điện tử Việt chưa hưởng lợi mùa dịch |