Hôm nay (ngày 7-10), tròn một năm xảy ra cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo ở Dải Gaza.

Bất chấp những cố gắng của các nhà ngoại giao Mỹ, Ai Cập, Qatar... nhằm đưa hai bên đến bàn đàm phán, những gì đang xảy ra đã "dội gáo nước lạnh" vào nỗ lực đó. Chiến sự đang lan rộng và có nguy cơ đẩy Trung Đông vào bờ vực của một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

chien-dich-quan-su-dap-tra-.jpg
Chiến dịch quân sự đáp trả của Israel tại Gaza đã khiến gần 42.000 người Palestine, phần lớn là dân thường thiệt mạng. Ảnh: Arabnews

Ngày 7-10-2023, phong trào Hamas đã phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào Israel, khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 con tin. Cuộc tấn công đã thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ nhất của Israel trong nhiều thập kỷ. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành các cuộc không kích và tấn công trên bộ nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng Hamas và các năng lực của tổ chức này tại Gaza. Dải Gaza do Hamas kiểm soát từ năm 2007 và bị Israel phong tỏa trong gần hai thập kỷ, đã bị tàn phá trên diện rộng.

Thất bại trong việc đạt được lệnh ngừng bắn đã khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực và một cuộc chiến dường như không hồi kết ở Gaza. Gần 42.000 người đã thiệt mạng, gần 100.000 người bị thương trong năm qua - theo số liệu thống kê từ các cơ quan y tế tại khu vực này. Khoảng 1,9 triệu người (90% dân số trong khu vực) đã phải rời bỏ nhà cửa và gần nửa triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, trong khi cơ sở hạ tầng quan trọng như: nhà ở, nền kinh tế, đất nông nghiệp và đội tàu đánh cá của Gaza đã bị tàn phá phần lớn.

Những nỗ lực quốc tế nhằm xoa dịu căng thẳng không mang lại hiệu quả. Tháng 11-2023, Mỹ, Qatar và Ai Cập đã thành công trong việc bảo đảm lệnh ngừng bắn và giải thoát một số con tin. Nhưng kể từ đó, cuộc xung đột vẫn tiếp diễn không ngừng. Đặc biệt, khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran chưa bao giờ cao như vậy, sau khi Tehran bắn gần 200 tên lửa đạn đạo vào Tel Aviv vào đầu tháng 10 này. Cùng với đó, phiến quân Houthis ở Yemen đã dành nhiều tháng liên tục phóng tên lửa vào Israel cũng như tấn công các tuyến vận tải biển trên Biển Đỏ và Eo biển Bab el-Mandeb.

Giới quan sát lo ngại rằng, leo thang trong xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn trong hai tuần qua có khả năng là màn dạo đầu cho một cuộc chiến tranh lớn hơn. Trong khi đó, Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao của Hamas cho biết, triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi con tin vẫn còn xa vời. “Điều nguy hiểm nhất là thực tế không ai trên thế giới nói về một thỏa thuận hay lệnh ngừng bắn và điều đó sẽ tạo cơ hội cho Israel tiếp tục các cuộc tấn công quân sự”, Ashraf Abouelhoul, biên tập viên của tờ Al-Ahram (Ai Cập) nhận định.

Ai Cập lo ngại về cuộc tấn công của Israel ở phía bên kia biên giới với Gaza và hàng tỷ USD doanh thu từ Kênh đào Suez đã bị mất trong suốt cuộc xung đột. Theo bà Nomi Bar-Yaacov, một chuyên gia về ngoại giao Trung Đông tại tổ chức tư vấn Chatham House (có trụ sở ở London, Anh), xung đột leo thang giữa Israel và Hezbollah “đang khiến lệnh ngừng bắn ở Gaza phải hoãn lại, vì trọng tâm hiện nay là cố gắng phá hủy càng nhiều kho vũ khí quân sự của Hezbollah càng tốt”. Ngày 5-10, khoảng 40.000 người biểu tình ủng hộ Palestine đã diễu hành qua trung tâm London trong khi hàng nghìn người tụ tập tại Paris (Pháp), Rome (Italia), Manila (Philippines) và thành phố New York (Mỹ) yêu cầu chấm dứt đổ máu ở Gaza và Trung Đông, trong thời điểm cuộc xung đột Israel - Hamas sắp bước qua năm thứ nhất. Tại Paris, đám đông biểu tình người Pháp gốc Lebanon Houssam Houssein cho biết: "Chúng tôi lo sợ một cuộc chiến tranh khu vực, vì hiện tại đang có căng thẳng với Iran, và có lẽ là với Iraq và Yemen".

Cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza đã để lại những vết sẹo sâu sắc về chính trị, an ninh và xã hội lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi. Sau một năm, cuộc xung đột đã làm giảm bớt kết quả của những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia khác trong khu vực. Cuộc chiến đã khuyến khích Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ tiến hành tấn công ngày càng mang tính chất khiêu khích, bao gồm các cuộc tấn công trực tiếp vào Israel do Iran và Houthis thực hiện. Nói cách khác, cuộc chiến giữa Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này với phần còn lại của khu vực đã trở nên rõ nét hơn. Rõ ràng nhất là Israel đã chiến đấu không chỉ với Hamas, mà còn với Hezbollah, các chiến binh Iraq, Houthis và chính Iran trong năm qua. Cơn ác mộng cuối cùng có thể là chính Iran sẽ đối đầu trực tiếp với Israel (hoặc ngược lại). Động thái này là một bước thụt lùi nghiêm trọng đối với các nỗ lực hòa bình quốc tế, đồng thời là một “đòn giáng” đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang hy vọng về một giải pháp cho Trung Đông trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm sau.

https://hanoimoi.vn/nguy-co-xung-dot-o-trung-dong-lan-rong-680522.html

Thùy Dương / HNM.com.vn