Theo một cuộc khảo sát mới của Chính phủ Nhật Bản, nước này có gần 1,5 triệu người sống ẩn dật, rút lui khỏi xã hội - còn gọi là hikikomori. Hiện tượng này đã tăng lên đáng kể trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

nhat-ban-dong-cua-6962-3021
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Nhật Bản tiếp tục ứng phó với những vấn đề xã hội, trong đó có “đội quân” sống ẩn dật hikikomori

Hệ quả khác của đại dịch

Hikikomori ở Nhật Bản được định nghĩa là những người tự cô lập trong ít nhất 6 tháng. Cụm từ được đặt ra từ đầu những năm 1980, chỉ một số người chỉ bước ra ngoài để mua đồ tạp hóa hoặc cho các hoạt động không thường xuyên, trong khi phần lớn thậm chí không rời khỏi phòng ngủ của họ. Vấn đề gây ra mối lo ngại ngày càng tăng trong thập kỷ qua, nhưng Covid-19 đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, theo một cuộc khảo sát do Cơ quan Trẻ em và Gia đình của chính phủ thực hiện vào tháng 11 năm ngoái.

Cuộc khảo sát trên toàn Nhật Bản cho thấy, trong số 12.249 người được hỏi, khoảng 2% người từ 15 đến 64 tuổi được xác định là hikikomori, với sự gia tăng nhẹ ở những người từ 15 đến 39 tuổi. Tỷ lệ đó nếu áp dụng cho tổng dân số Nhật Bản, ước tính nước này có khoảng 1,46 triệu người ẩn dật, lánh xa xã hội. Những lý do phổ biến dẫn đến sự cô lập đó là mang thai, mất việc làm, bệnh tật, nghỉ hưu và có mối quan hệ giữa các cá nhân không tốt, nhưng lý do hàng đầu là Covid-19, với hơn 1/5 số người được hỏi cho rằng đại dịch là một yếu tố quan trọng trong lối sống ẩn dật của họ.

Nhật Bản, giống như nhiều quốc gia ở Đông Á, đã duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với đại dịch cho đến năm 2022 ngay cả khi những nơi khác chấp nhận “sống chung với Covid”. Họ chỉ mở lại biên giới cho du khách nước ngoài vào tháng 10 năm ngoái, chấm dứt một trong những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới, hơn 2 năm sau khi đại dịch bắt đầu. Ngoài ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch, đại dịch còn làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội hiện hữu như cô đơn và khó khăn tài chính.

Thách thức tiềm ẩn

Các chuyên gia cho rằng, hikikomori thường được cho là xuất phát từ các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng hay do tác động của yếu tố xã hội nhưng hiện tượng này đã xuất hiện từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch, gắn liền với một vấn đề tiềm ẩn khác của Nhật Bản: cuộc khủng hoảng dân số.

Dân số Nhật Bản đã liên tục giảm kể từ khi bùng nổ kinh tế vào những năm 1980, với tỷ lệ sinh và số ca sinh hàng năm giảm xuống mức thấp kỷ lục mới nhiều năm liên tiếp. Trong khi đó, dân số già đang tăng lên khi mọi người rời khỏi lực lượng lao động và nghỉ hưu, gây ra rắc rối cho một nền kinh tế vốn đã trì trệ. Mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức Thủ tướng Nhật Bản đã cảnh báo trong năm 2023 rằng đất nước “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”. Đối với những gia đình có thành viên hikikomori, điều này đặt ra một thách thức kép, được gọi là “vấn đề 8050” - đề cập đến những người sống ẩn dật trong xã hội ở độ tuổi 50, sống dựa vào cha mẹ ở độ tuổi 80.

Năm 2018, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thành lập một cơ quan hỗ trợ để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này. Ông Takumi Nemoto, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó, cho biết: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải khôi phục mối quan hệ với xã hội đồng thời hỗ trợ cụ thể cho những người tự cô lập bằng cách giải quyết các tình huống cá nhân của họ”. Ông nói thêm rằng chính quyền địa phương và quốc gia đã triển khai nhiều dịch vụ khác nhau như tư vấn và thăm nhà những người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hikikomori cùng các nỗ lực tiếp cận cộng đồng khác dành cho “các hộ gia đình gặp khó khăn đến mức khẩn cấp”.

Nhưng những nỗ lực này đã bị lu mờ bởi những thách thức do đại dịch mang lại, khiến chính phủ phải thực hiện các cuộc khảo sát trên toàn quốc về tình trạng hikikomori bắt đầu từ năm 2021 và đưa ra một kế hoạch đối phó chuyên sâu hơn vào tháng 12-2022. Một số biện pháp bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng; phân công thêm nhân viên tư vấn học đường và nhân viên xã hội; tiếp tục dịch vụ tư vấn qua điện thoại 24/7 cho những người có “mối quan hệ xã hội yếu”. Ngoài ra còn có các chương trình hướng tới các hộ gia đình đơn thân như kế hoạch ăn uống cho con cái, cho vay mua nhà và lập kế hoạch cho những người sắp ly hôn.

Đại dịch dường như đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề lâu nay thường bị bỏ qua ở Nhật Bản. “Vì số lượng hộ gia đình độc thân và hộ gia đình độc thân người già dự kiến sẽ tăng lên trong tương lai, nên có lo ngại rằng vấn đề tự cô lập sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, ngay cả khi sự lây lan của Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ sẽ cần phải giải quyết các vấn đề về sự cô đơn và cô lập vốn có trong xã hội Nhật Bản”, kế hoạch của Chính phủ nước này nhấn mạnh.

Yến Chi / ANTĐ