Ai đứng sau vụ nổ làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm ngoái ở biển Baltic vẫn là điều bí ẩn. Câu trả lời có ý nghĩa lớn đối với an ninh năng lượng châu Âu, nhưng cũng có thể đe dọa sự thống nhất của phương Tây đối với xung đột Nga - Ukraine.
- Mỹ dính cáo buộc đứng sau vụ nổ đường ống Nord Stream
- Nga tuyên bố không để 'chìm xuồng' vụ rò rỉ đường ống Nord Stream
Đường ống dẫn khí Nord Stream nối Nga với châu Âu đã chịu hư hại nặng sau vụ nổ bí ẩn vào cuối năm 2022 |
Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 thuộc sở hữu của Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) được sử dụng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga qua biển Baltic đến điểm cuối ở Đức. Nord Stream 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2011. Nord Stream 2 mãi đến mùa thu năm 2021 mới hoàn thành nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động do xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022. Cả 2 đường ống này đều không theo các tuyến đường hiện có qua Ukraine, có nghĩa là Ukraine không chỉ mất thu nhập từ phí vận chuyển mà còn không thể sử dụng trực tiếp khí đốt đi qua lãnh thổ của họ. Nhưng có lẽ phương Tây lo ngại nhiều hơn bởi các đường ống này được coi là động thái của Nga nhằm giành quyền kiểm soát chặt hơn đối với nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên, Gazprom đã tạm dừng dòng khí đốt qua Nord Stream 1 vào ngày 2-9-2022 do các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt đối với xung đột ở Ukraine. Ba tuần sau, cả Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đều xảy ra các vụ nổ khiến chúng không thể hoạt động và rò rỉ đáng kể lượng khí đốt còn lại trong ống. Mức độ thiệt hại môi trường vẫn chưa rõ ràng, nhưng độ sâu của đường ống, sự phức tạp của chất nổ dưới nước cho thấy, đây có thể là sự phá hoại có chủ ý.
Sau nhiều tháng điều tra và sự việc không mấy tiến triển, hôm 7-3, các hãng truyền thông lớn của Mỹ như New York Times, Washington Post và báo chí Đức đã trích lời một số quan chức khi họ nói rằng, có bằng chứng cho thấy Ukraine (hoặc ít nhất là người Ukraine) có thể phải chịu trách nhiệm về các vụ nổ nói trên. Báo Die Zeit cùng đài truyền hình ARD và SWR của Đức đưa tin, các nhà điều tra tin rằng 5 người đàn ông và 1 phụ nữ đã thuê du thuyền (do một công ty ở Ba Lan có người Ukraine sở hữu) để thực hiện vụ tấn công. Văn phòng Công tố Liên bang Đức hôm 8-3 thừa nhận, hồi tháng 1-2023 họ đã khám xét con tàu bị nghi vận chuyển chất nổ đến địa điểm xảy ra vụ nổ đường ống ở biển Baltic. Nhà chức trách cho biết họ đang đánh giá các đồ vật bị thu giữ. Tờ New York Times hôm 7-3 cho hay, tin tình báo mới được các quan chức Mỹ xem xét cho thấy, một nhóm thân Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công vào các đường ống Nord Stream vào năm ngoái, tuy nhiên Chính phủ Ukraine phủ nhận việc có liên quan.
Phản ứng về những thông tin mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phản đối bất kỳ kết luận vội vàng nào về trách nhiệm đối với các vụ tấn công, đồng thời cho rằng hành động này có thể được dàn dựng để đổ lỗi cho Ukraine. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, NATO không biết thủ phạm của vụ việc. Ông nói: “Các cuộc điều tra cấp quốc gia đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng nên đợi cho đến khi những cuộc điều tra hoàn tất trước khi chúng tôi nói thêm bất cứ điều gì về kẻ đứng sau vụ việc”.
Hiện không rõ hệ quả của thông tin Ukraine có thể đứng sau các vụ nổ đường ống dẫn khí nối từ Nga tới châu Âu. Việc này chưa chắc sẽ dẫn đến việc phương Tây dừng hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng nó có thể làm giảm sự nhiệt tình hỗ trợ trong tương lai nếu phát hiện ra Ukraine (hoặc đối tác của họ) đã thực hiện một hoạt động như vậy ở vùng biển châu Âu.