Mặc dù cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo khẩn về lập lại trật tự vận tải tại thành phố, các chủ cây xăng không được tổ chức cho xe khách vào đón trả khách để đảm bảo an toàn giao thông, cháy nổ...
Ngay sau chỉ đạo này, UBND TP Thủ Đức cũng đã quyết định thành lập các tổ liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm tại địa bàn nóng về xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình. Tuy nhiên, đến nay tại TP Hồ Chí Minh vẫn có cả trăm nhà xe thương hiệu ngang nhiên đón khách tại các cây xăng, bệnh viện, trung tâm thương mại…
Chưa kể các nhà xe đơn lẻ, những nhà xe thương hiệu lớn có số lượng đầu xe nhiều, vẫn tổ chức đón trả khách tại cây xăng hoặc những địa điểm tập trung đông người, các bến “cóc”. Cụ thể, có 15-16 cây xăng ven quốc lộ 13, quốc lộ 1A vẫn thường xuyên cho các nhà xe vào đón khách. Điển hình trong số này là trạm xăng dầu Huệ Thiên 2 và 3, cây xăng Phương Trang, cây xăng Tam Bình, cây xăng Quốc Phong, trạm xăng dầu Lan Anh, cây xăng Thạnh Xuân, cây xăng Năng Lượng. Tại khu vực nội thành, các cây xăng như PV Oil trên đường Trường Sơn, cây xăng Phan Xích Long, cây xăng Comecco số 3 và cây xăng Petrolimex số 19 ở khu vực ngã tư Hàng Xanh, cây xăng Hiệp Phú trên đường Võ Nguyên Giáp… cũng thường xuyên có xe ra vào đón khách.
Dọc theo tuyến quốc lộ 1A, các khu vực có ngã tư, đường nhánh rẽ hay cầu vượt đều có tụ điểm đón trả khách trái phép. Ở khu vực trung tâm thành phố và địa bàn quận 5, xung quanh 16 bệnh viện lớn các điểm đón trả, khách thường xuyên của các nhà xe vẫn tồn tại. Không chỉ vậy, gần các trung tâm thương mại như Mega Market An Phú, Big C Pandora Trường Chinh, Aeon Mall đường bờ bao Tân Thắng, Lotte Cinema Thủ Đức, Aeon Mall Bình Tân… cũng được nhiều nhà xe chọn làm nơi đón khách. Thậm chí tại các khu vực tập trung đông người như chợ đầu mối Thủ Đức, Trường Đại học Nông Lâm, Khu du lịch Suối Tiên… các nhà xe cũng vẫn ngang nhiên dừng lại để đón khách mỗi lần chạy ngang qua đây. Hoạt động tại các tụ điểm bến “cóc” trên có một loạt các nhà xe chạy tuyến Phan Thiết, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng và cà Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Có thể điểm tên một loạt các nhà xe như nhà xe Trung Nga, Thuận Tâm, Hiếu Vinh, Ngân Hà, Trọng Thùy Limousine, Thanh Thùy Limousine, Tân Niên, Tiến Oanh, Lạc Hồng Limousine, Trọng Minh, Rạng Đông cùng một loạt doanh nghiệp vận tải khác...
Trong 9 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an thành phố xử phạt tới 2.383 trường hợp vi phạm về đón, trả khách không đúng nơi quy định. Xe “dù”, bến “cóc” tràn lan nên sau khi di dời tuyến giai đoạn 1 và giai đoạn 2 từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cũ ra bến mới, công suất hoạt động của bến xe khách liên tỉnh hiện đại và lớn nhất cả nước vẫn khá èo uột. Tháng 10 vừa qua, BXMĐ mới bình quân chỉ có 174 chuyến xe xuất bến mỗi ngày với tổng lượng khách đi xe đạt 2.364 người/ngày, bằng vài % công suất phục vụ của bến.
Kiến nghị Sở GTVT vào ngày 11/10 vừa qua, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc BXMĐ mới cho rằng, nhiều đơn vị vận tải đã không đưa xe vào BXMĐ mới hoạt động trong thời gian dài mà đưa xe đi các bến khác hoặc chạy hợp đồng trá hình. Các doanh nghiệp vận tải, nhà xe này tổ chức đón trả khách không đúng nơi quy định tại các khu vực tập trung đông người. Trong khi đó, ngay từ tháng 12/2022 và tháng 8/2023 đơn vị chủ quản BXMĐ mới đã có văn bản đề nghị Sở GTVT thu hồi phù hiệu tuyến cố định. Đồng thời thu hồi chấp thuận khai thác tuyến và thu hồi các chuyến xe (giờ xuất bến) đối với các đơn vị vận tải không chấp hành đưa xe vào hoạt động tại BXMĐ mới trong thời gian từ 1/8-30/9. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được Sở GTVT thành phố thực hiện quyết liệt dẫn đến tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình không giảm.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến TTATGT, với số lượng đầu xe rất lớn không hoạt động trong các bến xe còn gây thất thu ngân sách không nhỏ. Theo Quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh, mức phí dịch vụ xe ra vào bến được các bến xe thu từ 3,1 đến 8,4 nghìn đồng/ghế. Đối với xe giường nằm, mức phí dịch vụ ra vào bến sẽ thu bằng mức 130% so với xe ghế ngồi. Về kiểm soát thuế, xe trong bến buộc phải xuất vé cho khách trước khi lên xe, trong vé xe đã có phần thuế VAT và được bến kiểm tra trước khi xe xuất bến. Trong khi đó, xe hợp đồng trá hình sẽ không có đơn vị hay bộ phận nào kiểm tra việc xuất hóa đơn VAT và giá vé có thể tăng, giảm tùy ý… có hàng trăm chuyến xe lớn, nhỏ đang hoạt động trá hình trên mỗi tuyến đã gây tình trạng thất thu khoản tiền thuế không nhỏ.
Thực trạng trên đã cho thấy, đến nay việc kiểm soát đối với xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hiệu quả. Do đó vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của thành phố và chính quyền các địa phương trong việc lập lại trật tự vận tải khách trên địa bàn.