Trận chiến Bạch Đằng lần thứ nhất có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn và góp phần làm lên chiến thắng năm Mậu Tuất (938) lẫy lừng của dân tộc. Trong trận chiến đầu tiên này có đóng góp của những vị tướng anh hùng, nhưng sử liệu ít ghi nhắc đến họ.
Chính sử ghi chép về diễn biến trận Bạch Đằng cũng sơ lược, ngắn gọn nên chúng ta hầu như không được biết đến những con người đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại ấy. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Mậu Tuất, [938], (Tấn Thiên Phúc năm thứ 3). Mùa đông, tháng 12,… Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng:
- Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.
Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển. Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiếng quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. [Quân Hoằng Tháo] không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nữa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về”.
Sơ đồ trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng. (Hình minh họa- Nguồn: violet).
Chính sử ghi chép ngắn gọn nhưng các nguồn dã sử, các bản thần tích, ngọc phả lưu giữ tại một số di tích thờ phụng các nhân vật thời Ngô đã cung cấp những thông tin độc đáo, thú vị giúp chúng ta có cái nhìn rộng hơn, rõ hơn về trận chiến năm ấy và những con người đã làm lên chiến thắng đó.
Đầu tiên là mưu kế đóng cọc nhọn, chính sử viết đây là chủ trương của Ngô Quyền, tuy nhiên theo Ngọc phả xã Lương Xâm (nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) cho hay người đưa ra kế ấy chính là con trưởng của Ngô Quyền tên là Ngô Xương Ngập, Khi ấy mọi người đang bàn sách lược thì “bỗng trong ban bộ có người dâng lời, bảo rằng:
- Quân địch có lợi thế ở chiến hạm, ta chưa chuẩn bị trước thì thắng thua chưa biết thế nào. Xin vương cho trồng cọc ở hai bên cửa biển, khi nước thủy triều dâng lên, sai người lấy thuyền nhẹ giao chiến với quân địch, giả dạng thua chạy để mà đánh, tất quân của Hoằng Tháo tự như ngói mà tan vỡ.
Vương cho là đúng, mới đưa mắt nhìn người nói, hóa ra là con trưởng Xương Ngập”.
Về người đề xuất chọn sông Bạch Đằng làm nơi đánh giặc ngay từ khi chúng theo đường biển tiến vào nước ta là của Kiều Công Hãn. Theo thần tích về nhân vật này, thì ông quê ở châu Phong (nay thuộc Phú Thọ), cha là Kiều Công Chuẩn, ông nội là Kiều Công Tiễn. Vì không can ngăn được cha làm chuyện thoán nghịch và cầu viện ngoại bang nên Kiều Công Chuẩn đã viết thư kể tình hình quân Nam Hán sắp kéo sang rồi sai con là Kiều Công Hãn mang vào Ái châu (Thanh Hóa ngày nay) đưa tận tay Ngô Quyền; sau đó ông dẫn hai con nhỏ là Kiều Thuận và Kiều Công Dĩnh đi ở ẩn.
Thấy Ngô Quyền lo quân ít, định chiêu mộ thêm quân để chống giặc, Kiều Công Hãn khuyên rằng:
- Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên hải, nhân nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía đông nam mà dựng thành nước, quân đội mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng.
Phục binh, bãi cọc sẵn sàng chờ giặc đến. (Tranh minh họa - Nguồn: khampha.vn).
Ngô Quyền nghe theo đề xuất đó và nghĩ ra trận địa cọc ngầm độc đáo, ông đã giao cho em vợ là Dương Tam Kha thực hiện việc này. Theo bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định): “[Dương] Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống…”.
Tướng Dương Thục Phi và Dương Cát Lợi quê ở Ái châu (nay thuộc Thanh Hóa) đều là gia tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.
Hỗ trợ việc chỉ huy đóng cọc ngầm còn có Phạm Đức Dũng quê ở thôn Đạo Truyền (nay thuộc Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam). Theo thần phả đình Đạo Truyền, Phạm Đức Dũng theo lệnh Ngô Quyền đem quân đến sông Bạch Đằng tiến hành chặt cây, làm cọc nhọn bịt sắt, cắm xuống sông để tạo thành trận địa cọc, chuẩn bị đối phó với đạo quân Nam Hán xâm lược đang theo đường thủy kéo vào nước ta. Phụ tá của Phạm Đức Dũng trong việc đóng cọc, là Hoàng Công Thái, người địa phương rất quen thuộc và thông thạo luồng lạch, con nước Bạch Đằng.
Thuyền giặc sa vào thiên la địa võng. (Hình minh họa- Nguồn: artvn).
Khi trận địa cọc ngầm đã xong, việc bố trí phục binh hai bên sông cũng đã hoàn tất thì việc đem thuyền ra khiêu chiến để nhử thuyền giặc vào bãi cọc ngầm cũng cần phải có người tài năng đảm trách. Bản Ngọc phả xã Lương Xâm cho hay người tự nguyện xin đi là Nguyễn Tất Tố, quê ở làng Gia Viên (nay thuộc nội thành TP Hải Phòng).
Cùng thực hiện nhiệm vụ “đánh thật mà là giả, giả như thất trận thật” cùng với Nguyễn Tất Tố là bạn của ông tên là Đào Nhuận và ba anh em Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo quê ở Hoàng Pha (nay thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Thần tích về nữ tướng Dương Phương Lan, vợ thứ của Ngô Quyền, người làng Yên Nhân (nay là thôn Yên Nhân, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thì bà cũng trực tiếp chỉ huy một đội thuyền đánh nhử quân giặc vào bãi cọc Bạch Đằng.
Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng đã chôn vùi giấc mộng của vua Nam Hán, toàn bộ thủy quân của giặc bị tiêu diệt, chủ tướng là Thái tử Hoằng Tháo phải bỏ mạng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng quân ta “bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về”. Sách Đại Việt sử ký tiền biên thì chép: “[Ngô] Quyền thừa thắng tiến lên, bắt sống Hoằng Thao rồi giết chết”. Thế nhưng ai là người lập công giết tướng giặc thì chính sử không nhắc đến nhưng dã sử và các nguồn thư tịch dân gian lại cho biết người đó chính là Dương Tam Kha, con của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Bản thần tích đền Cổ Lễ (nay thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) có đoạn viết: “Tam Kha xuất bản bộ binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoàng Tháo” (Nghĩa là: Tam Kha dẫn quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Thao), chính từ công trạng đó mà tại đền thờ Dương Tam Kha tại Cổ Lễ có câu đối:
Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc,
Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong
Nghĩa là:
Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách,
Chém chết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.
Trong trận đại thắng Bạch Đằng tháng Chạp năm Mậu Tuất (938) còn có công lao của các tướng lĩnh chỉ huy các cánh quân ở hai bên bờ sông, trong đó phải kể đến Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Phạm Cự Lãnh, Lã Đại Liệu, Đinh Công Trứ, Nguyễn Thước, Vũ Quốc Đạt, Nguyễn Minh Quế… Đây là những người đảm trách nhiệm vụ hỗ trợ thủy quân và khi quân giặc sa vào trận địa cọc lúc nước thủy triều đang rút đồng loạt nổi lên, dùng cung tên, câu liêm, thuyền nhỏ đánh mạnh vào đội hình quân Nam Hán khiến chúng nhanh chóng tan vỡ.
Ngô Quyền và những vị tướng của mình đã làm lên một trận chiến lịch sử, chấm dứt đêm dài Bắc thuộc, họ xứng đáng với sự tôn kính và ngợi ca của dân tộc, giống như câu đối tưởng niệm sau:
Giương cờ Hồng Lạc, giành lại núi sông, thỏa chí bốn phương hào kiệt,
Nổi sóng Bạch Đằng, dìm sâu quân giặc, nêu gương vạn thế anh hùng.
Hoàng đế Nam Hán bệnh hoạn và thất bại thảm hại ở trận Bạch Đằng Chúng ta – những người con đất Việt đều đã đọc không dưới một lần về thắng lợi lịch sử ở trận Thủy chiến Bạch ... |
Hành lang cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng- Quảng Ninh bị xâm hại Mới khánh thành được vài tháng, cầu Bạch Đằng, một mục trong tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng, đã bị một số cơ ... |