Đối với phụ nữ, con cái là món quà vô giá mà ông trời ban tặng. Thế nhưng với những phụ nữ phạm tội về ma túy, việc mang thai và sinh con lại đang trở thành một chiêu trò để đối phó với các cơ quan pháp luật nhằm trốn tránh thi hành án...
1. Tuy 5 tuổi, nhưng cô bé Nguyễn Minh Châu chỉ nhỏ như đứa trẻ 3 tuổi. Nó ngồi thu lu trên ghế, ôm chặt con gấu bông đã cũ. Bên cạnh, mẹ nó hết đứng lại ngồi, giữ thằng em mới hơn 1 tuổi cứ nhảy tưng tưng trên tay, thi thoảng lại quay sang giật đầu giật tóc trêu chị. Mỗi lần có người lạ bước vào phòng, con bé Châu lại nhanh nhảu chào rồi tiếp tục ôm gấu bông, chăm chú chờ đợi thằng em nhả cái kẹo mút ra.
Đây không phải là lần đầu, tôi bắt gặp cái cảnh một người đàn bà bồng bế, dắt díu theo những đứa trẻ còn đỏ hỏn hay lít nhít như vậy ở một đơn vị phòng chống tội phạm về ma túy. Liên tục đẻ con để được tạm hoãn thi hành án, sau đó tiếp tục phạm tội mới là một trong những chiêu trò của một số phụ nữ phạm tội về ma túy, lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật. Họ sinh con ra không phải để yêu thương, chăm bẵm mà mục đích là biến chúng thành “bảo bối” trước các cơ quan pháp luật.
Mẹ của cô bé Châu là Nguyễn Thanh Loan (41 tuổi) bị bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, hồi 22h15 ngày 17-7, tổ công tác Đội 7 Phòng PC47 Công an TP Hà Nội phối hợp Công an phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) kiểm tra phòng 202 nhà nghỉ Trúc Mai (ngõ 477 Kim Mã), phát hiện Nguyễn Thanh Loan cùng 3 đối tượng Đỗ Quốc Hưng (41 tuổi, ở ngõ 365 Kim Mã, quận Ba Đình), Nguyễn Văn Sơn (25 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), Đỗ Văn Công (42 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) đang có hành vi sử dụng ma túy.
Thời điểm kiểm tra, Loan bế con trai là cháu Lê Phúc Như Thế (sinh tháng 5-2016) ngồi trên giường, còn 3 khách nam “đập đá” trên sàn nhà. Phát hiện công an kiểm tra, Loan cầm bình “đập đá” đồng thời móc ma túy trong túi quần định phi tang nhưng đã bị ngăn chặn, thu giữ tang vật là 1 gói heroin và 1 gói ma túy “đá”.
Nguyễn Thanh Loan mang theo 2 con nhỏ khi lên cơ quan Công an.
Khi cơ quan Công an đang kiểm tra thì tại khu vực lễ tân, người tình của Loan là Đào Thanh Tùng (46 tuổi) đi xe máy chở theo 2 cháu nhỏ 5 tuổi gồm Nguyễn Thị Minh Châu (con gái Loan) và Đào Kiều My (con gái Tùng) đến nhà nghỉ. Kiểm tra chiếc xe máy Honda do Tùng điều khiển, phát hiện thu giữ tại phần ốp nhựa đầu xe máy có 19 gói heroin. Tùng khai nhận mua số heroin trên về vừa sử dụng, vừa bán cho khách kiếm lời. Toàn bộ các đối tượng và tang vật được đưa về Cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Đây không phải là lần đầu tiên, Nguyễn Thanh Loan bồng theo con nhỏ tới cơ quan Công an. Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, Loan đã có 2 tiền án về tội ma túy. Tháng 9-2016, Tòa án nhân dân quận Tây Hồ xử 48 tháng tù giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tháng 5-2017, Loan tiếp tục bị Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy xử 24 tháng tù giam cũng về tội danh này. Cả 2 lần xét xử, Loan đều được tạm hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Liệt kê như vậy để thấy được việc phạm tội về ma túy của Nguyễn Thanh Loan là có hệ thống. Cho dù Loan không thừa nhận nhưng đứa con trai út mới hơn 1 tuổi chính là “cứu cánh” cho người đàn bà này đối phó với các cơ quan pháp luật khi liên tiếp phạm tội.
Trước khi dính vào ma túy, Nguyễn Thanh Loan là người đàn bà có nhan sắc và từng có một gia đình hạnh phúc. Cuộc hôn nhân với người chồng đầu mang lại cho Loan 2 đứa con một trai một gái, niềm mơ ước của bất cứ người phụ nữ nào khi đi lấy chồng. Nhưng rồi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Cả hai đứa con giờ đều ở cùng nhà nội.
Cuộc đời lang bạt, buông thả của người đàn bà này bắt đầu từ sau khi hôn nhân đổ vỡ. Hai đứa con tiếp theo lần lượt ra đời nhưng không rõ bố của chúng là ai. Thế giới của hai đứa trẻ chỉ thu gọn trong phòng trọ, nhà nghỉ khách sạn, nơi mẹ nó thuê ở để dễ bề hoạt động phạm tội ma túy.
Tại thời điểm bị Đội 7 Phòng PC47 bắt giữ, Nguyễn Thanh Loan đang thuê phòng tại nhà nghỉ Trúc Mai làm nơi ở với giá 5 triệu đồng/tháng. Thời gian này, Loan cặp kè với Đào Thanh Tùng tức Tùng “lùn”, là đối tượng ma túy nổi cộm trên địa bàn phường Ngọc Khánh. Bản thân Tùng có 5 tiền án về các tội hình sự và ma túy, nghiện ma túy nặng.
Không chịu được người chồng vào tù nhiều hơn ở nhà, sau khi sinh con, vợ Tùng đã bỏ đi. Nuôi con nhỏ một mình nên khi gặp Nguyễn Thanh Loan cũng đang cảnh con thơ, hai bên bàn nhau “góp gạo thổi cơm chung”. Tùng gửi con để Loan trông giúp và góp tiền cùng Loan nuôi con từ việc mua bán ma túy.
Nguyễn Thanh Loan
Dường như sinh ra trong hoàn cảnh nào thì những đứa trẻ phải chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh đó. Mẹ bận trông em, cô bé Châu chỉ có con gấu bông làm bạn. Thế giới của cô bé Châu ngập trong khói ma túy. Phòng trọ chật chội, bọn trẻ ngồi chơi trên giường, còn bố mẹ chúng và những vị khách thì châu đầu dưới sàn nhà “đập đá”.
Lâu dần thành quen. Cô bé Châu không còn phản xạ với khói thuốc. Việc của nó là ngồi yên một góc ôm gấu bông như một đứa trẻ tự kỷ. Nó buộc phải trật tự, ngoan ngoãn một cách thụ động, miễn cưỡng để mẹ còn kiếm tiền từ ma túy. Nó đã quá 36 tháng tuổi, không còn là “phao cứu sinh” nữa nên mẹ nó buộc phải sinh tiếp đứa con thứ tư. Và đứa bé này thực tế đã giúp người mẹ 2 lần “né” được việc thi hành 2 bản án ma túy.
Đương nhiên, một bà mẹ đẻ con có chủ đích để “trốn” án như Nguyễn Thanh Loan thì không bao giờ thừa nhận lý do sinh con như vậy. Cô ta thanh minh rằng người đàn bà khi đi lấy chồng chỉ có con làm lãi, vì nhà chồng đã giành việc nuôi 2 đứa con đầu nên cô ta buộc phải sinh thêm 2 đứa nữa để có chỗ dựa khi về già. Thoạt nghe thì cái lý ấy rất dễ làm người khác mủi lòng thương cảm.
Thế nhưng khi hỏi vì sao cô bé Châu 5 tuổi mà chưa làm thủ tục khai sinh? Loan lại đổ tại cho việc “nhỡ nhàng” sinh thêm đứa con trai nên không có thời gian. Cái lý do “đập đá” ngay trong phòng cùng bọn trẻ cũng được bà mẹ này lấp liếm rằng cô ta chỉ sử dụng như một liệu pháp giảm cân, và khách đến thì mời sử dụng cho vui (?!).
2. Liên tục chửa đẻ để được hưởng chế độ khoan hồng của pháp luật, sau đó tiếp tục phạm tội trong thời gian được tại ngoại hoặc tạm hoãn thi hành án do mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Chiêu trò này đã được khá nhiều phụ nữ áp dụng và trở thành một bài toán “khó” đối với cơ quan Công an.
Có trong tay đứa con nhỏ làm “bảo bối” nên những đối tượng này thường phạm tội ma túy một cách ngang nhiên. Thế nên trong quá trình phạm tội, bao giờ các bà mẹ này cũng cắp theo con và sẵn sàng bế con đi theo khi bị bắt giữ. Có vụ việc người mẹ phạm tội bị bắt, người nhà thay vì chăm sóc giúp con nhỏ liền tìm cách mang đứa trẻ đến cơ quan Công an để đưa cho mẹ, gây áp lực, gây khó dễ cho những người thực thi pháp luật.
Đặc biệt với tội phạm ma túy thì việc lợi dụng con nhỏ để đối phó với cơ quan pháp luật luôn nằm trong toan tính của những người mang danh làm mẹ. Họ sinh con không phải để yêu thương, chăm bẵm, mà sinh con và tìm mọi cách để sinh con chỉ nhằm mục đích “trốn” án.
Đó là trường hợp “nữ quái” Hà Kim Dung (45 tuổi, ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội). Bản lý lịch của Dung dày đặc những tiền án, tiền sự: Năm 1997, Công an quận Hai Bà Trưng bắt tội buôn bán phụ nữ, tòa án xử 5 năm tù giam. Năm 2001, bị bắt đi giáo dục tại Trung tâm 05 do hành nghề mại dâm. Năm 2004 bị bắt đi cai nghiện tại Trung tâm 02. Năm 2009 bị bắt đi cai nghiện, về địa phương tháng 7-2012.
Nghiện ma túy nên việc Hà Kim Dung chuyển hướng sang buôn bán ma túy cũng là điều dễ hiểu. Sau khi cai nghiện trở về, Dung tính toán đến việc sinh một đứa con làm “lá chắn” cho hoạt động phạm tội. Với toan tính này, mặc dù đã hơn 40 tuổi nhưng Dung cố gắng chạy chữa để có khả năng mang thai. Toan tính này đã được toại nguyện khi năm 2015, Dung mang bầu mà không có bố cho đứa trẻ.
Tháng 4-2015, khi bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ về tội mua bán trái phép ma túy, tòa án xử 30 tháng tù giam, Hà Kim Dung được hoãn thi hành án do đang mang thai. Trong thời gian thai nghén, tháng 11-2015, Dung tiếp tục mua bán ma túy, bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ. Bị tuyên phạt 9 năm tù giam nhưng lúc đó Dung mang bầu sắp đến ngày sinh nên cô ta được hoãn thi hành án một lần nữa. Mặc dù đã nợ 2 bản án nhưng biết chắc các cơ quan pháp luật khó xử lý trong thời gian nuôi con nhỏ, Hà Kim Dung vẫn mua bán ma túy như “đi chợ”.
Đối tượng Hà Kim Dung, một bà mẹ sinh con để liên tiếp phạm tội về ma túy.
Tháng 3-2016, bị Công an quận Ba Đình bắt giữ về tội mua bán ma túy, được tại ngoại do nuôi con nhỏ, khi về Dung vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ 1 tháng sau khi về nhà, Dung tiếp tục bị Cơ quan CSĐT (PC47) Công an TP Hà Nội bắt giữ khi đang bán heroin ngay tại nhà cho 3 con nghiện, thu tại chỗ cân điện tử, heroin và ma túy đá. Lúc này, đứa con gái của Dung mới được 8 tháng tuổi. Khi bị bắt, Dung không hề tỏ ra sợ hãi, lo lắng. Cô ta bình tĩnh chuẩn bị bỉm sữa rồi ôm con lên cơ quan điều tra vì biết chắc rằng đứa bé sẽ “cứu” cô ta.
Vừa được tại ngoại, Dung lập tức chuyển chỗ ở, sang địa bàn phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) thuê nhà để tiếp tục bán ma túy, tạo dựng một “boong-ke” chuyên bán lẻ heroin tại nơi thuê trọ. Khách quen của Dung là những con nghiện ra vào rầm rập hằng ngày khiến người dân bức xúc. Và chưa đầy 1 tháng sau, Hà Kim Dung bị Công an quận Tây Hồ bắt quả tang khi đang tổ chức bán ma túy tại nhà, thu giữ heroin và cân điện tử. Ai cũng ngán ngẩm khi bà mẹ nghiện vừa ôm con vừa ngáp.
3. Theo luật sư Hoàng Nguyên Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với chính sách hình sự nhân đạo, pháp luật nước ta quy định, trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì được hoãn chấp hành án cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Lợi dụng chính sách này, nhiều bị án là phụ nữ đã dùng thủ đoạn chửa, đẻ liên tục để được hoãn chấp hành án phạt tù khiến các cơ quan tiến hành tố tụng rơi vào tình thế rất khó xử bởi nhiều trường hợp tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được hoãn thi hành án, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Những đứa trẻ vô tội được sinh ra trong toan tính, mưu mô của những bị án hòng trốn tránh thi hành án, nhưng sự khoan hồng nào cũng có giới hạn. Với phụ nữ thì việc chửa đẻ phụ thuộc vào tuổi tác. Rồi sẽ đến lúc họ phải chấp hành những bản án đang nợ khi đã hết tuổi sinh nở, khi con đã lớn. Những đứa trẻ không thể mãi mãi là bình phong cứu giúp cho những bà mẹ thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.