Trong năm 2023, xảy ra các vụ việc liên quan tới suất ăn học sinh làm dư luận dậy sóng, khiến phụ huynh hoang mang lo lắng về chất lượng bữa ăn của con em mình.
Một số những vụ việc gây tranh cãi liên quan tới suất ăn học sinh trong năm 2023 khiến dư luận lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú.
Trường 'bớt xén' suất ăn 70.000 đồng/ngày
Đầu tháng 4/2023, phụ huynh N.T. H tố trường mầm non AMIS (American Montessori International School - Nam Từ Liêm, Hà Nội) bớt xén khẩu phần ăn của trẻ. Chị H cho biết, tổng học phí một năm và tiền ăn ba tháng khoảng 90 triệu đồng. Tuy nhiên các bữa ăn cho trẻ không đạt so với cam kết trường với phụ huynh.
Thời gian đầu đồ ăn khá ổn nhưng sau đó con chị thường kêu đói khi đi học về, trong khi tiền ăn tăng từ 65.000 đồng lên 70.000 đồng/ngày. Vì thế, chị yêu cầu cô giáo chụp đầy đủ suất ăn của các con và gửi hàng ngày
Phụ huynh tố trường 'bớt xén' suất ăn 70.000 đồng/ngày.
Trong những bức ảnh nhận được từ giáo viên, chị H thấy đồ ăn ít, không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Chị H cũng đến trường kiểm tra bữa trưa đột xuất, phát hiện có một số món không như thực đơn niêm yết.
Thay vì thừa nhận, trường này biện minh do góc chụp của phụ huynh nên khẩu phần ăn có vẻ ít hơn so với giá niêm yết. Khi chia suất ăn cho trẻ, các thầy cô thường chia ở lượng vừa phải, trẻ muốn ăn thêm sẽ cho thêm.
"Nhà trường luôn muốn giáo dục các con ăn hết suất đồ ăn của mình. Nếu chia nhiều quá, thường các con ăn không hết hoặc cảm giác chán ăn", nhà trường đưa ra lời giải thích.
Sau khi tổ chức các đoàn kiểm tra, làm việc, UBND quận, phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm yêu cầu trường kiểm điểm, xin lỗi phụ huynh và khắc phục việc chia khẩu phần ăn theo đúng quy định cam kết.
Cơm bán trú 32.000 đồng lèo tèo vài món
Cuối tháng 10/2023, phụ huynh trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) phản ánh mỗi suất cơm bán trú giá 32.000 đồng nhưng chỉ có 1 miếng giò nhỏ, ít khoai tây và 3 - 4 miếng cá chiên giòn, lèo tèo vài ba sợi giá.
Hôm khác, thực đơn vẫn chỉ là ít khoai tây, 3 - 4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng một miếng thịt nhỏ. Phụ huynh cho rằng chất lượng bữa ăn như vậy quá ít không đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh đang trong tuổi ăn tuổi lớn và không đảm bảo sức khỏe để học tập.
Ngay sau đó, công ty chế biến xuất ăn xác nhận, do người chia ăn chia chưa đều nên có một số khay thức ăn bị ít thức ăn (do số lượng suất ăn trong một buổi khoảng 500 suất nhưng thời gian chia trong vòng 30 phút để đảm bảo thức ăn nóng và chỉ có vài nhân viên chia nên các suất ăn chưa đều nhau).
Hình ảnh bữa ăn dành cho học sinh bán trú gây nhiều tranh cãi.
Ban giám hiệu nhà trường cũng nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn do chưa bố trí cán bộ giám sát trong quy trình này; đồng thời làm việc ban đại diện phụ huynh học sinh để xin rút kinh nghiệm, cam kết tiếp tục giám sát chặt chẽ bữa ăn bán trú, không để lặp lại sự việc.
Phòng GD&ĐT quận Hà Đông đề nghị trường THCS Yên Nghĩa nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo và giám sát bữa ăn bán trú. Tuyệt đối không để tình trạng này diễn ra.
11 học sinh ăn chung 2 gói mì tôm chan cơm
Trong tháng 12 báo chí phản ánh bất thường bữa ăn bán trú của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, không đảm bảo về định lượng theo định suất quy định, thực phẩm kém chất lượng.
Theo đó, mỗi mâm có 11 trẻ ăn 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm. Mặc dù, trên bảng thực đơn và công khai tài chính ghi rõ, buổi sáng mỗi em 1 gói mì tôm và 1 quả trứng. Thế nhưng, theo người phụ trách nấu ăn, tình trạng thiếu đồ ăn cho học sinh thường xuyên xảy ra.
11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm. (Ảnh VTV)
Bữa sáng không đủ theo định lượng, bữa trưa và bữa tối cũng chỉ có 1 ít giò thái nhỏ cùng một nồi canh. Hiệu trưởng nhà trường vẫn cho rằng, như thế này là đủ khẩu phần.
Ngay cả những thứ rẻ tiền như rau cho học sinh ăn cũng hư hỏng. Nhiều em học sinh được huy động xuống bếp để nhặt bỏ phần rau thối, nhưng thứ ăn được cũng chẳng còn lại là bao. Hơn nữa, nhiều học sinh trong trường phải sử dụng lá su su thay giấy vệ sinh.
Sau khi điều tra, xác minh, huyện Bắc Hà xác nhận có việc bị cắt xén, khiến 11 học sinh phải ăn cơm trắng chan với 2 gói mì tôm. Trường này cũng có nhiều sai phạm trong việc chi trả chế độ cho học sinh.
Hiện tại, hiệu trưởng đã nộp đơn từ chức với lý do nhận trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội. Vụ việc được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, do liên quan đến nhiều người, ở nhiều thời điểm và có tính chất phức tạp.
Lèo tèo suất ăn ở trường THPT Thanh Đa
Không chỉ ở Hà Nội, cuối tháng 10, phụ huynh TP.HCM cũng phản ánh suất ăn bán trú của học sinh trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) trị giá 33.000 đồng, nhưng chỉ có 2 quả trứng ốp la, ít giá hẹ xào, canh lõng bõng nước cùng vài cọng rau muống và cơm.
Thầy Lê Hữu Hân - Hiệu trưởng trường THPT Thanh Đa phủ nhận, suất ăn với trứng ốp la được chia sẻ trên mạng xã hội có thể là suất ăn riêng của học sinh yêu cầu, do ngoài những suất ăn trưa thông thường của học sinh, thì có những em có nhu cầu ăn chay, ăn cháo…, được yêu cầu từ trước. Còn thực tế, suất ăn của học sinh nhà trường hôm đó gồm nhiều món khác.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu nhà trường chấn chỉnh, đảm bảo an toàn bữa ăn trường học, đồng thời công khai, tổ chức để phụ huynh cùng giám sát, kiểm tra các bữa ăn.
Cần đưa vào luật để đảm bảo chất lượng
Đánh giá về bữa ăn học đường hiện nay, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trừ cấp học mầm non, hầu hết các trường từ tiểu học trở lên được xây dựng với mục đích ban đầu chỉ phục vụ cho việc dạy và học. Do nhu cầu cấp thiết của phụ huynh và gia đình, sau đó nhiều trường đảm đương thêm việc phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh.
Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn.
Vì vậy, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tươi ngon, đa dạng, phù hợp lứa tuổi và hợp lý chi phí.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, tại Nhật Bản, quy định về bữa ăn học đường được đưa vào luật từ gần 70 năm trước, quy định cụ thể tiêu chuẩn dinh dưỡng của bữa ăn ứng với từng lứa tuổi, với hàm lượng vi chất, khoáng chất chính xác, tỉ mỉ. Có lẽ đã đến lúc, Việt Nam cần có điều luật tương tự để đảm bảo quyền lợi, an toàn cho học sinh.
TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, để giảm thiểu tình trạng trên trong các năm tới, chúng ta nên quy chuẩn định lượng cụ thể. Các em học sinh là những người giám sát tốt nhất chứ không phải phụ huynh, cô giáo. Chúng ta cần phổ biến cho học sinh về định lượng thức ăn của các em được đáp ứng, và ăn như thế nào là đủ, thiếu, sạch, bẩn...
Ngoài ra, cần phổ biến cho các em về các điều luật liên quan tới an toàn thực phẩm, nếu như phát giác sẽ liên hệ với các số điện thoại để tố giác. Nếu những điều nêu trên được thực hiện, các nhà trường sẽ biết họ bị giám sát bằng hàng triệu con mắt liên, chắc chắn họ sẽ không làm sai như hiện nay, TS nói.
https://vtc.vn/nhung-bua-an-hoc-duong-bi-cat-xen-gay-xon-xao-du-luan-2023-ar843213.html