Trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31, họ được xem như là các “chú, cô” trong mắt các vận động viên trẻ. Thậm chí so về tuổi, nhiều người trong số họ còn đáng bậc “cha”. Nhưng dù tuổi tác có cao thì họ - những VĐV từng góp mặt tại SEA Games 22 năm 2003 diễn ra tại Việt Nam, vẫn vẹn nguyên đam mê, khát khao cống hiến. Điều này sẽ được chứng tỏ khi họ bước vào thi đấu tại SEA Games 31 từ ngày 13/5.
- Efren Reyes: Phù thủy billiards săn HCV SEA Games
- Khai mạc SEA Games 31 hôm nay: Đỉnh cao nghệ thuật, công nghệ
- Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa 'trái tim' SEA Games 31
Kiên trì theo đuổi đam mê
Quãng thời gian từ SEA Games 22 đến SEA Games 31 thực sự dài đối với sự nghiệp của VĐV, vốn chỉ có chục năm hoặc hơn một chút. Nhưng rồi bằng sự đam mê của mình, không ít VĐV vẫn tiếp tục thi đấu đỉnh cao, được gọi vào đội tuyển quốc gia và được chọn tham dự SEA Games 31.
Trong số này, phải kể đến xạ thủ kỳ cựu Trần Quốc Cường của đội tuyển bắn súng quốc gia, người vừa tham dự Olympic Tokyo 2020 và đang có thành tích quốc tế ổn định nhất trong vài năm qua của đội tuyển bắn súng Việt Nam. Hành trình phát triển chuyên môn của anh thực sự đáng nể khi luôn thi đấu ổn định cùng sự chuyên nghiệp trong tập luyện. Tại SEA Games 22 năm 2003, Trần Quốc Cường - khi đó 29 tuổi, đã góp công vào 2 tấm HCV đồng đội của đội súng ngắn. 19 năm trôi qua, Trần Quốc Cường không giành những thành tích nổi bật như người đồng đội thi đấu cùng nội dung là Hoàng Xuân Vinh nhưng anh lại luôn là lựa chọn số 2 của đội tuyển ở nội dung súng ngắn nam. Chính việc kiên trì theo đuổi đam mê đã giúp anh thi đấu đến tận bây giờ. Cho nên, sau khi Hoàng Xuân Vinh nghỉ thi đấu, Trần Quốc Cường đương nhiên là lựa chọn số 1 ở nội dung súng ngắn nam của đội tuyển quốc gia.
Ngoài Trần Quốc Cường, có thể kể đến tay vợt Nguyễn Tiến Minh ở môn đội tuyển cầu lông. Cho đến nay, hành trình phát triển, ngự trị ở đỉnh cao cầu lông Việt Nam của Nguyễn Tiến Minh vẫn là tấm gương sáng cho các đàn em. Tại SEA Games 22, dù rất quyết tâm song Tiến Minh không thể giành huy chương tại các nội dung thi đấu. Năm đó lại là năm được mùa HCV của thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games 22. Thế nên, việc Tiến Minh “trắng tay” tại kỳ SEA Games đó khiến anh “lạc lõng” hơn hẳn so với nhiều đồng đội trong Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành huy chương. Quan trọng là cách đón nhận thất bại như thế nào. Và tay vợt nam số 1 Việt Nam đã chọn cách tích cực nhất là tập luyện và tập luyện cũng như thi đấu liên tục tại nước ngoài bằng nguồn nhà nước, cá nhân, các doanh nghiệp…
Đó là lý do lý giải cho việc sau này, tay vợt người TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp mang về những thành công cho cầu lông Việt Nam, trong đó có giành được 4 HCĐ trong các kỳ tham dự SEA Games và liên tiếp giành vé dự Olympic – Đó thực sự là kỷ lục trong làng thể thao Việt Nam cũng như cầu lông Việt Nam.
Trong khi đó, ở môn Thể hình, lực sĩ kỳ cựu Phạm Văn Mách nhận được nhiều sự chú ý. Tại SEA Games 22, ở tuổi 27, Phạm Văn Mách đã ghi dấu ấn bằng việc giành ngôi vô địch. Trước đó 1 năm, Phạm Văn Mách cũng là bất ngờ tại ASIAD 14 tại Hàn Quốc với việc lên ngôi vô địch hạng cân của mình. Trong khi trước đó, kỳ vọng giành Huy chương vàng vào đội tuyển đều dồn về lực sĩ nổi tiếng nhất giai đoạn đó là Lý Đức. Trong 3 lần tham dự SEA Games từ sau kỳ SEA Games 22, Phạm Văn Mách giành thêm 1 Huy chương vàng. Như thế hành trang đến SEA Games 31 của anh là 2 chức vô địch SEA Games. Và hành trang ấy có thể dày dặn hơn nếu môn thi đấu này được xuất hiện liên tục trong chương trình thi đấu SEA Games. Đến giờ, ở tuổi 46, Phạm Văn Mách vẫn đang nỗ lực chinh phục tấm HCV thứ ba tại đấu trường SEA Games.
Cùng với Nguyễn Tiến Minh, Phạm Văn Mách, Trần Quốc Cường, còn có thể kể thêm những cái tên từng tham dự SEA Games 22 và hiện tại có mặt trong Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 Hoàng Thị Bảo Trâm (cờ vua), Phạm Thị Hà, Đặng Hồng Hà, Nguyễn Thị Lệ Quyên (bắn súng), Hoàng Thị Tuất, Lê Nghĩa (bắn đĩa bay). Trong số này, Hoàng Thị Bảo Trâm đã bắt đầu hành trình chinh phục tấm HCV SEA Games 31 khi bước vào thi đấu ở nội dung cờ tiêu chuẩn tại Quảng Ninh.
Quyết tâm chinh phục tấm huy chương
Trong số những VĐV trên, nhiều người thi đấu ở những môn ít dùng đến sức mạnh, có tuổi thọ nghề nghiệp cao. Nhưng có những người thi đấu ở những nội dung được đánh giá nặng về sức mạnh. Trong đó, rõ nhất là trường hợp của tay vợt Nguyễn Tiến Minh. Sự chuyên nghiệp và đam mê mãnh liệt với cầu lông đã giữ chân Nguyễn Tiến Minh ở lại với đấu trường cầu lông đỉnh cao tại Việt Nam và một suất tham dự SEA Games 31 là sự trả công xứng đáng. Trước ngày bước vào tranh tài ở SEA Games 31, Nguyễn Tiến Minh cũng chia sẻ là dù khó có khả năng đua tranh ngôi vô địch nhưng anh vẫn nỗ lực hết mình để giành 1 tấm Huy chương đồng ở sân chơi này. Hành trình đó cũng không dễ dàng nhưng anh cũng đã chuẩn bị tốt nhất có thể cộng với việc được nhiều cổ động viên cổ vũ trên sân nhà nên hy vọng có thể hoàn thành mục tiêu.
Còn lực sĩ Phạm Văn Mách dù ở tuổi 46 cũng không giấu tham vọng giành thêm 1 Huy chương vàng tại đấu trường SEA Games. Phạm Văn Mách nói rằng, được thi đấu trước khán giả nhà tại một kỳ SEA Games thực sự là điều đặc biệt, và anh thực sự may mắn khi sắp được lần thứ hai thi đấu trước khán giả nhà tại một kỳ SEA Games trên sân nhà.
Ở tuổi 48, xạ thủ Trần Quốc Cường cũng không giấu mục tiêu sẽ giành ít nhất 1 Huy chương vàng tại SEA Games 31. Không nói nhiều nhưng Trần Quốc Cường đã nỗ lực tập luyện để có thể hoàn thành mục tiêu. Theo HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung kể rằng, SEA Games 31 cũng có thể là kỳ SEA Games cuối trong sự nghiệp vận động viên của Trần Quốc Cường.Trong khi đó, những vận động viên như Hoàng Thị Bảo Trâm (cờ vua), Phạm Thị Hà, Đặng Hồng Hà, Nguyễn Thị Lệ Quyên (bắn súng), Hoàng Thị Tuất, Lê Nghĩa (bắn đĩa bay) cũng đều mong muốn giành HCV để ghi dấu ấn tại SEA Games 31. Họ đến với SEA Games 31 cùng mục tiêu rõ ràng và đều xác định sẽ giành ngôi vô địch.
Hy vọng đáp ứng kỳ vọng
Trước ngày thi đấu tại SEA Games 31, võ sĩ của Công an nhân dân tham gia đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Văn Trí cho hay đã chuẩn bị đầy đủ phương án để hoàn tất mục tiêu giành HCV, đáp ứng kỳ vọng. Nguyễn Văn Trí cũng bảo rằng, những tấm gương VĐV kỳ cựu tham gia cả SEA Games 22 và giờ là SEA Games 31 càng tiếp thêm động lực cho anh hoàn thành mục tiêu.
Minh Khuê
https://cand.com.vn/seagames31/nhung-nguoi-cu-tu-sea-games-22-i653374/