Cũng như Tết cổ truyền tại Việt Nam, trong các ngày Oshougatsu người Nhật cũng ăn cơm tất niên, viết bưu thiếp, lì xì cho trẻ em và đi lễ chùa…
Ngày nay trong quá trình hội nhập, Nhật Bản từ lâu đã không còn đón Tết Âm lịch như các nước châu Á khác, tuy nhiên Tết truyền thống Nhật Bản vẫn luôn giữ gìn được những sắc thái văn hóa đặc trưng của phương Đông.
Ngay từ trước Tết, người Nhật dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ với quan niệm sẽ rửa trôi những điều không may của năm cũ, chào đón những gì tốt đẹp nhất của năm mới. Ngày cuối cùng của năm cũ, người Nhật sẽ cùng nhau ăn bữa cơm tất niên với đông đủ các thành viên trong gia đình, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về những dự định của mình trong năm mới.
Mùng 1 Tết ăn bánh dầy Ozoni
Trong truyền thuyết cổ ngày xưa của Nhật Bản, vào ngày mùng 1 Tết, vị thần Toshidon đã xuất hiện, ban tặng cho các em bé ngoan và vâng lời cha mẹ loại bánh dầy Ozoni. Từ đó, với mong muốn được hưởng nhiều những món quà của các vị thần, người Nhật Bản thường ăn Ozoni vào mùng 1 Tết.
Viết bưu thiếp
Người Nhật thường có truyền thống viết bưu thiếp trong dịp Tết. Phong tục này cũng thể hiện rõ văn hóa “cảm ơn” của người Nhật Bản.
Lì xì đầu năm
Cũng giống như ở Việt Nam, vào ngày đầu năm mới, trẻ em Nhật Bản cũng được nhận tiền mừng tuổi từ bố mẹ, ông bà và người thân. Tiền mừng tuổi đó được gọi là Otoshidama. Otoshidama được người lớn tặng cho trẻ con với hy vọng sang năm mới, thêm một tuổi mới, đứa trẻ đó sẽ mau ăn chóng lớn, chững chạc và thành công trong học hành.
Đi chùa đầu năm mới
Đi chùa đầu năm đã trở thành phong tục của người Nhật, những ngôi chùa đã trở thành những nơi thu hút đông khách nhất. Mọi người đến các đền, chùa để cầu mong hạnh phúc, may mắn trong năm mới. Họ thường mua bùa, và rút quẻ và lấy đó để chiêm nghiệm cho những ngày tới trong năm.
Trò chơi dân gian
Tại Nhật Bản, trò thả diều Takoage khá phổ biến vào dịp năm mới. Những chiếc diều có hình dáng, cách trang trí khác nhau tùy từng địa phương. Ngoài ra còn rất nhiều trò chơi truyền thống như đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi… Đây là hoạt động thu hút được rất nhiều người tham gia và hưởng ứng.
Thăm viếng người thân
Khác với một số nước, viếng thăm nhà của người thân, bạn bè không phải là hoạt động phổ biến của người Nhật bởi quan niệm Oshougatsu là Tết sum vầy, đoàn viên nên Tết Nhật Bản hầu như chỉ khép kín trong gia đình, ngoài ra ở Nhật không có truyền thống đốt pháo ngày Tết nên không khí năm mới tương đối bình lặng.
Bữa cơm của người Nhật Bản có gì?
Ẩm thực của Nhật Bản là sự tổng hòa giữa nhiều yếu tố, từ khâu chọn nguyên liệu, nấu nướng cho đến cách trang trí món, bày biện bàn ăn, thậm chí cả tư thế ngồi thưởng thức. Thông thường, một bữa ăn truyền thống ở đất nước mặt trời mọc sẽ gồm cơm trắng, súp miso, hải sản và một loạt món ăn phụ từ rau củ quả. Mỗi món ăn khi dọn ra đều được đựng trong một chén riêng biệt.
Là một đất nước bao quanh bởi biển, đảo nên nhiều loại hải sản được xem là thành phần quan trọng trong khẩu phần dinh dưỡng. Ngoài ra, các loại rong, tảo biển cũng được sử dụng nhiều trong các bữa ăn người làng chài. Đạm và chất khoáng cần thiết được lấy chủ yếu từ loại thực phẩm này.
Món ăn phổ biến nhất ở Nhật và cũng được nhiều du khách trên thế giới ưa thích là sashimi - cá tươi sống, thái lát được ướp với xì dầu và dùng chung với mù tạt. Bên cạnh đó, sushi cũng được lòng nhiều người vì dễ ăn và đa dạng mùi vị. Mặc dù mức tiêu thụ gạo của hầu hết hộ gia đình Nhật Bản không cao, gạo vẫn là thực phẩm chủ yếu không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Một bát cơm nóng bao giờ cũng góp mặt trong hầu hết bữa ăn trong các gia đình.
Một trong ba loại súp phổ biến nhất trong bữa cơm là súp đậu hũ, súp rau hải sản và súp nước hầm thịt, và hầu như các món súp này đều được ăn lúc còn nóng mới ngon.
Trong mỗi bữa ăn, người Nhật ít nói chuyện nhưng sẽ mời khách một ly rượu sake, loại rượu truyền thống nổi tiếng. Khoảng thời gian trò chuyện sẽ dành vào sau mỗi bữa ăn. Họ thường bày một bữa tiệc trà để đãi khách hoặc nếu không có khách, đây là thời gian để các thành viên trong gia đình có thể trò chuyện với nhau.
Tiệc trà là nét văn hóa đặc sắc của đất nước hoa anh đào mà bất kỳ ai đến đây cũng nên trải nghiệm một lần. Từng công đoạn từ cho trà vào ấm đến khi chế nước sôi, uống trà đều rất công phu.
Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Tất niên 30 Tết đón năm mới đủ đầy Gác lại mọi lo toan bộn bề, vào ngày 30 Tết, mỗi gia đình người Việt lại sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên, rồi ... |
Từ \'Việt Nam phong tục\' nhìn lại phong tục Việt Nam Ngoài giá trị tư liệu, khảo cứu đã được khẳng định suốt một thế kỷ qua, có thể xem công trình của Phan Kế Bính ... |