Cơ quan chức năng có thể yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh với người bị thanh tra, kiểm tra khi xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với 442 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 91.51%), 5 đại biểu không tán thành (tỷ lệ 1,04%).

 Kết quả biểu quyết luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam.

Tại Luật mới được thông qua, cơ quan chức năng có thể yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh với người bị thanh tra, kiểm tra khi xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh; Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn... cũng nằm trong diện có thể bị yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

TP HCM có thể cấm xuất cảnh người xây nhà trái phép
Đề xuất cấm xuất cảnh với cán bộ đang bị thanh tra
"Không có lập luận nào thiết thực trong đề xuất thu phí chia tay xuất cảnh"
Đề xuất thu "phí chia tay" khi xuất cảnh là đề xuất rất trái tai

 

/ vtc.vn