Đặng Văn Lâm chẳng thể giải thích được thương vụ chuyển nhượng kỳ quặc của chính mình, bởi đó là hệ quả mà lối vận hành bất bình thường của nền bóng đá tạo ra.

"Tôi cũng không biết trả lời thế nào", Đặng Văn Lâm ngập ngừng, cười trừ đáp lại câu hỏi về việc gia nhập đội bóng ở giải hạng Nhất. Đồng đội mới của anh là Nguyễn Quốc Việt cũng phản ứng tương tự. Chính những người trong cuộc cũng không biết nói thế nào cho phải.

Dễ hiểu cho câu trả lời của Văn Lâm và Quốc Việt. Chẳng có logic thông thường nào giải thích được việc một tuyển thủ quốc gia ký hợp đồng tiền tỷ với đội bóng hạng dưới để rồi chưa đầy một tháng sau đầu quân cho đội đối thủ. Tài năng trẻ thuộc diện sáng nhất - cũng vừa được gọi lên đội tuyển quốc gia - đang đá đều ở V.League cho đội đứng đầu bảng xếp hạng bỗng nhiên bị điều đi đội hạng dưới.

Chính Đặng Văn Lâm cũng không thể đưa ra câu trả lời về vụ chuyển nhượng kỳ quặc của mình.

Chính Đặng Văn Lâm cũng không thể đưa ra câu trả lời về vụ chuyển nhượng kỳ quặc của mình. 

Đương nhiên là câu chuyện nào cũng có nguyên nhân nhưng dường như Văn Lâm, Quốc Việt hiểu rằng câu trả lời nếu được đưa ra sẽ chỉ càng làm mọi thứ rối hơn. Dù giải thích thế nào thì cũng khó mà hợp lý được, bởi bản chất câu chuyện vốn dĩ đã tréo ngoe. Có lẽ chính họ cũng chấp nhận chuyện xảy ra như thế vì nó... phải thế.

Nhìn từ một góc độ khác, Văn Lâm và Quốc Việt không trả lời được câu hỏi khó cũng có thể là vì nguyên nhân của vấn đề không nằm ở họ. Cả hai cầu thủ - cũng như những người khác vừa đồng loạt chuyển từ CLB Trẻ TP.HCM sang Phù Đổng Ninh Bình - chỉ là những đối tượng bị thời thế đưa đẩy, là hệ quả của trạng thái kỳ quặc đang xảy ra ở bóng đá Việt Nam.

Khác với 2 đồng đội, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức có câu trả lời thẳng thắn hơn. Anh bỏ V.League xuống hạng dưới vì tiền, lý do chẳng ai có thể tranh luận thêm được cả. Khoản tiền mà Hoàng Đức nhận được ở Phù Đổng Ninh Bình là con số mà không đội bóng nào ở V.League đáp ứng được.

 

Sẽ có những cổ động viên thông cảm cho cầu thủ này chuyện cơm áo gạo tiền. Dù sao 21 tỷ vẫn lớn hơn 15 tỷ. Người khác - đặc biệt là những khán giả yêu thích đẳng cấp chơi bóng của Hoàng Đức - sẽ không hài lòng khi thấy cầu thủ ngôi sao đá ở môi trường cấp thấp.

Tranh cãi là bình thường. Thứ tạo ra sự bất thường không nằm ở Hoàng Đức - hay Văn Lâm, Quốc Việt - mà là cách vận hành của một nền bóng đá chưa hoàn thiện.

Ở môi trường bóng đá đỉnh cao, cầu thủ cũng đá bóng vì tiền. Các yếu tố về phát triển, tham vọng chỉ có ý nghĩa khi không có khoản tiền khổng lồ gấp cả chục lần "giá thị trường" được đặt lên bàn đàm phán.

Thứ ngăn các ông chủ Ả Rập đổ núi tiền vào giải đấu cấp thấp của bóng đá Anh để đưa về các ngôi sao hàng đầu chính là luật chơi. Hệ thống các luật lệ phức tạp - với những tên gọi rất kêu như "Đạo luật lợi nhuận và phát triển bền vững" chẳng hạn - điều chỉnh trực tiếp tới quyết định chi tiền của các ông chủ và đội bóng.

Cho đến nay, luật chơi của bóng đá Anh vẫn không ngừng được điều chỉnh và xúc tác cho quá trình này chính là những vấn đề nảy sinh từ sự bất thường. Những vết gợn - kiểu như các ngôi sao đồng loạt bỏ V.League xuống hạng Nhất - đặt ra bài toán để nền bóng đá có sự điều chỉnh, có thể là để hạn chế sự bất thường ấy, hoặc biến chúng trở nên bình thường.

Sự phản ứng của nhà quản lý và các bên tham gia sẽ quyết định phương hướng phát triển tiếp theo của nền bóng đá. 

 https://vtcnews.vn/nhung-vu-chuyen-nhuong-can-loi-keo-lui-bong-da-viet-nam-ar901928.html

Tiểu Minh / VTC News