Các hãng ô tô Mỹ và Châu Âu đang phải gồng mình để theo kịp những thương hiệu Trung Quốc về công nghệ pin giúp xe chạy xa hơn.

Các hãng xe điện tại Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về công nghệ pin cho phép xe điện chạy xa hơn. Họ cũng sản xuất ra động cơ tốt, hiệu quả hơn trong việc nối kết với pin.

Nio là một ví dụ điển hình. Dù hãng xe Trung Quốc này phải vượt qua nhiều khó khăn, họ vẫn đang tiến bước.

Nhanh, nhiều, rẻ

Nio cho thấy công nghiệp xe điện Trung Quốc đã trở thành một trong những ngành tự động hóa mạnh nhất thế giới. Và các hãng xe Mỹ cũng phải mua các robot công nghiệp và công nghệ tự động hóa khác từ những nhà cung cấp Trung Quốc, theo The New York Times.

Ưu thế công nghệ của Trung Quốc thậm chí đã thuyết phục được một số hãng xe châu Âu liên doanh ở nước này, mặc dù vẫn phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu xe nội địa. 

Như Volkswagen (Đức) đã mua 4,99% cổ phần của XPeng, một công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc, với giá 700 triệu USD.

Các hãng ô tô Mỹ và châu Âu trước mối đe dọa từ xe điện Trung Quốc - Ảnh 1.

Nio là ví dụ điển hình cho sự phát triển công nghệ của các hãng xe điện Trung Quốc.

Hồi tháng 4, Volkswagen cũng thông báo sẽ xây dựng một trung tâm phát triển xe 1,1 tỷ USD tại thành phố Hợp Phì (Trung Quốc). Hãng sẽ tuyển dụng 2.000 kỹ sư để làm các công việc trước đó được thực hiện tại trụ sở chính ở Wolfsburg (Đức), cho các xe Volkswagen sản xuất tại Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đang thống trị nhiều thị trường, Mỹ vẫn là thị trường khó khăn. Trước đây, vào năm 2018, chính quyền Trump đã áp thuế 25% lên tất cả loại xe nhập từ Trung Quốc. Và chính quyền Biden vừa tung ra kế hoạch hỗ trợ xe điện nhưng không bao gồm xe từ Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, thị trường ô tô đã bị thu hẹp kể từ năm 2017, chủ yếu do số lượng xe chạy xăng bán ra giảm nhanh hơn so với số lượng xe điện. Nhưng các công ty Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển công nghệ riêng.

Nio đã cho ra mắt các mẫu xe mới và cũng giới thiệu điện thoại di động thương hiệu cùng tên có thể tương tác với chức năng tự động hóa của xe.

Vẫn kiên trì dù thua lỗ

Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, các hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc vẫn kiên trì tiến bước, dù luôn thua lỗ. 

Theo The New York Times, chỉ trong quý hai năm nay, Nio đã mất 835 triệu USD, tương đương 35.000 USD cho mỗi chiếc xe bán ra, vì hãng này chỉ bán được 8.000 xe mỗi tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Dù lợi nhuận vẫn còn xa vời, doanh số bán hàng trung bình hàng tháng của Nio đã tăng lên 18.477 chiếc, từ tháng 7 đến tháng 9 vừa rồi.

Paul Gong, trưởng nhóm nghiên cứu ô tô châu Á tại ngân hàng UBS dự đoán, các hãng xe điện Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 thị trường xe hơi toàn cầu vào năm 2030, với phần lớn tăng trưởng do tăng được 20% lượng bán ra tại châu Âu từ mức 3% hiện tại.

Các hãng ô tô Mỹ và châu Âu trước mối đe dọa từ xe điện Trung Quốc - Ảnh 3.

Các hãng xe điện Trung Quốc được dự đoán chiếm 1/3 thị trường toàn cầu vào năm 2030.

Rõ ràng, trong cuộc đua xe điện, Trung Quốc đang là đối thủ đáng gờm. Và các hãng xe điện đều được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, các hãng sản xuất xe hơi truyền thống ở Mỹ và châu Âu phải đầu tư nhiều để thay đổi và cạnh tranh.

Mức lương ở Trung Quốc thường thấp hơn. Công nhân ngành ô tô ở các thành phố lớn như Thượng Hải kiếm khoảng 30.000 USD mỗi năm, trong khi công nhân ở các thành phố nhỏ thì rẻ hơn.

Trong khi đó, Ford (Mỹ) cho biết công nhân hãng lĩnh trung bình 110.000 USD mỗi năm, kèm theo các khoản lợi ích khác. 

Không những thế, Liên đoàn Lao động Xe hơi Mỹ còn đang đòi tăng lương công nhân xấp xỉ 40% trong vòng bốn năm tới, cùng với một ngày nghỉ hưởng lương mỗi tuần.

Thị trường xe điện đang phát triển nhanh. Trung Quốc lại xây các nhà máy nhanh chóng hơn cho hầu hết các thành phần của xe điện. Vì thế mà xe điện nhiều và giá xe điện nói chung đang giảm xuống cả dưới mức giá của xe chạy bằng xăng.

 Ô tô Âu - Mỹ trước mối đe dọa từ xe điện Trung Quốc (baogiaothong.vn)

Ngọc Trân / Giao thông