Những nhà tổ chức sự kiện võ thuật One Championship đặt mục tiêu trở thành thương hiệu thể thao lớn hàng đầu thế giới, vượt xa MMA và UFC.

One Championship tạo ra một hệ thống các sự kiện, giải đấu võ thuật hàng đầu châu Á. Tuy nhiên các nhà tổ chức lại coi NFL, giải bóng bầu dục số một thế giới, là đối thủ cạnh tranh chứ không phải MMA, UFC. Theo chia sẻ của nhà sáng lập, CEO Chatri Sityodtong, hai thương hiệu lớn trong làng võ thuật của Mỹ chưa đủ tầm để được coi là một hình mẫu mà One Championship hướng đến.

- One Championship vừa ký hợp đồng với mạng truyền hình Turner đầu năm nay để nhảy vào thị trường Mỹ. Điều đó có ý nghĩa gì?

Khi tạo ra One Championship, chúng tôi chỉ tập trung 100% vào thị trường châu Á, nơi mà võ thuật là di sản văn hóa lớn nhất.

Giá trị mà chúng tôi hướng đến là sự ngay thẳng, lòng khiêm tốn, danh dự, sự tôn trọng, can đảm, tính kỷ luật và lòng trắc ẩn. Đó cũng chính là chân giá trị của võ thuật châu Á. Những người hùng truyền cảm hứng ra cả thế giới và những truyền thuyết thôi thúc cả dân tộc theo chân những bậc anh hùng, những câu chuyện về việc vượt qua nghịch cảnh, đói nghèo và bi kịch.

Một số tay đấm Việt Nam đã tham gia giải đấu sự kiện của One Championship. 

Thế rồi chúng tôi nhìn vào các số liệu mạng xã hội và nhận ra rằng mình có một cộng đồng hâm mộ ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu, không chỉ châu Á. Đó là sự cộng hưởng, bất kể địa lý, văn hóa.

Đây là lần đầu tiên một mạng truyền hình lớn của Mỹ mua bản quyền một thương hiệu thể thao châu Á trị giá hàng triệu USD.

Turner đang nắm 4-5 giải đấu thể thao lớn như NBA, Champions League, và cả chúng tôi nữa. Chúng tôi đã vượt qua Champions League về tổng lượng người xem chỉ sau vài tháng phát sóng trên nền tảng này.

Đánh giá các ưu nhược điểm, chúng tôi đã xác định rằng Mỹ là một thị trường tiềm năng đối với One Championship. thể thao Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới cả về tiền bạc lẫn thách thức.

- Ông vừa nhắc đến việc qua mặt Champions League trong danh sách các đối tác của mạng truyền hình Turner. Nhưng One Championship đang đứng ở đâu so với phần còn lại? Dự đoán của ông như thế nào?

Các con số của chúng tôi vẫn nhỏ bé so với tất cả. Tuy nhiên phải nhắc lại là xu hướng phát triển mới là điều quan trọng. Lớn gấp 10 lần hay 30 lần là những gì mà chúng tôi nhìn thấy từ các số liệu. Tôi sẽ phải tổng hợp từ nhiều nguồn để xem số liệu ở thị trường Mỹ là bao nhiêu, nhưng nó vẫn còn nhỏ. Lượng người xem mỗi sự kiện của chúng tôi đang ở mức 1 triệu người ở Mỹ, vẫn nhỏ.

 

- Năm ngoái One Championship đặt mục tiêu lợi nhuận là 100 triệu USD?

Tôi sẽ chỉ nói rằng chúng tôi đang ở khoảng đó và lợi nhuận sẽ tăng thêm với tỉ lệ lên tới hàng trăm phần trăm.

- Quá trình kiếm tiền của One Championship diễn ra đến đâu rồi?

Nhìn vào mô hình kinh doanh của One Championship, chẳng có gì hái ra tiền mà không trải qua bước đầu tiên: phát triển sản phẩm. Bạn phải có một sản phẩm đáng giá không chỉ trên sàn đấu mà còn trên sóng truyền hình. Phải khiến cho mọi người phải kinh ngạc.

Thứ hai, phải là một thương hiệu dẫn đầu, ít nhất phải được xem như số một trong khu vực và lý tưởng nhất là số một thế giới ở loại hình này. Sau đó, bạn cần có khán giả và quy mô.

NFL cso 17 triệu người xem mỗi trận đấu. NBA là 4 triệu người xem. Năm ngoái chúng tôi đạt 20 triệu người xem mỗi sự kiện. Một khi đã có nền tảng như vậy rồi, có nhiều cách để kiếm ra tiền từ đó.

So sánh với ba hay bốn năm trước, khi chúng tôi chỉ có 700 ngàn người theo dõi mỗi lần tổ chức giải, đấy chính là sự mở rộng quy mô khán giả. Quá trình kiếm tiền thực sự, hàng tỷ USD, đang diễn ra ngay lúc này.

 Giải đấu One Championship thu hút hàng tỷ lượt xem trên khắp thế giới.

- Cấu trúc lợi nhuận của One Championship như thế nào?

Hợp đồng tài trợ chiếm tỉ lệ dưới 50% một chút. Bản quyền truyền thông cũng chiếm một tỉ lệ phần trăm có hai chữ số. Một mảng khác của chúng tôi là trò chơi điện tử, sẽ sớm được đưa vào hoạt động.

Nhìn sang Nike, Adidas, Reebok hay Under Armour, họ chi hàng tỷ USD cho việc tiếp thị và tài trợ trang phục cho các vận động viên, để khách hàng của họ cũng sử dụng những món đồ ấy.

Với One Championship, chúng tôi xây dựng được cộng đồng hâm mộ và vận động viên. Vì thế chúng tôi chỉ cần đặt logo One lên một đôi giày hay bộ quần áo thì chẳng có lý do gì mà không cạnh tranh lại Nike, Adidas, Under Armour hay Reebok.

Vậy nên chúng tôi thuê một cựu giám đốc cấp cao của Lazada về làm việc. Mảng thể thao điện tử, chúng tôi sẽ sớm công bố sự kiện đầu tiên trong vài tuần tới. Chúng tôi vừa mới bổ nhiệm một CEO cho mảng này.

- Vì sao ông lại muốn cắt ngang sang eSport?

Vì 80% khán giả của chúng tôi là thế hệ trẻ. Chúng tôi đã làm một nghiên cứu về điều đó. Ở một thị trường như Philippines, 45% fan của chúng tôi là dân chơi game hoặc thích game. Điều đó sẽ giúp miếng bánh của chúng tôi lớn hơn.

Vậy nên chỉ cần thoáng nghĩ đến việc kết hợp 2 loại hình lại với nhau, chúng tôi đã có nền tảng khủng khiếp với những giải đấu đẳng cấp thế giới được phát sóng đi 140 quốc gia. Quá dễ để thêm thắt vào các sản phẩm mà chúng tôi đã có. One đã xây dựng được nền tảng và bây giờ chúng tôi sẽ đặt các sản phẩm của mình vào đó.

- Ông từng nói đến việc sẽ tổ chức 100 sự kiện trong vòng 2 năm tới.

Chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức 80 giải đấu vào năm sau. Đến 2021, tôi tin chắc rằng sẽ vượt qua con số 100 sự kiện. Tất cả chúng được phát sóng ở Mỹ và đó là một bước tiến lớn của chúng tôi.

- One Championship đang ở đâu so với UFC?

Trên phạm vi toàn cầu, chúng tôi đã vượt rất xa so với UFC về số lượng khán giả. Sự kiện ngày 31/3 ở Tokyo, chúng tôi đạt 41,9 triệu người xem. Các sự kiện UFC chỉ nằm đâu đó trong khoảng 1 triệu đến 5 triệu thôi.

Nhưng không phải vì UFC đang sa sút. Họ khai thác không quyết liệt bằng chúng tôi và đó là lý do khiến UFC ít khán giả hơn nhiều so với One Championship.

- Nhưng giá trị thị trường của UFC vẫn cao hơn One.

Đúng. Giá trị thị trường của họ rơi vào khoảng 6-7 tỷ USD.

- Họ vừa được Endeavor mua lại với giá 4 tỷ USD năm 2016. Ông có nghĩ UFC đáng giá chừng ấy?

Tôi nghĩ UFC đáng giá như vậy và sẽ còn lớn hơn rất nhiều trong tương lai.

- Khoảng cách giữa One và UFC bây giờ thì sao? One có lượng người xem nhiều hơn nhưng lợi nhuận lại chưa đạt tới mức như UFC.

Chiến lược tiếp cận của chúng tôi khác họ. Chúng tôi chọn hướng đi như facebook. Miễn phí, tiếp cận nhiều người nhất có thể để xây dựng cộng đồng fan thật lớn. Kế hoạch của chúng tôi là đạt 100 triệu người xem mỗi giải đấu trong vòng 2 năm rưỡi hoặc 3 năm nữa.

- Ông so sánh One với đối thủ nào, nếu không phải UFC?

Đối với chúng tôi, chuẩn mực thực ra là NFL (giải bóng bầu dục Mỹ). NFL trị giá 80 tỷ USD và là thương hiệu thể thao đắt giá nhất thế giới. Chúng tôi coi NFL là đối thủ cạnh tranh.

 

 

 
Chẳng có lý do gì One Championship không thể trở thành thương hiệu 100 tỷ USD.

CEO One Championship, Chatri Sityodtong

 

Chẳng có lý do gì One Championship không thể trở thành thương hiệu 100 tỷ USD. Chúng tôi có ảnh hưởng toàn cầu nên cơ hội sẽ là trên toàn thế giới.

One Championship là sự kết nối toàn bộ giới võ thuật. Đó là lý do vì sao chúng tôi tự gọi là "ngôi nhà của võ thuật". UFC chỉ là một loại - võ thuật tổng hợp.

Một trong những điều khiến tôi tự hào nhất khi sáng lập ra One Championship là trong suốt 8 năm qua chưa từng có một bê bối nào liên quan đến một võ sĩ của chúng tôi trên mặt báo. Lý do duy nhất để họ xuất hiện trên đó là chiến thắng các giải đấu hoặc làm từ thiện.

Đó là niềm tự hào lớn nhất của tôi. Ý nghĩa của One Championship là làm việc tốt khắp mọi nơi, tác động tới hàng tỷ cuộc sống bằng việc khơi dậy hy vọng, sức mạnh, mơ ước và cảm hứng. Thay vì Superman, Spiderman, Batman hay Avengers, chúng tôi có những người hùng thực sự.

Nói thật thì chúng tôi đã đè bẹp UFC ở châu Á. UFC chỉ có 2 sự kiện trong năm nay ở châu Á đúng không? Chúng tôi có tới 45 giải.

Nhưng tôi nghĩ thị trường toàn cầu vẫn đủ chỗ cho cả hai ông lớn. Chúng tôi là thế lực ở phía Đông còn họ ở phương Tây.

Trưởng bộ môn boxing TP HCM ôm tiền trốn?
Nữ hoàng boxing gây sốt với bộ ảnh gợi cảm 2 năm trước giờ ra sao?
Mayweather yêu cầu Khabib đấu theo luật quyền Anh

/ vtc.vn