Tổng thống Vladimir Putin hôm 29/6 cho biết Nga sẽ đáp trả nếu NATO triển khai quân đội và cơ sở hạ tầng ở Phần Lan và Thụy Điển.
- Tổng thống Putin nêu cách thức thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu
- Tổng thống Putin: G7 gây lạm phát toàn cầu, không phải chiến dịch của Nga
- Tổng thống Putin: BRICS phát triển tiền dự trữ toàn cầu mới
- Tổng thống Putin tuyên bố xây dựng quân đội hùng mạnh hơn
"Với Thụy Điển và Phần Lan, chúng tôi không gặp khó khăn như với Ukraine. Họ muốn gia nhập NATO, hãy tiếp tục", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
"Nhưng họ phải hiểu rằng không có mối đe dọa nào trước đây. Giờ đây, nếu các lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng được triển khai ở đó, chúng tôi sẽ phải đáp trả", ông Putin cho biết thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Lãnh đạo Nga nhấn mạnh, khó tránh khỏi khả năng quan hệ giữa Moskva với Helsinki và Stockholm sẽ trở nên xấu hơn vì tư cách thành viên NATO của họ.
“Mọi thứ giữa chúng tôi vẫn ổn, nhưng bây giờ có thể có một số căng thẳng, chắc chắn sẽ có. Đó là điều không thể tránh khỏi nếu có một mối đe dọa đối với chúng tôi", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Vladimir Putin đưa ra bình luận của mình một ngày sau khi thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ "bật đèn xanh" cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Động thái này có nghĩa là Helsinki và Stockholm có thể tiến hành đơn xin gia nhập NATO, đánh dấu sự thay đổi lớn nhất về an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Ông Putin cũng cho hay, mục tiêu hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vẫn không thay đổi, đó là "giải phóng" khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine và tạo điều kiện để đảm bảo an ninh của Nga.
Theo ông Putin, quân đội Nga đã tiến vào Ukraine và cuộc can thiệp quân sự diễn ra theo đúng kế hoạch. Ông cũng nói rằng không cần thiết phải đặt ra thời hạn để kết thúc chiến dịch.
Hôm 29/6, lãnh đạo các nước NATO chính thức mời Thụy Điển, Phần Lan gia nhập liên minh tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha. NATO cho rằng “an ninh của các nước Bắc Âu có tầm quan trọng trực tiếp đối với liên minh”.
Phần Lan và Thụy Điển hôm 15/5 nộp đơn xin gia nhập NATO. Hồ sơ đăng ký trở thành thành viên của họ đã được Washington và các đồng minh NATO châu Âu hoan nghênh, song Thổ Nhĩ Kỳ liên tục dọa sẽ bác đơn trừ khi các mối quan ngại về an ninh của họ được giải quyết.