Chính sách ngoại giao không nhất quán của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến mọi đồng minh của Washington lo sợ bị "cho ra rìa" giống như người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cây bút bình luận Edward Lucas viết trên tờ The Times rằng, có lẽ người Kurd nên đặt tên con đường tới Raqqa thành "Cao tốc Trump" hoặc dịch cuốn "Nghệ thuật đàm phán" sang ngôn ngữ của họ.
Sự 'khéo lời' dường như đang phát huy hiệu quả với Ba Lan, nước gần như là đồng minh duy nhất của Washington đang nhận được sự ưu ái của chính quyền ông Trump. Hơn 5.000 binh sĩ Mỹ dự kiến sẽ sớm đến Ba Lan đồn trú, kể cả một căn cứ mà Warsaw khôn ngoan đặt biệt danh là Pháo đài Trump.
Việc ông Trump đột ngột quyết định rút quân Mỹ khỏi miền bắc Syria, bỏ rơi các đồng minh người Kurd khiến dư luận sốc nặng. Ảnh: American Herald Tribune |
Sự tâng bốc, chứ không phải sự trung thành, đang thịnh hành đối với các đồng minh Mỹ. Những hy sinh trong quá khứ không được tính. Lực lượng phòng thủ Syria, vốn chủ yếu là người Kurd, đã mất khoảng 11.000 tay súng khi sát cánh cùng quân Mỹ (thiệt mạng 5 người) trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại thờ ơ với điều này và thay vào đó đưa ra lời quở trách vô nghĩa rằng người Kurd đã không tham gia vào các cuộc đổ bộ Normandy. (Trên thực tế, 8.000 lính người Kurd đã tham gia cuộc chiến, chủ yếu giúp phá vỡ các kế hoạch của Đức quốc xã ở Iraq. Một số sau đó phục vụ ở Albania, Hy Lạp và Italia).
Các tính toán chiến lược cũng không giúp ích nhiều. Một lượng nhỏ binh lính Mỹ bảo vệ khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria không tốn nhiều chi phí. Sự hiện diện của họ không giải quyết được vấn đề của quốc gia Trung Đông này nhưng ngăn nó trở nên tồi tệ hơn. Ngay cả những người bảo vệ ông Trump mạnh mẽ nhất cũng chật vật tìm cách biện minh cho quyết định rút quân đột ngột, được ông công bố trong một cuộc điện thoại vào đêm khuya, không chuẩn bị trước với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Theo nhà bình luận Lucas, một tấm áp phích tuyên truyền thời chiến có in dòng chữ, cuộc nói chuyện bất cẩn phải trả giá bằng các mạng sống, đáng lẽ nên treo trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.
Nói một cách công bằng, việc rút lính Mỹ khỏi các cuộc chiến "không hồi kết" ở nước ngoài là một cam kết hồi còn vận động tranh cử của ông Trump. Ông cam đoan với những người ủng hộ rằng Mỹ đã giành được chiến thắng. Song, khi lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, vốn từng là đồng minh trung thành và hiệu quả nhất của Mỹ trong khu vực, bị Thổ Nhĩ Kỳ vùi dập và phải rút lui, IS và al-Qaeda có thể tái tập hợp.
Tồi tệ hơn, các bạn bè cũng như kẻ thù sẽ không quên sự phản bội người Kurd. Tại sao các đồng minh hiện phải tin tưởng Mỹ? Sẽ chẳng ích gì nếu ai đó từng đổ máu trong các cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan hay Iraq xa xôi. Tổng thống Trump không quan tâm đến những gì người ta đã làm cho ông trước đây, mà chỉ chú trọng đến hiện tại.
Một suy đoán lạc quan từ hiện trạng này là, ông Trump sẽ không phạm cùng một sai lầm lần thứ hai. Nhiều cố vấn an ninh quốc gia diều hâu của Mỹ tỏ vẻ kinh ngạc trước quyết định của tổng thống. Với nguy cơ bị luận tội ngày càng lớn, ông có thể không đủ khả năng chống chọi với việc mất thêm các đồng minh trên Đồi Capitol, bằng cách ngược đãi các đồng minh ở nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền của ông dường như "giỏi" việc lặp lại các sai lầm.
Một quan điểm hoài nghi hơn là, người Kurd có thể là đối tượng bị hy sinh. Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông ngày càng giảm dần do sự bùng nổ của đá phiến, vốn cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu nhập khẩu. Việc chống khủng bố đã bị loại khỏi chương trình nghị sự. Cạnh tranh quyền lực hiện là trung tâm chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump.
Bất chấp mối quan hệ cá nhân kỳ lạ giữa ông Trump với Tổng thống Nga Putin, Nhà Trắng vẫn tỏ thái độ hiếu chiến đối với Điện Kremlin và cả Quốc hội Mỹ. Đối với Washington, 30 triệu người Kurd, vốn không được nước nào công nhận là công dân, bị cô lập, được trang bị vũ khí hạng nhẹ và gắn liền với nhóm khủng bố PKK, không ngang hàng với các quốc gia thực sự. Hơn nữa, sự can dự của Mỹ vào Syria luôn nửa vời và tạm thời. Nó không thể sánh bằng các nghĩa vụ hiệp ước long trọng, hàng thập kỷ ràng buộc các quốc gia thành viên thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Người Kurd cũng có thể được an ủi rằng họ không phải hứng chịu sự đối xử bầm dập ông Trump đã dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh trọng yếu, lâu năm của Mỹ ở châu Á. Đối sách ngoại giao cá nhân thất thường của ông Trump với các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc đã nhiều lần gây bất ngờ, thậm chí được tin là xúc phạm các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo và Seoul. Người châu Âu có thể dễ dàng là những đối tượng tiếp theo của cách đối xử này.
Điểm mấu chốt cho tất cả các quốc gia dựa vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ là, việc thuê ngoài quốc phòng đối với Washington tốn kém và rủi ro hơn bề ngoài. Hành vi của Tổng thống Trump có thể liều lĩnh và lời nói của ông không nhất quán nhưng chúng phản ánh sự bất mãn của ông đối với vai trò "cảnh sát thế giới" không được đáp đền của Mỹ.
Những người đóng thuế ở Mỹ từ lâu đã tự hỏi tại sao châu Âu, vốn tính cộng gộp rộng lớn hơn và giàu có hơn Mỹ, lại không thể chi trả phí tổn và chấp nhận rủi ro liên quan đến việc xử lý khủng hoảng tại khu vực lân cận. Các đồng minh, vốn được 'nuông chiều' quá lâu, sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng, chấp nhận rủi ro và sẵn sàng cho hợp tác đổi mới, phá bỏ những cấm kỵ.
Bất cứ ai tin việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) sẽ cho phép nước này thoát khỏi sự liên can đến các chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng của châu Âu sẽ có suy nghĩ khác. Khi việc tham gia và sự đáng tin của Mỹ giảm sút, các nước châu Âu không còn cách nào khác là phải làm nhiều hơn và cùng nhau làm điều đó.
Tiền vẫn có tiếng nói. Ba Lan đã đề nghị đóng góp 2 tỷ USD trang trải chi phí cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại nước này. Ông Trump đã triển khai gần 3.000 lính Mỹ tới Ảrập Xêút, vui vẻ chỉ ra rằng nước này đã đáp ứng yêu cầu của ông về "thanh toán cho mọi thứ chúng tôi đang làm". Cựu Tổng thống Estonia Toomas Ilves tự hỏi liệu Lầu Năm góc sẽ công bố bảng giá để ít nhất nước này biết họ đang đứng ở đâu trong lòng chính quyền Trump.
Sự gắn kết chính sách đối ngoại của Mỹ hiện phụ thuộc vào các câu trả lời cho 3 câu hỏi hóc búa. Liệu Mỹ đang bị đe dọa lợi ích thiết yếu nào đó? Đâu là những lợi ích trực tiếp của nó đối với ông Trump? và Liệu bất kỳ điều gì trong số này sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự?
Trong khi chưa có câu trả lời thỏa đáng, các đồng minh của Mỹ có thể phải sẵn sàng với việc bị chính quyền Trump cho ra rìa bất kỳ khi nào.
Tuấn Anh
Cuộc rút lui như tháo chạy của lính Mỹ ở Syria 1.000 đặc nhiệm Mỹ hối hả rời bỏ các vị trí tại đông bắc Syria, khi lực lượng quân sự nhiều bên nhanh chóng áp ... |
Rút khỏi miền Bắc Syria, Mỹ “nhường” chiến trường lại cho Nga? Theo Newsweek, với việc rút các lực lượng khỏi miền Bắc Syria, Mỹ sẽ “nhường” chiến trường lại cho Nga trong bối cảnh Thổ Nhĩ ... |