Những ngày này, thế giới lại chao đảo bởi cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas. Palestine, mảnh đất đau thương và chứa đựng nhiều bi kịch bậc nhất thế giới. Nhân dịp này, thoimoi.vn xin giới thiệu lại phóng sự “Nơi ô liu có màu máu” của Nhà báo Nguyễn Như Phong đã đăng tải trên báo Năng lượng Mới năm 2011.
Bài 1- Năm ngày bị “cầm tù” ở khách sạn 5 sao
Tôi được biết ngài Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine ở Việt Nam chưa lâu. Qua vài lần đàm đạo, điều mà tôi kính nể nhất ở Salama là sự thông minh sắc sảo, ý chí kiên định về mục tiêu giành độc lập cho Tổ quốc và đặc biệt là khả năng sử dụng tiếng Việt. Saadi không những nói tiếng Việt giỏi, sửa văn bản tiếng Việt không sai một dấu “phẩy”, mà còn hiểu biết đến “ngóc ngách” của tiếng Việt, kể cả những từ mang tính uyển ngữ. Có lẽ vì Saadi đã học khoa Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi lấy vợ là người Việt Nam, những cái đó cộng với khả năng trời phú về ngôn ngữ và vốn văn hóa phong phú nên ông đã sử dụng tiếng Việt giỏi như một nhạc công sử dụng cây đàn của mình.
Trong những buổi gặp, tôi thú thực với Saadi là tôi chẳng hiểu biết chút nào về Palestine cả, ngoài những thông tin rằng, Palestine đang sống khốn khổ dưới ách chiếm đóng của Israel; rằng người Palestine đang trở thành dân tộc lưu vong đông đảo vào bậc nhất thế giới với hơn 8 triệu người đang lang bạt ở khắp các châu lục từ sau ngày 15-5-1947. Đó là ngày Israel được sự hỗ trợ của Anh và Liên Hiệp Quốc, đã thành lập Nhà nước Do Thái trên lãnh thổ người Palestine sống từ hơn… 10 ngàn năm trước. Ngày lập nước của Israel thì được Palestine lấy đó làm ngày Nakba (Ngày Thảm họa). Suốt mấy chục năm nay, người Palestine dưới sự lãnh đạo của người Anh hùng dân tộc Arafat đã bền bỉ đấu tranh và hy sinh xương máu để đòi quyền độc lập… Tôi cũng chỉ biết thêm rằng, Palestine là xứ sở của cây ô liu, một loại cây cho quả để lấy dầu, có màu xanh biêng biếc. Loại dầu đó, nghe nói là quý lắm vì ăn nó, hạn chế được bệnh tim mạch, chống béo phì… Người Việt Nam cũng mới biết ăn dầu và quả ô liu muối từ mấy năm nay. Chả biết hiệu quả chống béo thế nào, chứ tôi thấy đàn ông, đàn bà khu vực Arập đa phần là béo nung núc… Đại khái là sự hiểu biết của tôi về quê hương Saadi chỉ lờ mờ có vậy.
Saadi hứa với tôi rằng, ông sẽ cố tạo điều kiện để cho tôi sang Palestine một chuyến. Tuy nhiên, ông cũng chẳng giấu giếm và nói là rất không đơn giản bởi những thủ tục của phía Israel. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ là: Có quái gì cái chuyện thủ tục cho mấy gã nhà báo đi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”… Nhưng rồi tôi đã nhầm.
Mặc dù Saadi đã hứa chắc như đinh đóng cột như vậy, nhưng tôi vẫn không tin bởi tôi biết rằng, về phía Israel thường hay khó dễ cho những người muốn vào Palestine theo lời mời của Chính phủ Nhà nước Palestine như thế nào.
Thế rồi, thời gian cứ trôi đi, mãi đến gần 6 tháng sau - một ngày đầu tháng 5, Saadi gọi điện và vui vẻ khoe với chúng tôi rằng, thủ tục lo cho chúng tôi vào Palestine đã xong. Đúng là một tin vui bất ngờ!
Hóa ra, năm nay vào ngày 15-5 Nhà nước Palestine sẽ tổ chức kỷ niệm ngày Nakba - Ngày Thảm họa của dân tộc mình (Nakba). Một trong những hoạt động của kỷ niệm là tổ chức giải bóng đá quốc tế gồm 14 đội ở châu Phi, châu Âu và khu vực Arập tham gia. Như vậy chúng tôi sẽ được mời vào Palestine với tư cách là phóng viên đi theo dõi giải bóng đá. Thôi thì, muốn đi kiểu nào cũng được, miễn là được vào Palestine.
Những thủ tục gấp rút được tiến hành và chúng tôi nhận được lời hứa của đại sứ rằng, chúng tôi sẽ có visa vào Palestine ngay khi đặt chân lên Jordan. Ngày 10-5, tôi cùng hai phóng viên của VietNamNet và đó cũng là hai người bạn của Đại sứ Saadi lên đường.
Trải qua hơn một ngày bay trên trời và chờ dưới đất, chúng tôi đã đến được Jordan. Ngay khi phút đầu tiên tới cửa khẩu sân bay làm thủ tục nhập cảnh vào Jordan, chúng tôi đã gặp khó khăn. Chuyện cũng chẳng có gì to tát nhưng do lề lối làm ăn của phía an ninh cửa khẩu. Hóa ra Đại sứ Palestine tại Jordan đã làm thủ tục xin visa cho chúng tôi tại cửa khẩu, nhưng chẳng hiểu thế nào nhân viên an ninh cửa khẩu lại không đưa quyết định vào máy tính. Và thế là khi vào cửa khẩu, tôi – dùng hộ chiếu công vụ thì được nhập cảnh ngay, còn hai phóng viên của VietNamNet thì bị giữ lại. Thật khốn khổ cho tôi, một nửa chữ tiếng Anh cũng không biết, bây giờ phải xa hai người bạn, thật không biết xoay xỏa thế nào. Rồi họ đưa thẳng tôi về khách sạn Bristol và ở đó, tôi phải chờ đợi.Tới khách sạn, nhận phòng xong, tất cả mọi thứ đã yên nhưng lòng tôi vẫn nóng như lửa đốt do chưa biết tình trạng của hai anh bạn bên VietNamNet ra sao. Thế rồi, chưa kịp nghỉ ngơi thì một anh chàng gõ cửa, nói bằng tiếng Arập liến thoắng, tôi chẳng hiểu gì cả. Sau đó anh ta lại nói tiếng Anh, tôi cũng chẳng hiểu và cuối cùng anh ta nói một chữ “A e ro pot” rồi giơ tay, ra hiệu như máy bay cất cánh lên trời, nhưng điệu bộ anh ta và nghe câu “A e ro pot” tôi rụng rời và nghĩ rằng hai anh bạn ở VietNamNet đã bị “tống cổ” về rồi. Cái dấu hiệu bằng tay như thế được tôi hiểu là ở sân bay và bay lên trời. Tìm người biết tiếng Pháp thì không có. Thật đúng là không còn hoàn cảnh nào chớ trêu hơn thế nữa và anh ta ra hiệu cho tôi thu dọn hành lý đi theo anh ta ra sân bay. Nhưng tới sân bay, tôi thấy Quỳnh và Duy là hai phóng viên của VietNamNet đang đứng tươi cười hớn hở. Hỏi ra thì mới biết họ đã nhập cảnh sau khi họ tìm thấy nhân viên giữ bộ hồ sơ mà Sứ quán Jordan đã lập từ trước.
Chúng tôi trở về khách sạn và lúc này Quỳnh mới buồn rầu thông báo cho chúng tôi biết rằng, Đại sứ Saadi thông báo phía Israel vẫn chưa đồng ý cho chúng tôi nhập cảnh. Theo Saadi cho biết thì thái độ của họ là trả lời bằng sự im lặng hoặc bằng câu “đang chờ giải quyết”.
Cách nói đó đúng là giọng của kẻ có quyền.
Chúng tôi trở về khách sạn, thế rồi không biết làm gì nữa, hôm sau chúng tôi kéo nhau đi đến một nơi nổi tiếng của Jordan, đó là khu du lịch Petra. Petra là vương quốc đã bị mất. Từ hơn 2000 năm trước, người dân bộ lạc ở khu vực này đã dựng nên một vương quốc, cung điện và đền đài của họ được tạc trong hang động. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, vương quốc đó đã biến thành phế tích và chứa đựng nhiều huyền thoại.
Petra, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đá” và khu vực di tích nằm trong một thung lũng lớn chạy từ Biển Chết với Vịnh Aqaba ở phía tây Jordan. Khu vực này từng là cố đô của tộc người Nabattaean với những công trình điện, đền, nhà hát được tạc trên vách núi. Nhưng vương quốc này đã bị hủy diệt bởi ba trận động đất lớn và biến mất trong lịch sử. Mãi đến năm 1812, một nhà thám hiểm người Thụy Sĩ mới phát hiện ra khu vực này. Năm 1985, khu khảo cổ được công nhận là di sản thế giới của UNESCO.
Từ thủ đô Amman của Jordan tới khu Petra khoảng 270km, nhưng đường sá rất tốt nên xe chạy chỉ hết có 3giờ đồng hồ. Vé vào khu du lịch cực kỳ đắt, hơn 70USD một người và ở đây tôi mới thấm thía rằng, tại sao du lịch Việt Nam lại không thu hút được khách đến nhiều và vì sao du khách tới Việt Nam “một đi, không trở lại”. Vé vào khu du lịch đắt như vậy nhưng ngày nào cũng có hàng nghìn du khách nước ngoài tới đây. Khu du lịch trải rộng trên một vùng rừng núi hoang vu, không một bóng cây. Đi từ đầu đến cuối cùng hết khoảng 5km và phải leo núi. Người yếu sức thì thường phải thuê ngựa hoặc thuê con la của người dân địa phương để dắt leo lên đỉnh núi. Nhiều đoạn dốc ngược lên, leo mươi bước đã thấy tức ngực. Ở đây không có cảnh người du lịch bị đám trẻ con hoặc dân bản xứ bám theo trèo kéo mua bán. Khu du lịch nằm giữa vùng núi hoang vu như thế nhưng sạch vô cùng. Cứ một đoạn lại thấy có những người công nhân cần mẫn nhặt từng mẩu rác bỏ vào thùng. Những người dân bản địa ở đây đưa khách đi du lịch với thái độ hết sức hồ hởi, vui vẻ. Họ sẵn sàng kể cho du khách nghe những câu chuyện về cha ông, dòng tộc, tổ tiên mình. Đến khu vực khảo cổ, tôi kinh ngạc và tự hỏi không hiểu làm sao cách đây hơn 2000 năm những nhà kiến trúc đã làm thế nào để tạc những cung điện, đền đài vào vách núi và không hiểu những hang động ở bên trong vách núi rộng như thế nào bởi bây giờ họ không cho ai vào; và ở trong đó người dân đã sinh sống ra làm sao. Và cũng không thể hiểu được rằng vào thời cổ đại đấy, trong những hang núi như thế, người dân sống thế nào?
Chúng tôi thuê 3 con la để đi, người dẫn đường cho chúng tôi là người đàn ông trung niên khoảng hơn 50 tuổi, ông có hai vợ và chín đứa con. Ông kể cho chúng tôi nghe rằng, cách đây 20 năm ông vẫn sống ở trong hang như vậy, gần đây Chính phủ Jordan biến khu này thành khu du lịch, cho nên những người dân được chuyển đi chỗ khác. Tôi đã đi vùng cao nguyên đá Đồng Văn, đã chứng kiến nhiều đồi núi điệp trùng ở vùng Tây Bắc, nhưng không ở đâu lại có khung cảnh núi đá lạ lùng như ở đây. Núi ở đây không cao lắm, chỉ có một màu nâu xám. Hầu như rất hiếm cây cỏ trên đỉnh núi. Ở dưới thung lũng sâu chỉ thấy một thứ sống được ở đây đó là những bụi hoa trúc đào đang nở hoa đỏ cháy. Nói là đi du lịch, thăm thú một khu nổi tiếng như vậy nhưng trong lòng chúng tôi bất an vì không biết lúc nào sẽ được nhập cảnh trong khi thời gian cứ trôi đi mà tin tức về tình hình Israel và Palestine ngày càng dồn dập. Hơn 100 quốc gia đã lên tiếng đòi phải thành lập Nhà nước Palestine, ủng hộ việc thành lập một nhà nước độc lập. Tổng thống Mỹ Brack Obama cũng đã bật tín hiệu về việc cần phải có một Nhà nước Palestine độc lập và chung sống hòa bình với một Nhà nước Do Thái. Rồi ở Palestine, phái Fata và phái Hamas cũng đã dẹp bỏ những mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm trước đó để hợp tác với nhau thành lập một chính phủ nhưng phía Israel vẫn kiên quyết không đồng ý. Và ngay trong những ngày chúng tôi còn đang ăn trực, nằm chờ ở khách sạn 5 sao mà hệt như người bị cầm tù thì ở biên giới giữa Palestine với Syria, với Libon, với Jordan và ngay sát thủ đô Ramadan những cuộc đụng độ xảy ra liên tiếp. 13 người Palestine đã chết trong những cuộc đụng độ tại đó. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy mà chúng tôi phải ở đây thì thật quá ở tù. Quả thực trong đời làm báo của tôi, chưa bao giờ tôi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế này. Ở một khách sạn 5 sao sang trọng, ăn uống quá ư là đầy đủ, nhưng choán hết trong tâm trạng chúng tôi đó là sự lo lắng, buồn phiền. Mỗi giờ qua đi là nỗi thất vọng lại tăng lên. Cho tới ngày 18, không còn chịu nổi nữa, chúng tôi quyết định đổi vé máy bay trở về nước. Có nhiều chuyện cười ra nước mắt, ấy là trong cơn tuyệt vọng chúng tôi đâm ra mê tín... và lập quẻ dịch, tung đồng xu, xem ngày tốt, ngày xấu.
Cũng trong những ngày này, đoàn nhà báo Việt Nam lại có thêm hai người nữa, đó là ông Nguyễn Ngọc Hùng và phóng viên Mỹ Hạnh của báo Quân đội Nhân dân.
Ông Hùng là người đã học tiếng Arập tại Ai Cập và Iraq từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Mấy chục năm nay, ông chuyên nghiên cứu về Trung Đông và là bạn hữu với nhiều vị đại sứ của các quốc gia này. Chính nhờ có ông mà tôi đã được mở tầm mắt về thế giới Arập và đặc biệt là về tình hình Palestine và Israel. Ông khẳng định ngay là Israel sẽ chỉ cho đoàn phóng viên Việt Nam vào Palestine khi nào hết sự kiện “Ngày Thảm họa”. Và cũng tại “nhà tù” 5 sao này, chúng tôi cũng được chứng kiến thêm cảnh gần 30 nhà báo của các nước Arập cũng đến đây ăn chực nằm chờ vào Palestine.
Trang tin Năng lượng Mới điện tử | Trang tin Năng lượng Mới điện tử (petrotimes.vn)