Chính sách cho phạm nhân giảm 30 ngày tù giam nếu phẫu thuật triệt sản hoặc ngừa thai bị nhiều ý kiến phản đối. 

CNN đưa tin, ngày 15/5/2017, một thẩm phán ở hạt White, bang Tennessee,Mỹ đã phê chuẩn chính sách mới áp dụng cho tù nhân. Theo đó để được giảm 30 ngày tù, phạm nhân nam có thể chọn phẫu thuật triệt sản, còn phạm nhân nữ có thể cấy ghép thiết bị kiểm soát sinh sản.

Mục đích ban đầu của chương trình này là nhằm giúp đỡ phạm nhân nữ có nguy cơ cao sinh ra con bị nghiện ma túy bẩm sinh. Để tránh bị xem là phân biệt đối xử về giới, chương trình này mở rộng cho cả nam giới. Nhưng vì phẫu thuật thắt ống dẫn tinh ở nam giới có tính chất lâu dài và khó đảo ngược nên phạm nhân nam phải đủ 21 tuổi và trải qua khoảng thời gian chờ 30 ngày trước khi thực hiện. Cục Y tế Tennessee nhận thực hiện miễn phí.

Thẩm phán Sam Benning cho biết ý định của ông khi phê chuẩn chương trình để khuyến khích người nghiện ma túy không nên có thêm con khi không đủ khả năng nuôi dưỡng, từ đó giảm bớt gánh nặng khi mới ra tù, giúp ổn định cuộc sống. Vốn là thẩm phán tòa án vị thành niên, ông nhận ra nhiều phạm nhân nữ thường có con bị nghiện ma túy bẩm sinh dẫn tới pháp luật buộc phải cách ly mẹ con. Tương tự, phạm nhân nam khi làm cha đã không hoàn thành trách nhiệm trợ cấp, nuôi dưỡng.

Chương trình triệt sản vấp phải sự phản đối mãnh liệt của nhiều cá nhân và tổ chức. Bryant Dunaway - công tố viên quận Tennessee - nhận định chương trình này không thỏa mãn yêu cầu về tính hợp pháp, đồng thời có thể khiến người khác nhầm tưởng nhà nước cố ý xen vào vấn đề nội bộ gia đình.

Nhiều người còn cho rằng chương trình này mang hơi hướng của phong trào ưu sinh thịnh hành vào đầu thế kỷ 20. Mục đích của phong trào này là để loại bỏ những người bị cho là thấp kém khỏi xã hội bằng cách triệt sản bắt buộc. Chủ nghĩa ưu sinh cũng là một phần trong hệ thống tư tưởng của phát xít Đức.

Hedy Weinberg, giám đốc điều hành của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ đánh giá chương trình của thẩm phán Sam Benningfield có thể coi là việc nhà nước đang bắt người dân không được sinh đẻ. Với người đang phải chấp hành hình phạt tù, cho họ chọn giữa việc giảm án và triệt sản/ngừa thai không phải là lựa chọn thực sự, vi phạm vào quyền hiến định của cá nhân.

pham nhan my duoc giam an neu dang ky triet san
Quy định giảm án nếu triệt sản có thể xâm phạm quyền hiến định của tù nhân.

Cục Y tế Tennessee cũng quay lưng với chương trình này và cho biết sẽ không tiếp tục thực hiện phẫu thuật triệt sản/ngừa thai miễn phí cho tù nhân đang chấp hành hình phạt tù.

Trước sự phản đối, ngày 26/7/2017, thẩm phán Sam Benningfield ký lệnh bãi bỏ chương trình triệt sản cho tù nhân. Tuy vậy, lệnh bãi bỏ vẫn giảm 30 ngày tù cho những tù nhân đã phẫu thuật hoặc đã đăng ký vì cho rằng họ thể hiện mong muốn cải thiện cuộc sống của mình và có hành động nghiêm túc để thực hiện công tác tái hòa nhập.

Từ khi chương trình được phê chuẩn tới khi bị bãi bỏ, hơn 32 phạm nhân nữ đã trải qua phẫu thuật ngừa thai có hiệu quả tạm thời trong 3 năm. Số lượng phạm nhân nam đăng ký cũng tương đương với nữ giới, 38 người, nhưng chưa ai thực hiện phẫu thuật thắt ống dẫn tinh.

Hội đồng Hành xử Tư pháp Tennessee nhận xét mặc dù mục đích của vị thẩm phán muốn phòng ngừa phạm nhân sinh ra những đứa trẻ nghiện ma túy bẩm sinh là đáng quý, nhưng khi ấy ông đã không nhận ra sự bất hợp lý của chương trình này ở chỗ nó có khả năng ép buộc tù nhân tham gia phẫu thuật khiến họ bị mất khả năng sinh sản tạm thời.

Ngày 15/11/2017, Hội đồng Hành xử Tư pháp Tennessee ra quyết định phê bình công khai với thẩm phán Sam Benningfield, cho rằng ông đã không tuân thủ pháp luật và có hành động làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

pham nhan my duoc giam an neu dang ky triet san Các cấp độ an ninh tại nhà tù ở Mỹ

Nhà tù ở Mỹ được phân ra năm loại hình chính, tùy theo mức độ an ninh và chức năng, nhiệm vụ.

/ VnExpress