Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “ghìm cương” tạm thời được giá vàng, song nhiều ý kiến cho rằng giải pháp chỉ mới “chữa” được phần ngọn, quan trọng nhất vẫn là sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vốn đã lỗi thời.

Lôi “nhà cái” làm giá ra ánh sáng

Trong thời gian qua, những “cơn bão giá vàng” được nhận định là do có bàn tay của một số nhóm đầu cơ muốn nương theo sóng vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi. “Đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là chúng ta không có những sàn vàng tập trung, minh bạch, mà chủ yếu là các tiệm vàng. Mức giá mua và giá bán do các tiệm vàng ấn định. Điều đó sẽ tạo ra những Market maker (nhà tạo lập thị trường). Người dân mua, bán vàng chỉ là người chấp nhận giá chứ không phải là người quyết định giá. Mặc dù vậy, các tiệm vàng khác nhau nhưng lại có những mức giá tương đối là bằng nhau, có chênh lệch không đáng kể”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định.

Theo TS Huân, sở dĩ như vậy là do giá trên thị trường đã được các “chành vàng sỉ” hay còn gọi là “nhà cái” ấn định cho các tiệm vàng, cũng chính là nhóm đầu cơ và có khả năng lũng đoạn thị trường. Đáng chú ý, những “nhà cái” này đã tồn tại lâu đời, chi phối toàn bộ thị trường vàng (bao gồm vàng nhẫn) trước khi Nghị định 24/24/2012/NĐ-CP ra đời ngày 3/4/2012.

_dsc8533_1.jpg -0
Cần phân rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành để quản lý hiệu quả thị trường vàng. Ảnh minh họa: CTV.

“Về bản chất thị trường vàng Việt Nam, đặc biệt là thị trường khu vực miền Nam, các tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ mua từ các "chành vàng" sỉ. Những "chành vàng" sỉ này sẽ là người đưa ra mức giá cho các tiệm vàng nhỏ lẻ giao dịch. Thuật ngữ trong dân kinh doanh vàng gọi là "giá bóng". "Giá bóng" tức là mức giá mà các chành sỉ này bán hoặc mua từ các tiệm vàng nhỏ lẻ", TS Huân giải thích thêm.

Có cùng nhận định, TS Phạm Xuân Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam nhận định những “nhà cái” này nắm giữ một lượng lớn vàng được nhập lậu qua biên giới nên có khả năng lũng đoạn cả thị trường vàng, khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng nóng như thời gian vừa qua. Ông Hoè đánh giá vừa qua NHNN đã thành công bước đầu trong việc bình ổn thị trường vàng, giảm chênh lệch đáng kể giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhờ phương án bán vàng trực tiếp tới người dân qua 5 đơn vị kinh tế do Nhà nước chi phối vốn. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo một số dấu hiệu cho thấy các “nhà cái” đang tìm mọi cách phá hoại việc bình ổn thị trường, chính là hiện tượng thuê người xếp hàng mua vàng; thuê người đăng ký mua vàng trực tuyến từ 5 đơn vị tham gia bình ổn thị trường nói trên.

“Đã xuất hiện tình trạng xếp hàng mua vàng thuê hay tình trạng các cửa hàng vàng lớn không có vàng để bán. Nghĩa là vẫn đang xuất hiện tình trạng cố tình găm hàng chờ NHNN ngừng bán vàng bình ổn sẽ lại tiếp tục tạo sóng thị trường, giá vàng trong nước lại tăng lên. Chúng ta cần phải nghĩ đến tình huống đó và có những giải pháp toàn diện”, ông Hoè nói.

Từ góc độ thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, đồng tình rằng, những “cơn bão giá vàng” đã qua có bàn tay của một số nhóm đầu cơ muốn nương theo sóng vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi. Vì thế, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, Chính phủ cần có đề án tổng thể, phân rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ ngành; đưa ra cơ chế phối hợp hiệu quả để tiến tới định danh vàng, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu vàng. Đồng thời, đưa những “nhà cái” nói trên “lộ sáng" thì thị trường vàng mới có thể ổn định, bền vững.

Sớm xóa bỏ độc quyền vàng

Câu chuyện quản lý thị trường vàng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà kinh tế. Song, có thể thấy điểm chung đó là việc quản lý thị trường vàng rất cần nhiều mảnh ghép quản lý khác nhau và việc sửa Nghị định 24 tới đây cũng cần làm rõ việc phân vai và cơ chế phối hợp giữa các bộ/ngành khi quản lý thị trường vàng. Nhưng điều đầu tiên cần phải làm, đó là xóa bỏ thương hiệu vàng SJC của Nhà nước.

on-dinh-thi-truong-vang-mieng.jpg -0
Các chuyên gia đề nghị thêm hình thức kinh doanh sàn vàng. Ảnh minh họa.

“Hiện tại, không nên tiếp tục giữ những cơ chế độc quyền vàng. Bản chất đã là vàng 99,99 thì mọi doanh nghiệp đều như nhau. Chỉ cần Cục Đo lường chất lượng Việt Nam có giám định và công nhận rằng thương hiệu vàng có đúng nguyên chất hay không là được”, ông Phạm Xuân Hòe đề xuất.

Riêng về phân vai các đơn vị quản lý, cần phân định rõ ràng giữa vàng hàng hóa và vàng dự trữ để từ đó có biện pháp đánh thuế hoặc quản lý hợp lý. “Vấn đề quan trọng nữa là tính công khai minh bạch trong mua bán vàng và đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Một điều rất đáng lo ngại là một khi thị trường vàng trong nước bùng lên, Nhà nước chưa kịp can thiệp đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng về Việt Nam bán lại cho các tiệm vàng. Đây chính là những đối tượng nắm giữ lượng vàng rất lớn, điều tiết giá, giật dây thị trường. Như vậy cần có những biện pháp đồng bộ để chiến đấu chống lại những lực lượng này”, ông Hòe nói.

Ngoài ra, Chính phủ phải tạo ra được một môi trường kinh doanh đầy thuận lợi để người dân có tiền, sẵn sàng bỏ ra kinh doanh thay vì dự trữ vàng, đồng thời cần tính đến xây dựng các sàn vàng để có thể điều tiết rồi quản lý thị trường. “Nhu cầu người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tham gia vàng vật chất mà còn muốn kinh doanh trên các sàn vàng trạng thái. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều các quốc gia công nhận sàn vàng trạng thái còn Việt Nam thì hoàn toàn không có dẫn tới những hoạt động lừa đảo từ đối tác từ nước ngoài hay thậm chí cả ở Việt Nam cũng lôi kéo nhau kinh doanh trên sàn vàng trạng thái đó. Nếu không sớm có cơ chế quản lý thì sẽ có thêm nhiều người dân bị mất tiền vào các ứng dụng hoặc những sàn trạng thái đấy. Điều đó gây nguy hiểm cho nền kinh tế và làm tăng tình trạng tội phạm lừa đảo”, LS Trần Thanh Hà (Công ty Luật SB Law) góp ý.

https://cand.com.vn/Kinh-te/phan-vai-de-quan-ly-hieu-qua-thi-truong-vang-i737404/

Hà An / CAND