Trong những ngày đầu năm 2025, VĐV canoeing (đua thuyền) Nguyễn Thị Hương mở đầu bằng lá đơn xin nghỉ tập. Đâu là nguyên nhân khiến Hương đến lúc này mới dứt áo ra đi, và điều gì sẽ đến với cô trong thời gian tới?

Tại sao phải chờ 3 năm?

Những chuyện không vui của thể thao Việt Nam tiếp tục đến ngay đầu năm 2025. Tâm điểm lần này thuộc về bộ môn canoeing của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có tay chèo Nguyễn Thị Hương. Cô gái từng giành 5 HCV SEA Games tại Việt Nam, cũng như tấm vé tham dự Olympic Paris đã quyết tâm dứt áo ra đi, rời khỏi đơn vị từng làm nên tên tuổi của mình.

nguyễn thị hương canoeing.jpg -0
Nguyễn Thị Hương được đảm bảo đãi ngộ tại đội tuyển quốc gia nhưng không có các khoản hỗ trợ từ địa phương.

Trong đơn xin nghỉ tập ở địa phương chủ quản Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Hương nói cô bị nợ tiền lương, thưởng chế độ trong 3 năm qua. Nếu thông tin này là sự thật, điều đó cũng có nghĩa, nhiều khoản chi dành cho Hương kể từ SEA Games 31 và Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 vẫn còn nợ đọng. Vậy tại sao đến giờ Nguyễn Thị Hương mới lên tiếng?

Để trả lời câu hỏi trên, ta hãy quay lại khoảng thời gian gần 3 năm trước. Năm 2022 là dấu mốc vàng trong sự nghiệp của Nguyễn Thị Hương. Cô góp công vào 5 HCV SEA Games trên sân nhà. Sau đó, đến Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Hương cũng góp công mang về 5/6 HCV môn canoeing cho đoàn Vĩnh Phúc. Ở kỳ Đại hội này, Vĩnh Phúc có 9 HCV.

Từ một góc độ nào đó, ta có thể thấy, một VĐV xuất sắc như Nguyễn Thị Hương đang nắm trong tay vận mệnh của thể thao Vĩnh Phúc. Vậy đâu là lý do khiến Hương phải mất tới 3 năm mới quyết định dứt áo ra đi? Tại sao cô không làm điều đó từ năm 2023 hay 2024, khi đơn vị chủ quản bắt đầu xuất hiện vấn đề trong việc chậm chi trả lương thưởng, chế độ?

Quy định hiện hành trong việc quản lý mô hình thể thao thành tích cao giúp nhiều VĐV như Nguyễn Thị Hương có thể "sống khỏe" mà không cần phụ thuộc vào địa phương chủ quản. Hương là tuyển thủ quốc gia môn canoeing, được triệu tập lên đội tuyển xuyên suốt trong năm. Cô chỉ trở lại thi đấu cho địa phương tại các giải vô địch quốc gia.

Trên cương vị VĐV đội tuyển quốc gia, Hương được nhận tiền tập luyện và chế độ dinh dưỡng của tuyển thủ. Cộng thêm tiền thưởng huy chương, cũng như khoản hỗ trợ dành cho VĐV trọng điểm giành vé Olympic, Hương có thể đảm bảo một mức thu nhập tốt trong 3 năm qua. Vĩnh Phúc đã đào tạo một VĐV xuất sắc, và họ không mất nhiều chi phí giữ chân.

Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi nhiều trong vòng chưa đầy 2 năm tới, khi Đại hội Thể thao Toàn quốc 2026 khởi tranh. Bên cạnh SEA Games hay ASIAD, kỳ "Olympic Việt Nam" này cũng quan trọng không kém với VĐV thành tích cao. Vì thế, Hương hẳn không muốn nỗ lực của mình phải khiến bản thân cô phải chờ đợi thêm nhiều năm để nhận về đãi ngộ.

Có một nguyên nhân khác khiến Nguyễn Thị Hương phải mất 3 năm mới quyết định viết đơn xin nghỉ tập. Những quy định hiện hành khiến VĐV thể thao thành tích cao rất khó dứt áo ra đi khỏi đơn vị đào tạo họ từ bé. Bên cạnh đơn xin nghỉ tập, họ còn phải được nhận Quyết định đồng ý cho nghỉ từ phía Trung tâm, thậm chí bồi thường kinh phí đào tạo.

Tầm quan trọng của thể thao

Ở thời điểm Nguyễn Thị Hương viết đơn xin nghỉ tập, cô gần như không còn là VĐV của Vĩnh Phúc nữa. Tay chèo này tiếp tục ở lại đội tuyển quốc gia trên danh nghĩa là VĐV thuộc Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam. Tuy nhiên, với đẳng cấp của một VĐV đã giành vé dự Olympic, Nguyễn Thị Hương sẽ không mất nhiều thời gian để tìm được bến đỗ mới.

Việc các VĐV thể thao thành tích cao đầu quân cho đơn vị khác, theo thời gian, đã không còn là chuyện hiếm gặp. Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương có thể là điểm đến tiếp theo của Hương ngay trong năm nay. Họ được xem là những đơn vị "thoáng" trong việc chiêu mộ và đãi ngộ nhân tài thể thao thành tích cao.

Trường hợp Đồng Nai chiêu mộ VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh đã mở đường cho nhiều, đơn vị khác học theo. VĐV được phép tự chọn nơi mình đầu quân sau khi họ không còn ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm nào với đơn vị cũ. Đây cũng là điểm được nhiều địa phương nhắm đến, khi họ có thể đảm bảo thành tích mà không phải đầu tư quá nhiều vào khâu đào tạo trẻ.

Ở chiều ngược lại, Nguyễn Thị Hương không phải VĐV hiếm hoi quyết định rời khỏi thể thao Vĩnh Phúc. Địa phương này đã mất một số VĐV thể thao thành tích cao trong thời gian qua. Kể từ cuối tháng 12/2024, đầu tháng 1/2025, Vĩnh Phúc cũng chưa kịp phân bổ ngân sách cho mảng thể thao.

Trên thực tế, câu chuyện của thể thao Vĩnh Phúc không quá mới. "Một điều gì đó" dường như đã xảy ra với địa phương này, khi họ dần rút ngân sách khỏi các đội bóng đá, bóng chuyền từ 2 năm trước. Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc có nguy cơ "đóng băng" mảng thể thao thành tích cao, khi 11 đội tuyển và hơn 200 VĐV, HLV của tỉnh đã dừng hoạt động.

Câu chuyện của Vĩnh Phúc còn cho thấy một sự thật khác. So với những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, lĩnh vực thể thao dường như không phải đối tượng được ưu tiên. Đây có thể là điều sẽ diễn ra trong tương lai ở một nơi khác. Vì thế, các đội tuyển, đơn vị thể thao cần phải tự tìm hướng đi cho bản thân, thay vì sống mòn vào ngân sách.

https://cand.com.vn/the-thao/phia-sau-la-don-xin-nghi-tap-dau-nam-cua-van-dong-vien-canoeing-nguyen-thi-huong-i757996/

An Khánh / CAND