Lịch sử ngành vận tải biển của Việt Nam trong khoảng 15 năm trở lại đây chưa bao giờ phải đối mặt với cuộc “giành giật” thuyền viên khốc liệt như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ, tiêu chuẩn thuyền viên lại được hạ thấp đến mức dễ dãi như hiện nay.

Có thể nói, thuyền viên là lao động đặc thù, phải xa gia đình dài ngày và làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nhưng có mức lương cũng hấp dẫn. Hiện nay, các hãng tàu Trung Quốc có nhu cầu tuyển dụng các thuyền viên rất lớn. Ngoài mức lương rất hấp dẫn, thường gấp 2-3 lần mức lương hiện tại ở Việt Nam, các điều kiện đi kèm cũng được nới lỏng. Cụ thể, họ không cần biết ngoại ngữ, không cần bằng cấp, không cần xác nhận lý lịch... mà chỉ cần có chứng chỉ nghề nghiệp và cần một giấy xác nhận đã làm việc ở trên tàu bao nhiêu năm và làm nghề gì là đủ. Hàn Quốc cũng tung ra các “chiêu” tuyển chọn thuyền viên tương tự.

Những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm tư tình cảm của đội ngũ thuyền viên các công ty vận tải lớn ở Việt Nam, trong đó có Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans).

Không suy nghĩ sao được, khi họ trả mức lương cao gấp 2-3 lần mức lương hiện tại. Tất nhiên, ai cũng biết đi làm cho các hãng tàu nước ngoài thì sự rủi ro là rất cao. Họ có thể bị “lên bờ” bất cứ lúc nào và tất nhiên, chẳng ở đâu có các chế độ bảo hiểm, có các tổ chức chính trị đoàn thể đến giúp đỡ gia đình họ vào những lúc khó khăn...

Nhưng mức lương đó thật sự hấp dẫn và trên thực tế, trong những năm 2020-2021 trở lại đây, đã có không ít thuyền viên Việt Nam ra đi làm việc cho các hãng tàu của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sở dĩ có tình trạng đó là bởi những khúc mắc giữa Ấn Độ, Indonesia với Trung Quốc và Hàn Quốc, cho nên 2 quốc gia này không cho người của mình sang làm việc tại Trung Quốc, Hàn Quốc. Vì thế, Trung Quốc, Hàn Quốc lâm vào tình trạng thiếu thuyền viên nghiêm trọng và họ phải tuyển mộ bằng mọi cách - mà cách đơn giản nhất là trả lương thật cao!

PVTrans cũng chịu tác động không nhỏ trước những chiêu bài lôi kéo thuyền viên của Trung Quốc. Ai cũng biết, để có được một thuyền viên có trình độ, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có sức khỏe và có khả năng chịu đựng gian khổ - đặc biệt là phải xa nhà tới hàng năm trời - phải tốn rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, đào tạo được một thuyền trưởng, thuyền phó phải tốn thời gian hơn đào tạo phi công.

Trong 2 năm 2020-2021, đã có hàng chục thuyền viên của PVTrans xin thôi việc và đi đầu quân cho các hãng tàu Trung Quốc. Thế nhưng, tỷ lệ thuyền viên thôi việc của PVTrans là cực thấp so với các công ty vận tải biển khác.

Hiện nay, PVTrans có hơn 1.100 người đang làm việc ở 4 công ty vận tải. Điều đáng mừng là 6 tháng đầu năm 2022, một số công ty như Công ty Nhật Việt đã tăng hơn 39% số lượng thuyền viên.

 

Sở dĩ PVTrans có tỷ lệ thuyền viên đầu quân ra nước ngoài rất thấp là bởi trong hơn 2 năm qua, PVTrans đã có rất nhiều biện pháp và giải pháp để nhằm ổn định tư tưởng cho thuyền viên và để anh em hiểu được rằng “tiền lương chưa phải là tất cả”.

Trong hơn 2 năm Covid-19, PVTrans đã ý thức sâu sắc được những tổn thất về lòng tin khi rất nhiều thuyền viên quyết định “dừng lại và chia tay” sau những lời hứa thay ca, hồi hương không được thực hiện đúng hẹn. Tiền phụ cấp làm việc quá hạn hợp đồng, phụ cấp Covid-19, tiền thưởng hoàn thành nhiệm vụ… gần như chẳng còn giá trị động viên khi tinh thần thuyền viên đã kiệt quệ.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh không chỉ đến từ các công ty cùng lĩnh vực ở trong nước mà còn đến từ các công ty xuất khẩu thuyền viên, PVTrans vẫn tiếp tục duy trì sự kết nối với tất cả thuyền viên - gia đình thuyền viên như trước đến nay vẫn làm.

Để đối phó với tình trạng “thiếu hụt” thuyền viên, lãnh đạo PVTrans đã chỉ đạo thực hiện triệt để phương châm “3 không - 3 có”. 3 không gồm: Không tiêu cực trong tuyển dụng - điều động - thăng chức; không nợ lương; không xa cách đối với thuyền viên. 3 có gồm: Có môi trường làm việc gắn kết; có sự hỗ trợ kịp thời để thuyền viên thăng tiến trong nghề nghiệp; có sự lắng nghe - chia sẻ bằng nhiệt huyết của người làm nghề hàng hải.

Không những vậy, PVTrans cũng ưu tiên thanh toán lương và các chế độ phúc lợi cho thuyền viên trước tất cả các khoản chi phí khác; duy trì bảo hiểm trách nhiệm cao bên cạnh các bảo hiểm bắt buộc; hỗ trợ 100% phí tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian thuyền viên nghỉ ca. Đặc biệt, những thuyền viên có chuyên môn và năng lực sẽ được ưu tiên lựa chọn để phát triển nguồn lực quản lý tại văn phòng; hỗ trợ kinh phí đào tạo - học nghề cho thuyền viên mới…

Để giữ lòng tin và sự gắn bó của thuyền viên, PVTrans đã có nhiều biện pháp, cách thức hỗ trợ, đồng hành cùng thuyền viên - gia đình thuyền viên trong các tình huống sự cố, tai nạn hàng hải và cố gắng tối đa để bảo vệ quyền lợi của thuyền viên. Mỗi sự cố đều được phân tích kỹ lưỡng nhằm mục đích rút ra bài học kinh nghiệm, cải tiến cho toàn hệ thống mà không đi vào việc đổ lỗi hay chỉ trích bất kỳ cá nhân, tập thể nào.

Đối với tình huống kỷ luật, ban lãnh đạo PVTrans thực hiện xử lý kỷ luật đúng người - đúng việc và luôn xác lập vai trò, trách nhiệm của người quản lý trong các sự việc xử lý kỷ luật.

Bên cạnh đó, PVTrans kiên trì kiến nghị với các cơ quan quản lý về việc điều chỉnh chính sách như miễn trừ thuế thu nhập cá nhân cho tất cả thuyền viên không phân biệt làm việc nước ngoài (tàu hoạt động tuyến quốc tế) hay làm việc trong nước (tàu hoạt động tuyến nội địa); thay đổi thời gian nghỉ hưu phù hợp điều kiện làm việc; gia tăng độ tuổi làm việc trên biển theo điều kiện sức khỏe của thuyền viên để gia hạn hoặc cấp đổi chứng chỉ hành nghề phù hợp nhằm tối ưu hóa nguồn lực thuyền viên nhiều kinh nghiệm và vẫn mong muốn được tiếp tục làm việc.

Vẫn còn sự dịch chuyển - suy giảm về nguồn lực thuyền viên khi các công ty xuất khẩu thuyền viên gia tăng nhu cầu và hạ tiêu chuẩn tuyển dụng xuống mức thấp nhất để tuyển đủ người với các mức lương rất cạnh tranh. Vẫn từng ngày vượt dốc khó khăn nhưng PVTrans tin rằng, khi đã tận tâm tận lực và dung lượng của tình thương, của lòng biết ơn rộng lớn chừng nào thì hạnh phúc từ những gia đình thuyền viên đang kết nối với công ty mở rộng thêm chừng đó.

PVTrans thực hiện triệt để phương châm “3 không - 3 có”. 3 không gồm: Không tiêu cực trong tuyển dụng - điều động - thăng chức; không nợ lương; không xa cách đối với thuyền viên. 3 có gồm: Có môi trường làm việc gắn kết; có sự hỗ trợ kịp thời để thuyền viên thăng tiến trong nghề nghiệp; có sự lắng nghe - chia sẻ bằng nhiệt huyết của người làm nghề hàng hải.

https://www.pvtrans.com/blog/tin-hoat-ong-pvtrans-11/post/pvtrans-nghe-thuat-giu-chan-thuyen-vien-5026

PV / www.pvtrans.com