Kinh nghiệm của Mỹ, Đức, Nhật Bản và một số nước phát triển cho thấy, công nghệ hiện đại là năng lực nội sinh mạnh mẽ để tạo nên thành công cho nền kinh tế. Quan điểm và phương thức quản lý công nghệ (QLCN) được coi là “then chốt” quan trọng cho phát triển công nghiệp ở mỗi ngành, mỗi quốc gia.

Bài học quốc tế

Tiến sĩ Merrifield, một chuyên gia về khoa học quản lý của Hoa Kỳ vào năm 1991 từng diễn tả một cách đơn giản và đầy sức thuyết phục về yêu cầu đối với việc QLCN: “Bất kỳ một tổ chức nào nếu không thường xuyên tiến hành việc phát triển, tiếp thu hoặc làm thích nghi và thúc đẩy tiến bộ công nghệ thì chỉ có khả năng duy trì quyết định chiến lược kinh doanh của mình trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm là cùng. Hơn nữa, những yếu tố mang tính kinh điển tạo nên lợi thế so sánh cần đến trước đây để đem lại khả năng cạnh tranh công nghiệp đã không đủ bảo đảm cho vấn đề sống còn của doanh nghiệp ngày nay. Bởi vậy, việc QLCN không chỉ là mối quan tâm riêng cho những doanh nghiệp có công nghệ cao mà đã trở thành một việc làm cấp thiết cho tất cả mọi tổ chức liên quan đến phát triển, kinh doanh hoặc sử dụng công nghệ, không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ”.

quan ly cong nghe van de then chot cua cong nghiep dau khi

Ngày nay, trong thời đại “Industry 4.0”, công nghệ và QLCN được coi là công cụ biến đổi mạnh mẽ nhất. Nền tảng công nghệ - cơ sở của công nghiệp hóa - chính là điểm khác nhau cơ bản nhất giữa các nước phát triển và đang phát triển, đồng thời đó cũng là nguyên nhân khiến cho các nước phát triển trở thành những nước giàu có.

Sự phát triển và đổi mới nhanh chóng công nghệ tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp thu và áp dụng ngay các thành tựu mới của công nghệ hiện đại, tiên tiến. Một số nước đã từ bỏ chiến lược phát triển công nghiệp dựa trên nguồn nhân lực rẻ và dồi dào trong nước để chuyển sang chiến lược phát triển công nghiệp hiện đại, sử dụng ưu thế của công nghệ cao.

Những nước thành công trong việc tiếp thu công nghệ hiện đại đã đi đến một nhận định: Cần có được một trình độ công nghệ tối thiểu không những để làm chủ, cải tiến công nghệ của nước ngoài phù hợp với các điều kiện cụ thể của mình sau khi được chuyển giao vào mà còn tạo cơ sở để lựa chọn một cách sáng suốt đối với rất nhiều các nhà cung cấp công nghệ tiềm năng.

Các yếu tố cơ cấu ảnh hưởng đến thành công của đổi mới công nghệ trong một đơn vị sản xuất công nghiệp bao gồm một phía là các chính sách của Nhà nước về công nghệ, tài chính, thị trường và một phía là sự sáng suốt, năng lực quản lý của người trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp cùng các năng lực nội sinh khác.

Việc xây dựng năng lực QLCN - một nhân tố chính của năng lực công nghệ - có tầm quan trọng sống còn đối với các nước đang phát triển. Nó có thể làm tăng tốc độ của quá trình tiếp thu, đồng hóa, phổ biến công nghệ nhập khẩu, tăng được khả năng lựa chọn công nghệ một cách độc lập, giúp cho họ hoàn thiện và cải tiến được các kỹ thuật đã chọn và dần dần tạo ra được các công nghệ nội sinh.

QLCN là một khái niệm phức tạp, mới mẻ, tổng hợp, đa ngành và là sự quy tụ của các khoa học, bao gồm khoa học kỹ thuật, khoa học ứng dụng, khoa học quản lý và khoa học xã hội. Trong công cuộc CNH, HĐH đất nước, công tác QLCN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và hiện đang là vấn đề bức thiết của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nhận thức và hành động của Petrovietnam

Ngành Dầu khí có đặc thù là ngành công nghiệp mang tính quốc tế cao, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại. Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo và quản lý luôn nhận thức rõ ràng rằng khoa học công nghệ (KHCN) chính là động lực cho phát triển. Vì vậy, Petrovietnam coi việc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm nhanh chóng nâng cao tiềm lực về KHCN là yếu tố sống còn của mọi hoạt động.

quan ly cong nghe van de then chot cua cong nghiep dau khi
Cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã dần làm chủ công nghệ hiện đại và phát huy hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quá trình vận hành nhà máy cũng như trong các đợt bảo dưỡng tổng thể vừa qua

Với mục tiêu xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, KHCN và công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam đủ mạnh về chất lượng và số lượng để có thể tự điều hành các hoạt động dầu khí cả ở trong nước và các dự án đầu tư ở nước ngoài, trong Chiến lược tăng tốc phát triển, Petrovietnam đã đặt ra 3 nhóm giải pháp đột phá và biện pháp triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ, đó là các nhóm giải pháp về quản lý, nhóm giải pháp về KHCN và nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, mỗi một nhóm giải pháp đều hàm chứa rất nhiều nội dung, đặc biệt là các vấn đề về quản lý.

Hoàn toàn khác với các loại tài sản trí tuệ thông thường, công nghệ hiếm khi có thể bao gói, dễ dàng chuyển nhượng và áp dụng được ngay tức khắc ở mọi nơi. Một phần bản chất của nó không được hiểu biết hoàn toàn và không có được một cách đầy đủ. Trên thực tế, công nghệ do một nước tạo ra chỉ chuyển giao được phần nào cho một nước khác. Nước nhận công nghệ cần phải học hỏi ở các phần đã được chuyển giao và đồng thời phải học hỏi cả ở các phần không được chuyển giao.

Nhiều người thường coi hai khái niệm “quản lý” và “công nghệ” là những lĩnh vực tách biệt nhau. Công nghệ là những vấn đề thuần túy chuyên môn kỹ thuật, còn quản lý là việc chỉ đạo tổ chức, điều hành sản xuất, kinh doanh của các nhà lãnh đạo.

Nhưng trên thực tế của nền sản xuất hiện đại, đặc biệt ở Petrovietnam - một tập đoàn kinh tế kỹ thuật có công nghệ hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, toàn diện nhất - thì hai khái niệm này có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, mật thiết với nhau. QLCN một cách đúng đắn quyết định mọi vấn đề then chốt của Tập đoàn như nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư…

Phát triển KHCN luôn được coi là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp lãnh đạo và mọi thành viên trong Tập đoàn, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của KHCN trong chiến lược phát triển luôn được nâng cao, sự tập trung xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên phát triển KHCN luôn đồng bộ và nhất quán trong toàn hệ thống. Lãnh đạo Tập đoàn luôn xác định rõ trong các chỉ đạo toàn ngành là đội ngũ lãnh đạo và quản lý phải luôn có ý thức nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, tìm cách giải phóng sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ KHCN. Cán bộ làm công tác KHCN phải luôn có khát vọng cống hiến khoa học và đam mê các phát minh trong nghiên cứu khoa học để có được những nghiên cứu ứng dụng thật sự giá trị và mang lại ý nghĩa thực tiễn.

Petrovietnam hiện tập trung nguồn lực KHCN rất lớn cũng như đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo. Tập đoàn luôn quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cho các đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho phát triển hoạt động KHCN. Tập đoàn đã ban hành “Quy chế trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN của Tập đoàn”, sửa đổi quy chế “Quản lý nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ”, ban hành “Quy chế quản lý sáng kiến, sáng chế của Tập đoàn” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững theo chiều sâu.

quan ly cong nghe van de then chot cua cong nghiep dau khi

Có thể thấy, trong các lĩnh vực chính yếu như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; thu gom, vận chuyển, tàng trữ, xử lý và sử dụng khí; hóa, chế biến dầu khí và hóa dầu; lĩnh vực công nghệ công trình dầu khí; xây dựng và vận hành các nhà máy điện… Petrovietnam đều đã đưa các công nghệ tiến tiến, hiện đại nhất vào ứng dụng hiệu quả, đồng thời có đủ năng lực quản lý cũng như làm chủ công nghệ.

Nhiều thành tựu mới của nền KHCN thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của ngành Dầu khí Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN của Petrovietnam đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN và Giải thưởng Nhà nước về KHCN trong những năm qua. Hàng ngàn sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật đang được áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại lợi ích lớn cho kinh tế nước nhà.

Có thể nói, Petrovietnam đã quán triệt sâu sắc định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển và quản lý KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH, bắt kịp nhịp đập và hơi thở thực tiễn hoạt động KHCN trong giai đoạn tái cấu trúc Tập đoàn, phấn đấu đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống.

Hướng đến sự hoàn thiện

Một nền tảng đặc thù của ngành Dầu khí nhiều năm qua là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành Tập đoàn và các đơn vị thành viên hầu như đều trưởng thành từ quá trình sản xuất công nghiệp hoặc quản lý chuyên môn. Họ là những tiến sĩ, kỹ sư, nhà khoa học hoặc các nhà quản trị thực thụ, được đào tạo bài bản, hiểu biết sâu sắc chuyên môn và công nghệ do mình quản lý, tích lũy được kinh nghiệm thực tế, có năng lực và nhiệt huyết với nghề. Bởi vậy, tại Petrovietnam dễ tìm được thứ ngôn ngữ thống nhất khi nói đến tầm quan trọng của KHCN - Đặt mục tiêu đúng sẽ có chiến lược đúng, kế sách tổ chức triển khai hợp lý.

quan ly cong nghe van de then chot cua cong nghiep dau khi

Được biết, để các giải pháp về KHCN của Tập đoàn thực sự mang đúng nghĩa “đột phá”, trong các chương trình hành động của Petrovietnam đều xác định rằng, đầu tiên là phương thức chỉ đạo, QLCN phải nhất quán trong toàn hệ thống. Đội ngũ lãnh đạo và quản lý phải luôn có ý thức và tìm cách giải phóng sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ KHCN. Công tác KHCN luôn phải ý thức được sự cạnh tranh trong và ngoài ngành, cạnh tranh trong nước và quốc tế để không ngừng đổi mới và phát triển.

Thứ hai là đột phá về cơ chế trong phát triển và hoạt động KHCN. Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và áp dụng các chính sách, quy chế cho phát triển KHCN đồng bộ và nhất quán từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách mang tính đột phá về cơ chế, phát triển KHCN, xây dựng và áp dụng chính sách đãi ngộ xứng đáng cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sáng kiến, sáng chế trong sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ chế đầu tư và quy trình đầu tư riêng cho KHCN; tích cực tiến hành cải cách hành chính trong hoạt động KHCN.

quan ly cong nghe van de then chot cua cong nghiep dau khi
Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam, nơi ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhất của thế giới

Thứ ba là mũi đột phá trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khắc phục những điểm yếu còn tồn tại, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), góp phần nâng cao chất lượng của các đề tài, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN nhằm tận dụng và phát huy nguồn nhân lực bên ngoài để để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và từng bước làm chủ, cải tiến, tiến tới sáng tạo công nghệ trong từng lĩnh vực, phát triển tiềm lực KHCN Dầu khí của Việt Nam.

quan ly cong nghe van de then chot cua cong nghiep dau khi

Ả rập Xê út cần giá dầu ít nhất ở mức 85 USD/thùng để cân bằng ngân sách

Giám đốc khu vực Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Jihad Azour đã đưa ra nhận định Ả rập Xê út cần giá dầu ít ...

quan ly cong nghe van de then chot cua cong nghiep dau khi

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Ngày 4/5, tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Chi Lăng phối hợp với Thường trực HĐND - ...

http://www.pvn.vn/Pages/Tin-dau-khi/Quan-ly-cong-nghe-van-de-then-chot-cua-cong-nghiep-dau-khi/ba817e78-ed1c-4c04-93a4-7a1e3074b112

/ Cổng thông tin Tập đoàn Dầu khí VN