Trong khi Nguyễn Quang Hải liên tục phải ngồi dự bị ở Pau FC, Huỳnh Như đã tỏa sáng rực rỡ ngay trong lần đầu tiên đá chính cho Lank FC. Hai ngôi sao hàng đầu của bóng đá nam, nữ Việt Nam đang trải qua tình cảnh trái ngược ở châu Âu, nhưng đó là điều nằm trong dự đoán của nhiều người. Dù thế nào, sự dũng cảm của Quang Hải và Huỳnh Như cần được coi trọng và lan tỏa, qua đó giúp bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
- Quang Hải kiến tạo giúp Pau FC thắng đội nghiệp dư
- Quang Hải, Hùng Dũng hào hứng khoe truyện tranh Việt Nam
Hai câu chuyện trái ngược
Chuyện Quang Hải xuất ngoại được cả làng bóng đá săn đón ngay từ khi tiền vệ này mới manh nha chia tay Hà Nội FC. Sau đó, Quang Hải trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên gia nhập một CLB chuyên nghiệp tại Pháp.
Trước Quang Hải, nhiều ngôi sao Việt Nam từng xuất ngoại sang châu Âu, nhưng “Hải con” được xem là người đầu tiên tự lực cánh sinh, chuyển đến một giải đấu đẳng cấp cao dựa vào chuyên môn thuần túy thay vì ký các hợp đồng mang tính thương mại nhiều hơn. Cũng vì thế, Quang Hải đến Pháp với tâm thế một cầu thủ bình thường: Tập luyện chăm chỉ và nỗ lực từng ngày để cạnh tranh vị trí trong đội hình.
Mọi chuyện quả thực không dễ cho Quang Hải. Cho dù được đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam hiện tại và nằm trong top 3 Đông Nam Á, nhưng Quang Hải không thể thuyết phục ban huấn luyện Pau FC. Anh đã có cơ hội đá chính 2 trong 3 trận đầu tiên của Ligue 2 và chơi không quá tệ. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của một cầu thủ châu Á sang châu Âu bộc lộ rõ ở Quang Hải. Anh không đủ nhanh và khỏe để so tài với các đối thủ. Đôi chân của Quang Hải vẫn rất ngoan với nhiều pha xử lý kỹ thuật cao, nhưng chỉ như thế là không đủ.
Đây vốn là vấn đề mà Quang Hải và người đại diện đã lường trước. Ligue 2 vốn là giải đấu tập trung nhiều cầu thủ châu Âu và châu Phi, những người sở hữu nền tảng thể lực và sức mạnh vượt trội phần còn lại. Thế nhưng, Quang Hải vẫn chọn Pau FC vì tin tưởng đây là môi trường hoàn hảo để giúp anh phát triển bản thân, bứt ra khỏi giới hạn vốn có.
Chuyện của Huỳnh Như hoàn toàn ngược lại. Huỳnh Như thậm chí từng từ chối Lank FC trước khi dấn thân thử sức. Cô cũng không còn trẻ để phát triển đẳng cấp như Quang Hải. Nói Huỳnh Như đi vì kinh tế cũng không sai, vì thu nhập ở Bồ Đào Nha gấp nhiều lần ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở tuổi 30, Huỳnh Như không bôn ba nước ngoài chỉ để cho vui. Cô đã có ít nhất 1 năm để tìm hiểu và đánh giá giải đấu này trước khi đưa ra quyết định.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Huỳnh Như đem lại kết quả. Cô lập tức trở thành ngôi sao của đội bóng. Ngay trong lần đầu tiên đá chính ở giải VĐQG nữ Bồ Đào Nha, Huỳnh Như đã lập cú đúp và kiến tạo 1 bàn giúp Lank FC ngược dòng cầm hòa Famalicao với tỷ số 3-3. Cô không chỉ trở thành người hùng của Lank FC, mà còn trở thành hiện tượng của cả giải đấu.
Lòng dũng cảm cần lan tỏa
Sẽ rất vô duyên nếu so sánh hoàn cảnh của Quang Hải và Huỳnh Như tại châu Âu lúc này. Lý do vì hệ quy chiếu của hai người vốn khác nhau. Quang Hải chỉ đá ở giải hạng 2 Pháp, nhưng đó là giải đấu rất khắc nghiệt với số lượng CLB và cầu thủ nhiều hơn. Chưa kể, chất lượng bóng đá nam và bóng đá nữ chênh lệch rất xa.
Dù thành công hay chưa, cả Quang Hải và Huỳnh Như đều xứng đáng được xem là những người mở đường đúng nghĩa cho bóng đá Việt Nam sang châu Âu. Lòng dũng cảm của họ cần được công nhận và lan tỏa, thay vì đem ra so sánh hoặc chế giễu.
Quang Hải đang chấp nhận vai trò dự bị ở Pau FC, nhưng anh cũng ít nhất 1 lần tỏa sáng, ghi bàn giúp đội bóng này giành điểm ở Ligue 2. Đó chắc chắn là cột mốc lịch sử mà bóng đá Việt Nam sẽ còn nhắc lại nhiều sau này. Trong khi đó, Huỳnh Như vốn là tấm gương sáng cho các cầu thủ nữ từ lâu. Việc cô xuất ngoại và thành công hứa hẹn sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho bóng đá nữ Việt Nam, khi các cầu thủ trẻ và phụ huynh của họ nhìn thấy tương lai tươi sáng hơn khi theo đuổi “nghề nghiệp” này.
Trước đó, Huỳnh Như và các tuyển thủ khác đã đẩy bóng đá nữ Việt Nam lên tầm cao mới với tấm vé dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, khoảnh khắc huy hoàng như thế thường chỉ thoảng qua và không thể tạo ra hiệu ứng lâu dài. Những gì Huỳnh Như thể hiện ở Bồ Đào Nha mang đến cảm hứng lớn hơn cho tất cả.
Tương tự như vậy, quyết tâm dấn thân của Quang Hải không chỉ tạo động lực cho thế hệ đàn em, mà còn tạo ra kinh nghiệm thực chiến cho họ. Quang Hải đang phải ngồi dự bị, nhưng rõ ràng anh không đến Pau FC chỉ để làm dự bị. Tiền vệ 25 tuổi này đã thực sự hòa vào đời sống bóng đá Pháp và còn nguyên cơ hội tỏa sáng trong tương lai.
Ngoài ra, việc Quang Hải không tham dự AFF Cup 2022 cũng mở ra góc nhìn mới cho bóng đá Việt Nam. Trong tương lai, các ĐTQG Việt Nam phải làm quen với việc không thể triệu tập cầu thủ ngoài dịp FIFA Days. Xa hơn, V.League và các giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam cũng từng bước tập vận hành theo guồng quay chung của thế giới, thay vì tập trung dài hạn theo cách cục bộ như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Những chuyện tưởng như bình thường đó sẽ tạo ra thói quen tốt cho cả nền bóng đá và giúp ĐTQG tăng thêm cơ hội tham dự World Cup.
VFF đặt mục tiêu ĐTQG Việt Nam tham dự World Cup 2030
Tại Đại hội VFF khóa IX, tân Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã vạch ra lộ trình mục tiêu của bóng đá Việt Nam. Ông cho biết: “Đại hội cũng cần tập trung vào việc xây dựng các mục tiêu chiến lược, phát triển bóng đá Việt Nam, bắt đầu từ việc thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác cho nhiệm kỳ 2022 – 2026 và định hướng các mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu bóng đá nước ta phát triển đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á và sớm có mặt tại VCK World Cup”.
Bên cạnh đó, VFF cũng thông qua việc triển khai thử nghiệm VAR ngay từ mùa giải 2023, 100% CLB ở V.League phải đạt chuẩn AFC. Đây là bước tiến lớn đưa bóng đá Việt Nam đến gần hơn với đỉnh cao của bóng đá châu Á và thế giới.