Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua sáng 10-11 nêu rõ, từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp...
- Chính sách tiền lương đã đến mức báo động
- Chính phủ trình Quốc hội chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024
Sáng nay, 10-11, với 466/470 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,33%, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này.
Báo cáo cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ thời gian tới cần tiếp tục triển khai đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế; quản lý chặt chẽ nguồn thu, thu đúng, thu đủ, chống thất thu, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách.
Về một số nội dung cụ thể, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật tài chính về đất đai, có cơ chế điều tiết hợp lý nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương, góp phần tăng thu ngân sách trung ương.
UBTVQH đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể, rõ ràng về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi các vị ĐBQH. Đồng thời, sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…
Dự toán ngân sách nhà nước 2024
1. Số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng.
2. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
3. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng.
4. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm:
Bội chi ngân sách trung ương là 372.900 tỷ đồng, tương đương 3,4%GDP;
Bội chi ngân sách địa phương là 26.500 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP.
5. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng.
Về chính sách tiền lương, dự thảo Nghị quyết nêu, từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù thì áp dụng như sau:
Từ 1-1-2024 đến 30-6-2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023.
Từ ngày 1-7-2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này, ông Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 và đề nghị cần tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp, bảo đảm công bằng xã hội.
Cùng đó, cần phải thực hiện đồng bộ giữa việc điều chỉnh mức lương cơ sở cùng với đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với xây dựng vị trí việc làm; có chính sách phù hợp, tránh cào bằng.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030.
UBTVQH nhận thấy, ý kiến của các vị ĐBQH là hoàn toàn xác đáng. Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, có báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030 gửi các vị ĐBQH.
Về cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương và thu nhập tăng thêm của các cơ quan, đơn vị, UBTVQH đề nghị không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.