Câu chuyện Sài Gòn FC được Lâm Đồng mua lại suất thi đấu nhưng không đổi tên, thực tế không phải là câu chuyện mới. Lịch sử V.League từng chứng kiến không ít vụ sáp nhập CLB kỳ lạ, rồi tan đàn xẻ nghé không lâu sau đó.
- Sài Gòn FC, CLB Cần Thơ không dự giải Hạng Nhất 2023
- Cuộc đua trụ hạng V.League 2022: Sài Gòn FC giương “cờ trắng”
Vào Nam ra Bắc
Việc được Lâm Đồng mua lại, chọn Đà Lạt làm sân nhà nhưng vẫn thi đấu ở giải hạng Nhất với tên cũ không phải lần đầu tiên Sài Gòn FC gây chú ý.
Tại V.League 2016, ngay khi mới lên hạng, đội bóng này từng đổi tên, chuyển hộ khẩu giữa thời điểm mùa giải mới bắt đầu được vài vòng. Ở thời điểm 2015 - 2016, Sài Gòn FC có tên ban đầu là CLB bóng đá Hà Nội. Nòng cốt đội hình đội bóng này là các thành viên lò đào tạo CLB Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội). Quang Hải, Đình Trọng, và nhiều cầu thủ khác của bóng đá Thủ đô từng được đội bóng chủ quản cho "du học" tại Sài Gòn FC thời chưa đổi tên.
Việc CLB bóng đá Hà Nội lấy tên Sài Gòn FC rồi Nam tiến ngay giữa mùa giải từng khiến không ít người bất ngờ. Mọi hình ảnh của đội bóng từ logo, đến trang cộng đồng với trên dưới 10.000 thành viên đều phải làm lại từ đầu. Những cầu thủ vốn sinh sống tại Hà Nội cũng chấp nhận vào Nam lập nghiệp với tinh thần chuyên nghiệp cao. Ở chiều ngược lại, nhiều cầu thủ từng khoác áo Khánh Hòa 10 năm trước cũng từng trải qua quãng thời gian Bắc tiến đáng nhớ. Kết thúc mùa giải V.League 2012, CLB Hải Phòng đứng chót bảng và phải xuống hạng. Nhưng cuối cùng, họ vẫn ở lại V.League vì mua suất thi đấu của Khatoco Khánh Hòa, đội bóng giải thể vì nhà tài trợ rút lui.
Không chỉ tiếp nhận quyền thi đấu V.League 2013 của Khánh Hòa, CLB Hải Phòng còn nhận về toàn bộ cầu thủ và thành viên ban huấn luyện đội bóng phố Biển. Tấn Tài, Quang Hải, Hữu Phát, bộ đôi cầu thủ nhập tịch Văn Tân, Văn Phú cùng HLV Hoàng Anh Tuấn đồng loạt Bắc tiến trong màu áo đội bóng mới.
Cũng phải chuyển hộ khẩu nhưng ngay trong lòng bóng đá Thủ đô là câu chuyện của Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội ACB. Bức xúc vì bị xử ép trắng trợn ở những vòng đấu cuối V.League 2011, ông bầu Trần Đình Long thông báo rút lui. Toàn bộ đội hình, cũng như khu phức hợp phát triển bóng đá trị giá gần 200 tỷ đồng được Hòa Phát Hà Nội chuyển giao cho Hà Nội ACB của bầu Kiên. Về phía Hà Nội ACB, mùa giải 2011 là năm họ xuống hạng, nhưng cuối cùng vẫn thi đấu V.League năm tiếp theo nhờ suất đấu của Hòa Phát. Đội bóng này cũng đổi tên thành CLB Hà Nội. Trước thềm V.League 2012, bầu Kiên gây chú ý bằng việc chiêu mộ thành công tiền đạo Lê Công Vinh, người từng khoác áo Hà Nội T&T của bầu Hiển.
Nhưng Sài Gòn FC, Hải Phòng hay Hà Nội ACB đều không có lịch sử sáp nhập, mua lại suất đấu phức tạp như CLB Sài Gòn Xuân Thành. Vốn là CLB hạng nhì Hà Tĩnh, năm 2010, đội bóng này được Tập đoàn Xuân Thành mua lại. Đây cũng là thời điểm đánh dấu việc bầu Thụy (doanh nhân Nguyễn Đức Thụy) bỏ tiền đầu tư vào bóng đá.
Trong năm đầu tiên, Xuân Thành Hà Tĩnh không thể thăng hạng, nhưng vẫn được đá hạng Nhất mùa sau nhờ mua lại Hòa Phát V&V, đội bóng vừa lên hạng Nhất nhưng bị sang nhượng lại. Với nòng cốt cầu thủ của 2 đội Hà Tĩnh và Hòa Phát V&V (đại bản doanh ở Hà Nội), CLB này quyết định chuyển vào... TP Hồ Chí Minh, lấy tên Sài Gòn Xuân Thành. Đội bóng của bầu Thụy không chỉ thăng hạng và trở thành một thế lực mới tại V.League, mà còn gây chú ý bằng việc liên tục thay tên. Họ đổi thành CLB bóng đá Sài Gòn, trở lại tên Sài Gòn Xuân Thành, rồi lấy tên Xi măng Xuân Thành Sài Gòn trong vòng 2 năm. Đây cũng là đội bóng đổi tên với tần suất nhanh nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Cái kết không có hậu
Những cầu thủ Khánh Hòa khoác áo Hải Phòng gần như tìm cách đi ngay sau khi Bắc tiến. Tấn Tài chơi cho đội bóng thành phố Cảng vỏn vẹn nửa mùa rồi tìm đường khoác áo Bình Dương. Hữu Phát, Văn Tân và HLV Hoàng Anh Tuấnrời Hải Phòng sau khi V.League 2013 khép lại. 2 cầu thủ hiếm hoi tiếp tục khoác áo Hải Phòng là Quang Hải và Văn Phú. Tấn Tài, Quang Hải, Văn Phú và HLV Hoàng Anh Tuấn là những người có quyết định đúng đắn cho bến đỗ tiếp theo của họ; nhưng Phạm Hữu Phát thì không. Cầu thủ này chọn hồi hương, khoác áo CLB Đồng Nai. Không lâu sau, anh bị khởi tố với tội danh dàn xếp tỷ số. Hữu Phát nhận án 6 năm tù, bị cấm tham gia vĩnh viễn mọi hoạt động bóng đá.
Những cầu thủ Hòa Phát chuyển hộ khẩu sang Hà Nội ACB, họ cũng không có niềm vui trọn vẹn. 1 năm sau khi Hòa Phát Hà Nội giải thế, Hà Nội ACB cũng lâm vào tình cảnh tương tự vì bầu Kiên vướng vòng lao lý. Ngoài Công Vinh Thành Lương, những cầu thủ khác gặp không ít khó khăn trong việc tìm đội bóng mới. Còn với CLB Sài Gòn Xuân Thành, những hoạt động phức tạp của họ cũng nhanh chóng khép lại trong ồn ào. Trước ngày V.League 2013 khép lại, đội bóng nhận thông báo giải thể. Dàn sao nội Tấn Trường, Phước Tứ, Đình Luật, Tài Em trở thành cầu thủ tự do. Sài Gòn Xuân Thành đến giờ vẫn là câu chuyện điển hình cho cách làm đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của bóng đá chuyên nghiệp.
Lịch sử V.League chỉ ra "Sài Gòn Lâm Đồng FC" không phải cái tên cá biệt. Nguyên nhân sâu xa của việc này, trên thực tế, là bởi các CLB vẫn chưa thể tự kiếm tiền từ bóng đá. Đó là một hệ lụy xấu, nhưng là giai đoạn bắt buộc xảy ra trên hành trình chuyên nghiệp hóa của mọi nền bóng đá.
Cần Thơ bỏ giải, Sài Gòn FC chiêu mộ đội hình hoàn toàn mới
Trước thềm giải hạng Nhất 2023, một CLB khác cũng gặp khó khăn về mặt tài chính là Cần Thơ. Họ đã thông báo giải thể, rút lui khỏi giải hạng Nhất do không tìm được nhà tài trợ mới. Dự kiến đội bóng này sẽ trở lại giải hạng Ba thi đấu theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Về phía Sài Gòn FC, họ sẽ thi đấu với một đội hình hoàn toàn mới so với mùa trước. Ngay sau khi V.League 2022 khép lại, đội bóng này đã thanh lý toàn bộ cầu thủ và thành viên ban huấn luyện. Nếu không được Lâm Đồng mua lại suất thi đấu, Sài Gòn FC có thể trở thành cái tên tiếp theo bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Nhiều khả năng cầu thủ Sài Gòn FC tham dự giải hạng Nhất 2023 sẽ là những gương mặt từng khoác áo Lâm Đồng. Ngoài ra, đội bóng này có thể ký hợp đồng với một số cầu thủ tự do, cũng như mượn người từ các đội SLNA, HAGL về thi đấu.