Sau một năm, xung đột Nga - Ukraine gây ra những gián đoạn cho nền kinh tế thế giới, khiến toàn cầu cùng lúc phải đối mặt với nhiều vấn đề nặng nề.

Một năm xung đột Nga - Ukraine bắt đầu, nguồn cung cấp ngũ cốc, phân bón và năng lượng bị thắt chặt, lạm phát gia tăng và những biến động kinh tế khác ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Các công ty và quốc gia ở các nước phát triển, cho đến nay được cho là vẫn tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái kinh tế. Mọi thứ không khả quan như các nền kinh tế mới nổi, song các chuyên gia cũng cho rằng tác động của chiến tranh với kinh tế thế giới “là một cú sốc đang đi qua”.

"Mọi người đều là nạn nhân"

Giá lương thực, năng lượng quá cao gây khó khăn đặc biệt cho người nghèo. Cuộc chiến Nga – Ukraine một phần làm gián đoạn nguồn lúa mì, lúa mạch và dầu ăn... bởi họ là những nhà cung cấp chính toàn cầu cho châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á. Mạng lưới cung cấp năng lượng cũng bị gián đoạn. 

Sau một năm xung đột Nga–Ukraine, kinh tế toàn cầu ở đâu giữa 'ngã ba đường'? - 1

Biểu đồ thể hiện giá thực phẩm trên thế giới trong khoảng thời gian xung đột Nga - Ukraine bắt đầu, theo chỉ số đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc. (Nguồn: AP) 

Tại Ai Cập, nơi gần 1/3 dân số sống trong cảnh nghèo đói, Halima Rabie đã phải vật lộn trong nhiều năm để nuôi 5 đứa con đang tuổi đi học của mình. Giờ đây, góa phụ 47 tuổi này phải cắt giảm ngay cả những nhu yếu phẩm cơ bản nhất khi giá cả tiếp tục tăng.

“Thật không thể chịu nổi”, Rabie nói trong khi bắt đầu công việc dọn dẹp tại một bệnh viện do nhà nước điều hành ở thành phố Giza. “Thịt và trứng đã trở thành một thứ xa xỉ”.

Chính phủ kêu gọi người Ai Cập dùng thử chân và cánh gà như một nguồn protein thay thế - một gợi ý vấp phải phản ứng trên mạng xã hội nhưng cũng dẫn đến nhu cầu tăng đột biến.

“Ngay cả chân gà cũng trở nên đắt đỏ”, Rabie nói.

Sven Paar, chủ một tiệm giặt ủi thương mại ở Walduern, Tây Nam nước Đức, phải đối mặt với hóa đơn tiền gas năm nay khoảng 165.000 euro (176.000 USD) – tăng từ 30.000 euro (32.000 USD) vào năm ngoái – để vận hành 12 chiếc máy hạng nặng có thể giặt 8 tấn đồ mỗi ngày.

Cho đến nay, anh đã có thể giữ chân khách hàng của mình sau khi cho họ xem các hóa đơn tiền điện mỗi đợt tăng giá. “Chúng tôi dần dần, từng chút một, phải chuyển chi phí cho chính khách hàng của mình. May là cho đến nay mọi thứ vẫn ổn”, anh nói.

Nhưng trong khi anh giữ được những khách hàng ổn định, họ không còn mang lại nhiều việc như trước. Các nhà hàng có ít khách hàng hơn cần giặt ít khăn trải bàn hơn. Một số khách sạn đóng cửa thay vì trả chi phí sưởi ấm trong mùa thấp điểm, đồng nghĩa với việc phải dọn dẹp ít ga trải giường hơn.

Sau một năm xung đột Nga–Ukraine, kinh tế toàn cầu ở đâu giữa 'ngã ba đường'? - 2

Tại Tây Ban Nha, chính phủ đang chi 300 triệu euro (320 triệu USD) để giúp nông dân mua phân bón, khi giá đã tăng gấp đôi kể từ cuộc chiến ở Ukraine. (Ảnh: AP)

Tại Tây Ban Nha, chính phủ đang chi 300 triệu euro (320 triệu USD) để giúp nông dân mua phân bón, khi giá đã tăng gấp đôi kể từ cuộc chiến ở Ukraine.

Jose Sanchez, một nông dân ở làng Anchuelo, phía đông Madrid, cho biết: “Phân bón rất quan trọng vì đất đai cần lương thực. Đất không có lương thực thì mùa màng không lớn lên được”.

Ở thủ đô Jakarta của Indonesia, nhiều người bán hàng rong biết họ không thể tăng giá thực phẩm cho những khách hàng đang gặp khó khăn. Vì vậy, thay vào đó, một số người cắt giảm khẩu phần ăn, một phương pháp được gọi là “lạm phát co lại”.

Mukroni, 52 tuổi, người sở hữu quầy hàng thực phẩm và giống như nhiều người Indonesia, cho biết: "Một cân (kg) gạo là 8 phần... nhưng giờ chúng tôi đã chia thành 10 phần". Ông nói, khách hàng sẽ không đến cửa hàng nếu giá quá cao.

“Chúng tôi hy vọng có hòa bình”, ông nói. “Bởi vì xét cho cùng, không ai thắng hay thua, tất cả mọi người đều sẽ là nạn nhân”.

Sau một năm xung đột Nga–Ukraine, kinh tế toàn cầu ở đâu giữa 'ngã ba đường'? - 3

Giá khí đốt tự nhiên, tính theo euro cho hợp đồng khí đốt châu Âu TTF. (Nguồn: AP)

Kinh tế toàn cầu chậm lại

Tại Mỹ và các quốc gia giàu có khác, đợt giá tăng do ảnh hưởng của chiến tranh đối với giá dầu đã dịu bớt. Hiện nhiều người hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm bớt việc tăng lãi suất để tránh đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái và khiến các loại tiền tệ khác sụt giảm so với đồng USD.

Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa để ngăn ngừa COVID-19 vào cuối năm ngoái, điều được xem là có ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai.

Một số nơi cũng gặp “may mắn”: Mùa đông ấm hơn bình thường giúp giảm giá khí đốt tự nhiên và hạn chế thiệt hại từ cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga cắt phần lớn khí đốt đến châu Âu.

Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết chiến tranh “là một thảm họa của con người”. “Nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế thế giới là một cú sốc đang đi qua”.

Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay và năm 2022, tương đương với khoảng 1 nghìn tỷ USD sụt giảm. IMF cho biết giá tiêu dùng đã tăng 7,3% ở các quốc gia giàu có nhất vào năm ngoái — cao hơn mức dự báo 3,9% vào tháng 1 năm 2022 — và 9,9% ở các quốc gia nghèo hơn, tăng từ mức 5,9% dự kiến trước cuộc chiến.

Sau một năm xung đột Nga–Ukraine, kinh tế toàn cầu ở đâu giữa 'ngã ba đường'? - 4

Ông Mukroni, 52 tuổi, người bán hàng ở Indonesia chia sẻ không thể tăng giá quá nhiều vì lo ngại mất khách hàng. (Ảnh: AP)

Chiến tranh không phải tác nhân lớn nhất

Cuộc chiến Nga – Ukraine đem đến những thách thức mới khi nền kinh tế thế giới vốn đã đang ở “ngã ba đường”.

Gần như ngay lập tức, cuộc chiến tạo thêm những bất ổn mới khi thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 vốn đã dẫn đến nợ công tăng kỷ lục, khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát và tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực thiết yếu.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva được đưa ra khi các rào cản đối với thương mại thế giới đang gia tăng, sau kỷ nguyên toàn cầu hóa nhanh chóng. Việc các vấn đề liên quan đến năng lượng bị vũ khí hóa làm đình trệ quá trình chuyển đổi vốn đã trở nên cấp bách do biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Robert Kahn, giám đốc địa kinh tế vĩ mô toàn cầu tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: “Cú sốc của cuộc chiến liên quan đến nhu cầu và giá cả đã giáng xuống nền kinh tế toàn cầu, cùng với COVID và các quyết định chính sách khác, góp phần tạo ra những cơn gió ngược đối với tăng trưởng. Và tôi nghĩ chúng vẫn chưa kết thúc”.

Chiến tranh tàn phá nền kinh tế Ukraine, khiến nền kinh tế này bị thu hẹp một phần ba, trong khi các biện pháp trừng phạt hiện đang bắt đầu khiến Nga không có được nguồn thu từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác. Không thể phủ nhận tác động của cuộc chiến với phần còn lại của thế giới, nhưng vẫn còn khó để định lượng tác động này. 

Giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng vọt khi thế giới thoát khỏi đợt phong tỏa do đại dịch năm 2020 và tiếp tục tăng sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, nhưng nhiều chỉ số đã ở dưới mức của một năm trước.

“Chúng tôi nhận thấy rằng giá năng lượng vào năm 2021 tăng nhiều hơn so với năm 2022, cho thấy chiến tranh và các biện pháp trừng phạt không phải là các tác nhân quan trọng nhất", các nhà phân tích Zsolt Darvas và Catarina Martins nhận thấy trong một nghiên cứu vào tháng 12 cho tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel.

Một số người có thể kết luận rằng điều đó có nghĩa là nền kinh tế thế giới đã vượt qua cuộc xung đột. Sự lạc quan chiếm ưu thế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay ở Davos, trong khi thị trường tài chính đang đặt cược rằng các nền kinh tế tiên tiến có thể tránh được suy thoái toàn diện. Quỹ Tiền tệ Quốc tế hiện ước tính nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,4% trong năm ngoái - chỉ thấp hơn một điểm phần trăm so với dự báo trước khi chiến tranh bắt đầu.

Nhưng liệu tăng trưởng thế giới có đạt kỳ vọng hay không vẫn còn phải chờ xem.

Sau một năm xung đột Nga–Ukraine, kinh tế toàn cầu ở đâu giữa 'ngã ba đường'? - 5

Cảng hàng hóa ở Đức. (Ảnh: Reuters)

Những ẩn số khác

Khi cuộc chiến không có hồi kết, bao gồm cả việc ngày càng nhiều vũ khí nguy hiểm, cho đến vũ khí hạt nhân, được sử dụng trên chiến trường - điều đó sẽ đưa triển vọng của cả nền kinh tế toàn cầu và nền hòa bình vào những viễn cảnh chưa từng được biết đến.

Về năng lượng, các phân tích cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ ít ảnh hưởng hơn đến các xu hướng trong tương lai, như tìm về các nguồn nhiên liệu hóa thạch cũ hoặc đầu tư vào năng lượng tái tạo. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến việc Nga giảm xuất khẩu dầu sẽ sớm góp phần vào sự ổn định trong nhu cầu toàn cầu đối với nhiên liệu hóa thạch, mang lại khả năng chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng xanh.

Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi nhiều hơn, gồm khoản đầu tư kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD vào năng lượng sạch mà IEA dự đoán trong năm 2022. Trong trường hợp các nhu cầu đầu tư năng lượng mới không được đáp ứng, rủi ro giá cả sẽ lại đến với nền kinh tế. 

Cuộc xung đột có ý nghĩa gì đối với thương mại toàn cầu cũng chưa rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga - có phải là khởi đầu cho một xu hướng bảo thủ hơn nữa khi các nước hạn chế đối tác thương mại chỉ trong những nước mà họ coi là đồng minh.

Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức khác đã nhận thấy rủi ro thương mại bị chia thành các khối thù địch, một kịch bản mà theo mô hình hóa của IMF, sẽ làm giảm tới 7% sản lượng toàn cầu.

Một khả năng sẽ kích hoạt kịch bản này có thể là đợt trừng phạt mới nhắm vào không chỉ Nga mà cả các công ty và nhà đầu tư làm ăn với nước này.

https://vtc.vn/sau-mot-nam-xung-dot-nga-ukraine-kinh-te-toan-cau-o-dau-giua-nga-ba-duong-ar742960.html

PHƯƠNG ANH (Tổng hợp ) / VTC News