Giờ thì đến U22 Seagames 30. Tối qua, tôi đã bật khóc, giọt nước mắt tràn ngập niềm vui vỡ òa sau biết bao dồn nén tính bằng thập kỷ. Chúng ta đã vô địch!

Năm 1995, lần đầu tiên tôi xem bóng đá Việt Nam đi đấu quốc tế và rồi mê bóng đá Seagames từ đấy, hay sau này là Tiger Cup. Thật ra tôi mê bóng đá Việt Nam chủ yếu do tinh thần dân tộc, chứ bóng đá Việt khi đó ở trong tôi là con số 0 tròn trĩnh.

Phải thú nhận là trước 1995, với tôi chỉ có bóng đá Ý, Anh, Hà Lan hay Ba Lan (chả hiểu sao lại rất thích cái đội Đại Bàng Trắng) và đọc về những nền bóng đá này qua báo Thể thao hoặc tivi. Chấm hết. Không bao giờ tôi đi xem các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam.

Thời năm 1995 gắn với những cái tên Hoàng Bửu, Minh Chiến, Huỳnh Đức, Hồng Sơn. Và trận chung kết với người Thái với những cái tên Natipon, Kiatisuk...đã vả cho thế hệ vàng của Việt Nam vừa mới ra khu vực tới 4 bàn không gỡ.

sau sea games chung ta da ra toi bien rong
Chúc mừng U22 Việt Nam! Chúc mừng chúng ta!

Lửa vừa mới cháy, đam mê vừa khơi mà bị người Thái dội cho nguyên cả thùng nước đá. Từ đó, tôi ghét bóng đá Thái và Kiatisuk một cách "điên rồ".

Sea Games 97, tuyển Việt Nam lại bại trận. Lại xót xa và ức chế. Cho tới Tiger Cup 98, tại Hàng Đẫy, niềm vui sướng đến tột cùng khi thế hệ Natipon và Kiatisuk của Thái bị dập cho 3-0 tơi bời khói lửa, niềm hân hoan sung sướng vì đã trả được món nợ với người Thái, đang tràn trề hy vọng Cup Tiger sẽ ở lại Việt Nam thì, thật cay đắng, cái lưng của S.Kumar, Singapore, lại đè nát giấc mơ vô địch.

Cứ thế, mỗi kỳ Sea Games hay Tiger Cup (AFF Cup sau này) qua đi, lại một lần buồn rầu, thất vọng. Có những thế hệ cầu thủ được truyền thông tôn vinh lên là thế hệ Vàng, nhưng Vàng gì mà cứ đến "ngưỡng cửa thiên đường" là gục ngã, đến nỗi vị HLV giỏi người Áo là Alfred Riedl còn bị truyền thông Việt đặt cho biệt danh "Người chuyên về nhì".

Chung kết Sea Games đau xót nhất và lấy đi vài giọt nước mắt rất rất hiếm hoi của tôi là Chung kết 2003 trên sân Mỹ Đình và Chung kết Sea Games 2009 tại Vientiane. Cả 90 triệu dân Việt Nam và có thể tới cả triệu người Việt ở hải ngoại hồi hộp chờ đón tấm HCV đầu tiên, nhưng không hiểu vì sao, thắng tưng bừng ở vòng bảng hoặc thậm chí bán kết thì đến Chung kết đội tuyển của chúng ta lại "chết". Như cái dớp vậy!

Không ít lần nhìn Thái lan, Malaysia ghi bàn "cướp" mất HCV, nhìn vẻ mặt hớn hở vui sướng của các cầu thủ đội thắng trận, nhìn nụ cười như mỉa mai của Kiatisuk, tôi chỉ muốn đập ngay cái tivi vì ức chế, vì cay đắng, vì cảm thấy tổn thương lòng tự tôn dân tộc mặc dù vẫn biết bóng đá chỉ là "trò chơi", là vui...

Cay đắng nhất và buồn bực nhất chính là mất đi cả một lứa cầu thủ có chuyên môn cực kỳ tốt, lứa Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh,... ở Seagames 23. Sau vụ Bacolod ấy, tôi tự nhủ sẽ thôi xem bóng đá Việt Nam đi vì càng xem càng bực, càng đau tim.

Vẫn biết bóng đá Sea Games như cái ao làng, nhưng dù là cái ao, mà cứ "chết chìm" ở đấy chứng tỏ chúng ta chẳng ra gì. Cố thế cố mãi cũng không hy vọng gì khá khẩm. Tốt nhất là khỏi xem cho đỡ mất thời gian và đỡ phải tuyệt vọng.

Thật thế, bắt đầu sau cú hụt hẫng ở Vientiane, tôi tự nhủ không xem bóng đá Seagames và AFF Cup, không nhớ tên bất kỳ cầu thủ Việt Nam nào nữa, không ngó ngàng đến bóng đá nữa...

Cho đến khi người đàn ông Hàn Quốc có cái nickname "Ngài ngủ gật" xuất hiện bên cạnh Idol của tôi là ông Đoàn Nguyên Đức, rồi U23 VN đi Thường Châu Trung Quốc, thì niềm "si mê" với bóng đá Việt Nam lại quay trở lại. Niềm si mê vẹn nguyên!

Tôi đã khóc, nghẹn cả giọng, khi chứng kiến những cú cản phá penalty xuất thần của thủ môn Bùi Tiến Dũng, những bàn thắng từ cú cứa lòng đá phạt thần sầu của Quang Hải, những cú đi bóng lắt léo của Công Phượng, Xuân Trường, của các em U23 trong tuyết rơi trắng trời ở Thường Châu.

Niềm hy vọng sẽ chiến thắng ngọt ngào với bóng đá Thái Lan đặt vào thế hệ U23 Thường Châu cứ lớn dần, lớn dần. Chưa khi nào xem bóng đá Việt Nam tôi lại cảm thấy yên tâm và tự tin đến thế, dù chơi với các “ông kẹ” bóng đá Châu Á như Iraq, UAE, Qatar, Nhật Bản... Chưa bao giờ tôi lại dám chắc chắn sẽ "tẩn" Thái Lan thua trắng bụng như vào lứa U23 này như thế.

Giờ thì đến U22 Seagames 30. Tối qua, tôi đã bật khóc, giọt nước mắt tràn ngập niềm vui vỡ òa sau biết bao dồn nén tính bằng thập kỷ. Chúng ta đã vô địch!

Cho dù đã có lúc tôi không tin lứa U22 này tiếp nối được phong độ của lứa U23 của 2018, nhưng tôi đã nhầm. Các cháu trưởng thành một cách chậm rãi và chắc chắn đến không ngờ.

Người đàn ông Hàn Quốc nóng tính và nhiệt huyết có bí mật gì mà tài tình đến thế? Nếu không có ông ấy, liệu bóng đá Việt Nam có 2 năm tưng bừng này không? Ai trả lời cho tôi cái nào!

Đã có lúc tôi ước, tất cả lãnh đạo mà cũng có bầu nhiệt huyết, truyền được, khơi được ngọn lửa vì lòng tự tôn dân tộc như Sir Park Hang Seo nói "Vì chúng ta là người Việt Nam" để đất nước cũng bừng bừng khí thế như "ngọn lửa" bóng đá của 2 năm qua thì tốt biết bao nhiêu.

Sau HCV Sea Games 30, tôi sẽ không còn nặng nề với những ám ảnh "ăn thua" bởi những cú Santo của Kiatisuk và Natipon... 3-0 trước người Indonesia, chúng ta đã vô địch xứng đáng, đầy tự hào! Thật vậy đấy.

Cuối cùng thì chúng ta cũng "bơi" ra khỏi cái ao làng Đông Nam Á. Giờ là sông, rồi chắc chắn sẽ là tới biển. Là người Việt, dù là đàn ông hay đàn bà, cũng phải biết ở cuối dòng sông, biển nó rộng lớn thế nào. Làm trai, thì càng không thể không vẫy vùng ở ngàn khơi gió lộng.

Chúc mừng U22 Việt Nam! Chúc mừng chúng ta!

Nguyễn Hoàng

sau sea games chung ta da ra toi bien rong Đoàn Văn Hậu: ‘HC vàng SEA Games chỉ là bước khởi đầu’
sau sea games chung ta da ra toi bien rong Giấc mơ vàng
sau sea games chung ta da ra toi bien rong Thủ tướng gặp mặt, mời cơm chúc mừng tuyển bóng đá Việt Nam giành HCV SEA Games 30

/ vietnamnet.vn