14 năm sau lần gần nhất đăng cai SEA Games, công tác tổ chức môn bóng đá của Philippines vẫn chẳng hề thay đổi. Và hệ lụy là những lùm xùm từ trước khi giải bắt đầu.

Góc sân ở Bacolod, trong một trận đấu tại SEA Games 2005.

Theo cơ chế luân phiên, ngoài Campuchia và Timor Leste, chín thành viên khác của SEA Games sẽ lần lượt đăng cai dù muốn hay không. Chính vì vậy, việc Philippines nhận quyền tổ chức SEA Games 30 thay thế Brunei rút lui là một bất ngờ, nhất là khi nếu đúng chu kỳ phải sau hai đại hội nữa mới đến lượt họ.

Quyết định đó được cho là nhằm phục vụ kế hoạch đăng cai Asiad 2030 hoặc 2034. Cơ sở vật chất phục vụ thể thao của Philippines vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do được xây dựng từ SEA Games đầu tiên mà họ đăng cai, vào năm 1981. Với SEA Games 30, thể thao Philippines được Quốc hội nước này phê duyệt khoản ngân sách lớn để xây mới khu tổ hợp New Clark City Sports Hub. Cộng với cung thể thao trong nhà lớn nhất thế giới - Philipines Arena, đây là "át chủ bài" để họ nộp đơn đăng cai Asiad.

Nhưng, có vẻ như việc xây dựng các tổ hợp thể thao mới hoặc nhà thi đấu có sức chứa khổng lồ của Philippines lại không đi kèm với những chu đáo ở khâu tổ chức. Hình ảnh về một SEA Games có nguy cơ không thành công đã được giới truyền thông quốc tế loan tải, báo hiệu một đại hội nhiều biến cố có thể bị lặp lại như SEA Games 2005, lần gần nhất mà Philippines đăng cai.

Lịch sử SEA Games ghi nhận rất nhiều điều khác thường tại kỳ đại hội lần thứ 23 đó. Đầu tiên, khái niệm "nước nào đăng cai thì nước đó là số một toàn đoàn" đã được Philippines cụ thể hóa một cách mạnh mẽ nhất. Dù ở SEA Games 2001 và 2003, lần lượt là Malaysia và Việt Nam đều tận dụng "quyền đăng cai" để lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn, nhưng đó là diễn biến chấp nhận được do đã có sẵn thành tích thể thao phát triển. Như Việt Nam, từ sau năm 2003 đến nay luôn có mặt trong top 3 toàn đoàn, một sự khẳng định rõ ràng về nội lực. Ngược lại, thể thao của Philippines thường xuyên đứng ở vị trí thứ 5 hoặc 6 ở các kỳ SEA Games, riêng năm 2005 họ vọt lên đứng đầu bảng với số lượng HC vàng nhiều gấp đôi đoàn đứng thứ 3 là Việt Nam. Các nước chủ nhà sau họ, như Lào (2009), Myanmar (2013), Singapore (2015) dù cũng tạo thành tích "đột biến" nhưng không đến mức không tưởng như Philippines đã làm.

Để làm được điều đó vào năm 2005, Philippines đã thiết lập kỷ lục khi tổ chức đến 40 môn thi đấu, nhiều hơn bất kỳ sự kiện thể thao đa môn nào trên thế giới. Đến năm 2011, Indonesia phá kỷ lục với 44 môn. Nhưng con số này chẳng là gì so với 56 môn mà Philippines đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 30 lần này, mục đích không có gì khác là giúp họ tạo ra "kỳ tích" số một toàn đoàn như 14 năm trước.

Hồi năm 2005, các đoàn thể thao và giới truyền thông đã "than trời" vì khoảng cách giữa các địa điểm thi đấu. Dù từ các SEA Games trước đó, việc tổ chức thi đấu đã được chia về nhiều địa phương khác nhau nhưng phải đến khi Philippines tổ chức, người ta mới cảm nhận được "xa" là như thế nào. Hồi đó, bốn địa điểm khác ngoài thủ đô Manila đều nằm trên các hòn đảo khiến việc di chuyển trở nên phức tạp. Rồi ngay tại Manila, mỗi môn mỗi nơi, cách xa nhau hàng chục kilomet do lúc đó Philippines chưa có khu liên hợp tập trung đa môn. Đến SEA Games lần này, rút kinh nghiệm, họ chỉ tổ chức tại một khu vực quần đảo chính Luzon nhưng lại tiếp tục thiết lập "kỷ lục" khi có đến 23 thành phố lớn nhỏ cùng tổ chức sự kiện.

Để tổ chức thành công một sự kiện như SEA Games, tiêu chí quan trọng nhất là phải có kinh nghiệm. Nhưng trong bối cảnh mà số lượng môn thi đấu tăng quá nhiều, số địa điểm thi đấu cũng tăng, đương nhiên là sẽ có nhiều môn, nhiều địa phương của Philippines chưa từng trải qua công tác tổ chức và sai sót, thậm chí là rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô tổ chức cũng sẽ xuất hiện.

Không may, bóng đá lại rơi vào trường hợp đó và cũng là lý do khiến những phàn nàn về công tác tổ chức được cả thế giới biết đến. Dù chỉ dành cho độ tuổi Olympic, nhưng bóng đá nam vẫn là môn danh giá nhất của SEA Games cũng như các sự kiện thể thao như Olympic, Asiad. Tuy nhiên, bóng đá tại SEA Games là một sự kiện không được ghi nhận bởi FIFA hay AFC. Ví dụ như thành tích của môn điền kinh được tính để tìm "chuẩn Olimpic" nhưng bóng đá thì không. Thế nên, là môn thể thao vua nhưng tiêu chuẩn về sân bãi, điều kiện ăn ở, dành cho bóng đá tại SEA Games lại phụ thuộc hoàn toàn vào những gì mà nước chủ nhà có. Thậm chí, nếu muốn, họ còn có quyền bỏ bóng đá ra khỏi SEA Games.

Bóng đá của Philippines nằm trong nhóm kém phát triển. Mãi đến năm 2014, sau ba lần vào bán kết AFF Cup nhờ các cầu thủ Phi kiều, Philippines mới có giải chuyên nghiệp đầu tiên nhưng cũng phải đến 2017, giải này mới được xem là chính thức và cũng chỉ có năm đội tham dự. Đội bóng mạnh nhất, đúng nghĩa nhất của Philippines là Ceres – Negros liên tiếp vô địch và cầu thủ của họ cũng gần như "mặc định" trở thành những tuyển thủ quốc gia Philippines bên cạnh nhóm cầu thủ Phi kiều đang thi đấu ở nước ngoài. Ceres – Negros là đội bóng của thành phố Bacolos, nơi duy nhất có sự phát triển của bóng đá và cũng là nơi duy nhất có sân có đủ tiêu chuẩn để tổ chức bóng đá đẳng cấp quốc tế.   

Năm 2005, bóng đá bị "đày" tới Bacolod. Đó có lẽ là lần đầu tiên, môn thể thao vua bị đối xử tệ hại đến thế tại một sự kiện thể thao. Sân Panaad tại đây chỉ có 9.000 chỗ ngồi, được bao phủ xung quang bởi 60.000 cây cao su. Sân bóng được xây dựng năm 1997 thậm chí còn không đạt tiêu chuẩn của Đông Nam Á để tổ chức trận bán kết AFF Cup 2010. Nhưng đó là nơi đã diễn ra môn bóng đá của SEA Games 2005 bởi lúc đó, Philippines chưa có sân cỏ nhân tạo. Thậm chí, ở Bacolod khi đó, ngoài sân Panaad thì cũng chẳng còn sân bóng nào đủ tiêu chuẩn làm sân tập. Chính quyền phải cải tạo gấp một sân bóng cấp làng, không có khán đài, không hàng rào kiểm soát, để tổ chức các trận đấu cùng giờ với sân Panaad.  

Xe chở các đội bóng được tận dụng từ xe buýt địa phương, thừa cửa thiếu điều hòa trong khi đường xá lại còn nhiều nơi chưa trải nhựa, đầy bụi. Lực lượng dẫn đoàn khi đó là cảnh sát vũ trang đến tận răng do Bacolod nằm sát bên khu vực do phiến quân chống chính chính phủ kiểm soát. Khách quốc tế và giới truyền thông đến tác nghiệp được khuyến cáo không nên rời khách sạn, vốn cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi ở của U23 Việt Nam khi đó là khách sạn Circle Inn không khác mấy một nhà nghỉ. HLV khi đó là ông Alfed Riedl mỗi đêm phải vác ghế ra ngồi ngay sảnh chính để kiểm soát cầu thủ vì khách sạn không có khu vực dành riêng cho đội bóng, mọi sinh hoạt của cầu thủ lẫn khách thuê đều diễn ra ở khu sảnh rộng chừng 20m2.

Nếu nhìn từ Bacolod 2005, hoàn cảnh của bóng đá tại SEA Games 30 hiện nay đúng là tệ, nhưng cũng còn hơn nhiều so với 14 năm trước. Do có hai đội bóng ở Manila đang tham gia giải vô địch Philippines nên Ban tổ chức mới đưa môn thể thao vua về thủ đô và cho đá sân nhân tạo. Điều kiện vật chất tối thiểu, chưa từng có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện bóng đá quốc tế, đó chính là lý do mà diễn ra ở Manila nhưng những gì của 14 năm trước vẫn chẳng thay đổi dù hình thức thì có thể khác nhau.

Không may cho nước chủ nhà, bóng đá không có ý nghĩa nhiều với họ nhưng lại quá quan trọng với những quốc gia còn lại, nhất là giới truyền thông. Sự yếu kém của bóng đá đã thành tâm điểm. Cho dù khi đi vào lịch trình thi đấu chính thức, với nhiều sự kiện thể thao khác tạo thu hút sự chú ý, thì những điểm bị mất từ môn bóng đá cũng làm tổn hại hình ảnh của nước chủ nhà SEA Games 30.

Song Việt

Tiền đạo Indonesia: ‘Việt Nam chơi đẳng cấp hơn’
Khánh Thi bật khóc khi Phan Hiển giành HCV SEA Games
Ngày thi đấu thứ 2 SEA Games 30: Thể thao Việt Nam tiếp tục săn vàng
Việt Nam giành 10 HC vàng trong ngày đầu SEA Games 30
Vương Thị Huyền: Em muốn dành tặng tấm HCV cho bố mẹ đã khuất

/ vnexpress.net