Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm hàng nghìn con sau 30 năm gắn bó với Vườn quốc gia Tràm Chim, năm nay chúng không còn bay về kiếm ăn.

"Muốn ngắm chim thường phải đi trước 7h sáng, là lúc chúng rời tổ", nữ hướng dẫn viên Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho hay. Cô cũng nói, năm nay nước lũ thấp nên tour vào khu chim đẻ đã bị tạm đóng, du khách muốn ngắm sếu đầu đỏ thì càng khó hơn, vì phải đi vào mùa khô. Nhưng mùa khô năm nay, những người yêu sếu đã thất vọng não nề, khi chúng không còn về Tràm Chim kiếm ăn.

3818 dji 0842 jpg 6527 1607354991
Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim giữa tháng 11, năm nay đàn sếu không về nơi này kiếm ăn. Ảnh: Hoàng Nam

Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500 ha với 230 loài chim, 130 loài cá, 130 loài thực vật, được chia làm 5 tiểu khu. Trong đó, A1 và A5 được cho hoạt động du lịch. Các phân khu còn lại bao gồm A2 là bãi đẻ của chim, A3 bảo tồn các loài cá, A4 là bãi kiếm ăn chính của sếu đầu đỏ. 8 năm trước, nơi này được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ 4 của Việt Nam.

Cách vườn quốc gia hơn 2 km, buổi trưa ông Hai Niểu, 70 tuổi, cựu binh đã sống trọn một đời người ở Tràm Chim đang ngồi uống trà trước hiên nhà. Khi được hỏi về sự thưa dần của đàn sếu, già Hai không khỏi nuối tiếc. Ông bảo, dân gian thường gọi con sếu là xéo, hạc. Hơn 40 năm trước, sếu ở xứ bưng biền này nhiều vô kể, tầm 4h sáng là đã nghe chúng gáy vang cả một vạt đồng. Những hôm bộ đội hành quân, gặp buổi sáng sớm sương mờ, nhìn đàn sếu từ xa kiếm ăn đông nghịch hàng nghìn con, họ tá hỏa tưởng là quân địch.

"Có bận địch đi càn, xả súng từ máy bay, đàn xéo bay không kịp nằm chết như rạ, tụi lính đã bắt về làm thịt bớt. Nhưng khi máy bay rút đi, tụi tui mò đến xem, dưới đất vẫn còn xác cả trăm con", già Hai nhớ lại.

3823 dsc0423 jpg 8834 1607354991
Ông Nguyễn Văn Niểu kể lại đàn sếu hàng nghìn con hơn 40 năm trước. Ảnh: Hoàng Nam

Cùng chung sự tiếc nuối, ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim cho hay, không rõ sếu sống ở Tràm Chim từ khi nào, nhưng khoảng 34 năm trước, đàn sếu tại đây đã trên 1.000 con.

Sau năm 1986, đoàn chuyên gia do Tiến sĩ Lê Diên Dực (hiện là Giáo sư), giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đến khảo sát. Nhận thấy đây là nơi bảo tồn được đàn sếu với số lượng lớn, trước nguy cơ loài chim quý này đang sắp tuyệt chủng toàn cầu, một hội nghị giữa các tổ chức môi trường trong và ngoài nước với tỉnh Đồng Tháp được tổ chức sau đó để bàn giải pháp bảo tồn dài hạn.

Sếu đầu đỏ có đặc điểm nổi bật, phần đầu, cổ của chúng trụi lông và có màu đỏ. Vằn trên cánh và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ; chim non lông màu sẫm hơn. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m; sải cánh 2,2 - 2,5 m và có trọng lượng 8-10 kg.

Theo ông Hải, sếu sinh sản tại Campuchia từ tháng 9 đến tháng 11, 12. Tại Tràm Chim, chúng xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4, tháng 5, khi có mưa nhiều, sếu bắt đầu bay đi. Sếu sống theo gia đình 3-4 con, thường từ một đến 1,5 tuổi, chim con bắt đầu tách bầy và vòng đời có thể lên đến 40 năm.

21 năm trước, các chuyên gia đã gắn thiết bị theo dõi đường bay một số cá thể sếu làm dữ liệu nghiên cứu. Trước nhiều nỗ lực bảo tồn, nhưng theo từng năm, sếu bắt đầu về Tràm Chim giảm dần, năm 2015: 21 con, 2016: 14 con, 2017: 9 con , 2018: 11 con, 2019: 11 con.

Ông Hải cho biết, mỗi năm từ tháng 1 đến tháng 4, mùa khô nhưng nền đất vẫn đủ độ ẩm cho củ năn phát triển, là món khoái khẩu của sếu, ngoài ốc, cua, cá, chuột. Nếu có mưa trái mùa, bãi năn sẽ bị ngập úng, hoặc nắng gắt kéo dài, đất cứng năn cũng không phát triển. Trước đây, Tràm Chim ít kênh rạch, phèn còn nhiều nên năn phát triển tốt, bãi năn khi đó ít nhất phải vài nghìn ha. Những năm gần đây, người dân khai phá đất trồng lúa, diện tích năn giảm, hiện chỉ còn khoảng 300 ha. Ngoài ra, nước lũ về ít, không rửa trôi được các bả thực bì, đồng thời giảm lượng thủy sản là thức ăn chính của chim.

Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, số lượng sếu đầu đỏ ở khu vực hạ lưu sông Mekong (Việt Nam và Campuchia) giảm rất nhanh trong những năm gần đây.

Hội Sếu quốc tế (ICF) ước tính có khoảng 1.100 cá thể năm 1990 và được duy trì trên dưới 900 cá thể đến năm 2002. Sau đó loài này suy giảm khoảng 1% mỗi năm cho đến 2013, còn khoảng 850 cá thể. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2019, sếu đầu đỏ suy giảm đến 72%, còn 234 cá thể. Năm 2020 ước tính chỉ có 179 cá thể.

Tại Việt Nam, năm nay không thấy cá thể sếu nào bay về, chỉ ghi nhận 7 cá thể bay ngang khu vực Phú Mỹ (Kiên Giang), nhưng chúng cũng không đậu lại.

Ông Bảo nhận định, sự suy giảm quần thể sếu có rất nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do mất sinh cảnh sống. Sinh cảnh rừng khộp (rừng khô cây họ dầu) là nơi lý tưởng cho sếu sinh sản vào mùa mưa (tháng 6 - 9) đã bị phá hủy gần như hoàn toàn ở vùng Đông Bắc Campuchia và Tây Nguyên Việt Nam.

Trong khi đó, các sinh cảnh đất ngập nước tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và xung quanh Biển Hồ (Campuchia) đã chuyển đổi thành đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trồng lúa nhiều vụ, thay đổi thủy chế và sử dụng quá mức hóa chất nông nghiệp đã làm phá vỡ cân bằng hệ sinh thái dẫn đến sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Ngoài ra, việc quản lý và bảo vệ tại các khu bảo tồn, việc "trồng rừng" không phù hợp cũng dẫn đến sự biến mất của loài sếu.

Tại các quốc gia khác như Myanmar, do dân thưa, việc phát triển nông nghiệp ở Đồng bằng Ayeyarwady chưa ở mức cao, chỉ trồng lúa một đến hai vụ mỗi năm. Sếu ở đó sống thân thiện với con người, làm tổ sinh sản ngay trên ruộng lúa do vậy việc bảo vệ tương đối dễ dàng hơn.

Ở Thái Lan, sếu đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên từ những năm 1980. Từ năm 2011, quốc gia này đã khởi động chương trình tái thả sếu. Đến nay, có khoảng 100 cá thể sinh sống và có khả năng sinh sản ngoài tự nhiên. Việc nhân nuôi và tái thả sếu nói riêng và bất cứ loài động vật hoang dã nào nói chung là rất tốn kém, phải qua nhiều quy trình và công đoạn.

Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước khẳng định, công tác bảo tồn trong nước đang trong giai đoạn mong manh, nhưng các trung tâm bảo tồn có thể thay đổi cách tiếp cận để quản lý hệ sinh thái phù hợp, từ đó có thể hy vọng đàn sếu được phục hồi trở lại. "Trong trường hợp sếu tuyệt chủng ngoài tự nhiên ở Việt Nam, việc học hỏi kinh nghiệm tái tạo môi trường sống và tái thả như ở Thái Lan cũng là điều cần được lưu ý", ông Bảo nói.

4222 anh seu dau do 4 3725 1607354991
Sếu đầu đỏ tại khu bảo tồn Anlung Pring, Kampong Trach, Kampot (Campuchia), cách Hà Tiên (Kiên Giang) 30 km, năm 2015. Ảnh: Nguyễn Công Toại.

Hai năm trước, sự kiện con sếu già trống "chung thủy" suốt 20 năm ròng đều bay trở lại, sau đó chết ở Tràm Chim được nhiều người dân tin tưởng là một tín hiệu lạc quan. Ban đầu, nhân viên trung tâm dự định chôn cất nó ở tiểu khu A4, bãi kiếm ăn chính của sếu như là một sự trở về. Sau đó, nó được xử lý làm tiêu bản, trưng bày tại sảnh chính của Trung tâm xúc tiến du lịch Tràm Chim, để người dân có thêm cơ hội tìm hiểu.

Khi được hỏi về tương lai của đàn sếu ở Tràm Chim, già Hai Niểu bảo mình không phải là nhà khoa học nên cũng không rõ, nhưng ông chắc chắn một điều là mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi, các loài bản địa ngày càng bị tuyệt diệt.

"Hy vọng, năm, mười năm nữa, mấy đứa con cháu sẽ lại được nhìn thấy đàn sếu quay về bên những đồng năn, chứ không phải bổ túc kiến thức từ mấy con sếu này", ông Hai vừa nói, vừa chỉ tay về phía bức tường bên trong căn nhà cũ kỹ. Đó là nơi treo bức tranh được vợ ông kỳ công thêu tay, cảnh một gia đình sếu đang vỗ cánh bay lên.

Hoàng Nam

Chợ nông sản tận diệt chim trời Chợ nông sản tận diệt chim trời

Hàng ngàn con chim lớn nhỏ đủ loại bị săn bắt từ tự nhiên đang hoảng loạn, sợ sệt, run rẩy, đờ đẫn trong các ...

/ vnexpress.net