Victor Lustig rỉ tai 5 thương gia giàu có tại Pháp rằng tháp Eiffel sẽ bị tháo dỡ với 7.000 tấn sắt phế liệu.
Sinh tại Áo - Hung vào năm 1890, Robert V. Miller thành thạo nhiều ngoại ngữ và có tài ăn nói. Nhưng thay vì dùng năng lực nổi trội vào công việc lương thiện, ông ta lại đi lừa đảo dưới tước hiệu tự phong "Bá tước Victor Lustig".
Chiêu Victor thường sử dụng là dụ nạn nhân mua chiếc hộp có khả năng in tiền vô hạn. Ban đầu, bá tước dỏm lân la bắt chuyện với các doanh nhân thành đạt trên những chuyến tàu viễn dương. Khi nói chuyện về sở hữu tài sản, ông ta "sơ ý" tiết lộ mình sở hữu cỗ máy in tiền và bất đắc dĩ phải cho chiêm ngưỡng chiếc hộp có chứa máy móc in ấn phức tạp.
Chiếc hộp Rumania được đem ra lừa đảo rằng có khả năng "in tiền vô hạn".
Để "biểu diễn" công năng của chiếc hộp, Victor nhét vào tờ tiền mệnh giá 100 USD. Sau khoảng 6 tiếng, cỗ máy sẽ "in" ra tờ tiền thật (thực tế đã được đặt vào từ trước), người xem có thể đem tới ngân hàng để chứng thực. Khi con mồi nổi lòng tham đòi mua lại hộp, Victor ra vẻ không đành lòng nhưng rốt cục vẫn rời xa món đồ với mức giá khoảng 10.000 USD. Số tiền này có thể gấp hai, ba lần nếu nhiều người cùng đấu giá. Trước khi đi, Victor nhét thêm tiền thật vào hộp để câu giờ chạy trốn.
Với vẻ ngoài lịch lãm, nói chuyện khéo léo và khả năng "đọc vị" người đối diện, Victor còn khiến nhiều con mồi mắc lừa với các chiêu trò ranh mãnh khác. Nhưng trò lừa đảo táo tợn và ngoạn mục nhất có là rao tháp Eiffel.
Tháng 5/1925, một tờ báo ở Paris có bài phản ánh tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tháp Eiffel sau hơn 30 năm đưa vào sử dụng. Trong bài nêu việc chính phủ Pháp đang cân nhắc tháo dỡ tháp thay vì tu sửa. Rất nhanh, Victor coi thông tin này như cơ hội kiếm tiền.
Tại Paris, Victor thuê người làm giả giấy tờ để mình "đóng vai" quan chức của chính phủ Pháp. Với câu chữ mơ hồ nhưng trịnh trọng, ông ta gửi thư mời năm nhà buôn sắt vụn lớn nhất trong thành phố tới gặp mặt tại khách sạn Crillon (một trong những khách sạn hào nhoáng bậc nhất của Paris) để bàn chuyện khẩn.
Kết thúc màn đón tiếp trang trọng, Victor nói tháp Eiffel sẽ bị tháo dỡ vì chi phí tu sửa tốn kém. 7.000 tấn sắt vụn phát sinh sẽ thuộc về người trả giá cao nhất. Để thêm phần đáng tin, vị bá tước nhấn mạnh rằng tòa tháp bị nhiều người ghét bỏ, và thực tế chỉ có mục đích làm cổng chào cho Triển lãm Thế giới 1889, chưa từng được thiết kế để tồn tại lâu dài.
Trước khi ra về, năm vị khách còn được dặn giữ kín chuyện vì quyết định tháo dỡ tòa tháp sẽ rất gây tranh cãi.
Tháp Eiffel trong quá trình xây dựng.
Năm ông chủ đặt giá thầu trong vài ngày sau, nhưng Victor đã chọn sẵn con mồi là Andre Poisson vì người này mới chân ướt chân ráo tới thành phố. Siêu lừa vừa tiết lộ Andre đã thắng thầu vừa than phiền rằng thu nhập quan chức như mình quá bèo bọt. Hiểu ý, Andre đưa cho Victor 70.000 USD để chắc thêm phần thắng thầu.
Cầm tiền trong tay, Victor trốn tới Áo sống xa xỉ. Nhiều tuần trôi qua nhưng không thấy báo chí đưa tin về vụ lừa đảo, siêu lừa cho rằng nạn nhân thấy xấu hổ nên không dám báo tin cho nhà chức trách.
Sáu tháng sau, Victor trở về Paris với ý đồ bán tháp Eiffel lần thứ hai với năm chủ buôn sắt vụn khác. Tuy nhiên, con mồi lần này có vẻ tỉnh táo hơn nên đã báo cảnh sát. Hắn lập tức trốn sang Mỹ.
Robert V. Miller có vết sẹo dài ở má trái.
Tới 1930, Victor hợp tác với chuyên gia hóa học để làm tiền giả và thu lời lớn. Victor sa lưới tại thành phố New York vào năm 1935.
Ngay trước ngày diễn ra phiên tòa, Victor bện ga giường thành dây thừng rồi trốn thoát khỏi nhà giam.
Một tháng sau, Victor bị bắt trở lại tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Ông ta nhận tội, chịu án 20 năm tại nhà tù kiên cố Alcatraz của Mỹ. Đầu năm 1947, siêu lừa qua đời do biến chứng viêm phổi. Mục nghề nghiệp trên giấy chứng tử của Victor ghi hắn là "nhân viên bán hàng học việc".
Pháp dựng hàng rào kính 40 triệu USD chống khủng bố quanh tháp Eiffel Chính quyền Paris xây hàng rào bằng kính và kim loại xung quanh tháp Eiffel để chống lại các mối đe dọa từ khủng bố. |
Tiết lộ gây sốc về thương vụ mua bán sắt vụn tháp Eiffel Victor Lustig được biết đến như một trong những siêu lừa nổi tiếng nhất mọi thời đại với thương vụ mua bán sắt vụ tháp ... |
Quốc Đạt (Theo Smithsonian Magazine)