Nhà hát Cải lương Hà Nội đã dàn dựng xong vở “Sóng dậy chốn mê cung” từ kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng. Câu chuyện lịch sử về “Cậu trời” Đặng Mậu Lân đã nhiều lần được khai thác trong văn học, nghệ thuật, nhưng ít ê kíp sáng tạo nào chọn cách giải quyết vấn đề thấu tình mà dữ dội như ở vở cải lương này.
Ba năm trước, Nhà hát Tuổi trẻ tạo tiếng vang khi dàn dựng vở “Công lý không gục ngã” cũng với kịch bản này của tác giả Lê Chí Trung. Tiết tấu nhanh, mạnh, sự quyết liệt, kịch tính đã làm nên thành công của vở diễn đến nay còn “sáng đèn”.
Song, NSƯT Trần Quang Hùng quyết dấn thân vào tác phẩm này, bởi ông cho rằng nhu cầu của khán giả cải lương có nhiều khác biệt. Phải nói, đây là một kịch bản hay. Câu chuyện ở thế kỷ XVIII, thời kỳ cuối trào của Chúa Trịnh, triều đình chao đảo, nhiễu nhương, với bà Tuyên phi Đặng Thị Huệ đầy tham vọng quyền lực, cùng em trai - Quận mã Đặng Mậu Lân hống hách làm càn, đã hấp dẫn không biết bao nhiêu ngòi bút.
Tác giả Lê Chí Trung vốn nổi danh trong việc khai thác đề tài lịch sử từ những lát cắt rất đời, đã phóng tác một vở kịch để mỗi đạo diễn lại có cách suy tính, nhào nặn theo hướng khác nhau. Đạo diễn Trần Quang Hùng chọn một lối tư duy mà theo ông hợp với khán giả của nghệ thuật cải lương nhất: Giải quyết mọi chuyện bằng chữ tình.
Ngay từ đầu vở, khán giả đã gặp hai chị em Đặng Thị Huệ và Đặng Mậu Lân nơi địa ngục, khi chị vừa bị đày xuống còn em thì đang bị “đầu trâu mặt ngựa” dẫn đi. Họ đã ngộ ra sai trái mà mình gây ra nơi trần thế, hứa sẽ cùng vượt qua khổ ải, chấm dứt nghiệp ác để tái sinh vào kiếp khác sống cuộc đời lương thiện.
Và tấm màn nhung mở lối cho khán giả trở lại câu chuyện của họ trước đó. Đặng Mậu Lân chèn ép người dân, cướp bóc tài sản, hiếp đáp con gái nhà lành giữa ban ngày, không từ cả công chúa - tuy là vợ nhưng đã có giao ước chưa được hợp cẩn. Rồi khi bị Sử Trung Hầu ngăn cản, hắn giết luôn người này. Đặng Thị Huệ bênh em, mè nheo với Chúa Trịnh Sâm để bỏ qua cho em trai mình. Chúa dù biết chuyện, thương con, xót dân nhưng yêu chiều vợ nên không dám ra tay.
Vậy ai là người đứng ra thực thi công lý? Đạo diễn điều chỉnh để cả hai danh nhân Lê Quý Đôn và Ngô Thì Nhậm cùng nhận trách nhiệm này. Họ tiêu biểu cho tính cách kẻ sĩ Bắc Hà - tài giỏi, kiên định, không chùn bước trước cường quyền. Hai vị quan mất nhiều công sức phân tích, thu thập nhân chứng, vật chứng để kết tội Đặng Mậu Lân. Nhiều lúc câu chuyện đi vào bế tắc khi những người chứng kiến đều đã bị Mậu Lân “xử”. Đạo diễn đã khéo léo gỡ bằng việc tổ chức chuyến thăm lén lút cửa sau của Chúa đến tư gia hai vị quan, hối thúc họ mở phiên xử, đòi công bằng cho con dân.
Dù được nhiều phía ủng hộ nhưng không ai dám chắc phiên xử thành công. Đạo diễn dùng cách sắp đặt không gian vừa thực vừa ảo, để công chúa, đám người hầu ở phủ Đặng Mậu Lân và chồng của người phụ nữ bị cưỡng hiếp xuất hiện trên công đường làm chứng. Những lời kể đau đớn, thê thiết như vết dao cứa vào người nghe, khiến cho Đặng Thị Huệ cũng không thể chấp nhận nổi tội ác tày trời của em mình, khiến Đặng Mậu Lân cúi đầu.
Nhưng nút thắt cuối cùng được gỡ không phải khi vụ án khép lại, Đặng Mậu Lân bị xử trảm, mà là câu chuyện của hai chị em họ Đặng sau đó. Họ đã có những tháng ngày thơ bé lương thiện, đẹp đẽ mà vì sao ra nông nỗi này? Đặng Thị Huệ cho rằng lỗi ở mình và chính mình bỏ độc vào bát canh mời em nơi nhà lao. Đặng Mậu Lân lúc này cũng đã nhận ra sai trái, tự nguyện đi vào cõi chết.
Tuy vở diễn còn có những vấp váp, hơi ít phần ca để khán giả phải trầm trồ nhưng dàn diễn viên có NSƯT Mỹ Vân, NSƯT Thi Nhung, Hoàng Dân, Đức Long, Xuân Hùng... đều tròn vai. Tình huống được đẩy lên vừa phải, mọi nút thắt đều được tháo gỡ bằng cái tình và sự ngộ ra của người trong cuộc. “Sóng dậy chốn mê cung” quả thật đã làm vừa lòng khán giả yêu cải lương, giữ họ ở lại rạp Hồng Hà suốt hơn hai giờ.
Xót xa cảnh đời nghệ sĩ cải lương bán vé số mưu sinh ở tuổi 86 Nghệ sĩ Phi Hùng từng là kép chánh của sân khấu Kim Chưởng - một đoàn hát lừng lẫy của cải lương miền Nam nhưng ... |
Việc cần làm ngay để cứu cải lương Sáng 28-4, hội thảo khoa học "Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) - Những vấn ... |
Cải lương qua 1 thế kỷ: Thời hoàng kim và thế hệ vàng Cải lương có lẽ phát triển rực rỡ nhất vào khoảng giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970. Giai đoạn này xuất hiện ... |