Nữ anh hùng Zoya Kosmozemyanskaya đã trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Sự kiện liên quan đến tấm gương hi sinh anh dũng của Zoya được phóng viên tờ Pravda Piotr Lidov đưa tin từ cuối 1941. Cô nữ sinh 18 tuổi người Moscow tự nguyện tham gia du kích ngay từ ngày đầu chiến tranh. Mùa đông năm 1941, khi đốt dãy chuồng ngựa của quân Đức ở làng Petrisevo, cô bị địch bắt và bị treo cổ.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, xuất hiện giả thuyết cho rằng chính dân làng Petrisevo đã phục bắt và giao nộp Zoya cho bọn Đức. Việc này thực sự gây cú sốc trong công luận và xã hội. Cuối cùng, hồ sơ lưu trữ đã được tiết lộ. Zoya không phải là du kích, mà là một chiến sĩ quân báo, và cô hi sinh là do bị phản bội.
Nữ anh hùng Liên Xô Zoya Kosmozemyanskaya. Ảnh: Rg.ru |
Khi tấn công Liên Xô, quân Đức đặt mục tiêu kết thúc chiến tranh chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Hồng quân đã làm thất bại ý đồ của chúng. Quân Đức buộc phải phòng ngự và đóng quân trong các điểm dân cư dọc hai bên quốc lộ.
Việc đẩy bọn phát xít ra đồng không giá lạnh trở thành một nhiệm vụ cấp bách, nên ngày 17/11/1941, Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Hồng quân Liên Xô ra lệnh lập các đơn vị đặc nhiệm nhằm đốt, phá các làng nằm trong hậu phương quân Đức ở khoảng cách 40-60km từ tiền duyên và 20-30km dọc hai bên đường cái.
Ngày 26/11/1941, đơn vị đặc nhiệm số 9903 do Trung tá A. K. Sprogit chỉ huy phái một tổ 3 người đột nhập làng Petrisevo để đốt cháy doanh trại quân Đức đang đóng ở làng này. Tổ này gồm tổ trưởng Krainov cùng hai tổ viên Klupkov và Zoya. Chỉ Krainov trở về, còn Klupkov và Zoya xem như đã hi sinh.
Cuối tháng 2/1942, Klupkov bất ngờ trở về và báo cáo rằng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh ta bị bắt và đã cố thoát khỏi bọn phát xít trở về đội ngũ. Trong bản tường trình, Klupkov viết rằng không biết gì về số phận Zoya. Sự việc xem như dừng ở đây. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, có lệnh bắt giam với Klupkov.
Phòng Quân báo Phương diện quân Miền Tây nghi ngờ Klupkov không thi hành nhiệm vụ, tự nguyện đầu hàng địch, khai báo đồng đội và được quân Đức tuyển làm điệp viên. Và nếu đúng vậy thì Klupkov trở về đơn vị cũ không phải với tư cách tù binh trốn trại, mà là gián điệp xâm nhập vào nội bộ Hồng quân.
Theo Krainov, “tôi ra lệnh mỗi người đi một hướng để tiếp cận làng Petrisevo. Các khu vực do tôi và Zoya đảm nhiệm bốc cháy, tôi rút về điểm tập kết, chờ 10 tiếng nhưng không thấy họ quay lại. Klupkov không hoàn thành nhiệm vụ, không thấy ánh lửa ở nơi giao cho anh ta... Klupkov có biểu hiện ngại chiến đấu, tôi phải ép anh ta mới đi..”.
Trong khi đó, Klupkov cũng nhiều lần thay đổi lời khai. Thoạt đầu, Klupkov nói khi bị bắt và tra tấn, anh ta chỉ khai mình là chiến sĩ Hồng quân. Sau anh ta bổ sung là có khai tên Zoya và Boris (Krainov), nhưng không nói họ của hai người. Anh ta nói: “Mờ sáng, bọn địch dẫn Zoya đến. Bị đánh, tôi nói có biết Zoya nhưng không nói phiên hiệu và địa điểm đóng quân của đơn vị, còn Zoya cũng khai có biết tôi”, nhưng sau lại khai “dù bị đánh đập, song Zoya phủ nhận là có biết tôi”.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và qua cung tù binh, cuối cùng, các điều tra viên đã tái hiện được mọi việc. Sau khi vượt chiến tuyến tại khu vực làng Zorokhovo, Tổ trưởng Krainov phân chia khu vực phải đốt cho mỗi người.
Trên đường tiếp cận mục tiêu, Klupkov nhìn thấy những đám cháy bùng lên ở hướng do Krainov và Zoya phụ trách. Đúng lúc đó, xuất hiện lính Đức. Chúng bắn dữ dội. Klupkov hoảng sợ bỏ chạy và bị bắt. Quân Đức giải Klupkov về sở chỉ huy ở giữa làng. Bị doạ bắn, Klupkov đã khai ra nhiệm vụ cũng như tên tuổi các thành viên trong tổ. Quân Đức lập tức tổ chức truy bắt Zoya và Krainov.
Trong khi đó, Klupkov tiếp tục khai rằng tổ 3 người thuộc Phòng Quân báo Phương diện quân Miền Tây, đóng quân gần làng Kulsevo. Phòng có 400 cán bộ, chiến sĩ, hiện đang tập trung thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tổ chức các nhóm biệt động để phá hoại, quấy rối hậu phương quân Đức. Y cũng khai ra tên của thủ trưởng phòng, cũng như chỉ huy các phân đội mà y biết.
Gần sáng, bọn Đức áp giải Zoya đến. Klupkov xác nhận đó là nữ chiến sĩ quân báo Zoya, được giao nhiệm vụ đốt góc phía tây doanh trại Đức. Về phần Zoya, cô không khai báo gì về mình và đồng đội, kể cả Klupkov. Zoya bị bọn lính Đức tra tấn tàn bạo hòng moi tin tức nhưng cô nhất định không hé răng nửa lời, kể cả tên thật của mình. Ngày 29/11/1941, Zoya bị quân Đức treo cổ khi tuổi đời mới 18.
Mọi việc như vậy là đã rõ. Cô nữ sinh Zoya tình nguyện ra trận và trở thành chiến sĩ quân báo của Hồng quân Liên Xô, chứ không phải là du kích như trước nay vẫn nói. Cô đã anh dũng hi sinh do việc khai báo của tên đồng đội phản trắc Klupkov. Ngày 16/2/1942, Zoya được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Còn Klupkov, cuối cùng y phải khai ra sự thật, nhưng điều này cũng không thể biện minh cho hành vi hèn nhát của y. Ngày 3/4/1942, Toà án quân sự Phương diện quân Miền Tây kết án tử hình Klupkov vì tội phản bội Tổ quốc. Bản án được thi hành ngày 16/4/1942.
Nguyên Phong