(Tin tức thời sự) - Ngoài phương án của các chuyên gia Nga, Bộ GTVT còn nhận được nhiều phương án khác của Đức, Nhật Bản về việc sửa mặt cầu Thăng Long.
Chiều ngày 28/9/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng với chuyên gia Nga tiến hành khảo sát tình trạng mặt cầu Thăng Long (TP. Hà Nội). Sau buổi kiểm tra, hai bên mới chỉ trao đổi về mặt nguyên tắc.
Một trong những mục tiêu của Bộ GTVT là mời các chuyên gia đã từng tham dự xây dựng cầu Thăng Long, trong đó có một chuyên gia xử lý trực tiếp vấn đề dính bám giữa mặt cầu với kết cấu bê tông nhựa. Đồng thời, lấy ý kiến của các chuyên gia Nga làm kênh để đánh giá các giải pháp sửa mặt cầu Thăng Long.
“Bộ cũng đã nhận được các phương án khác của Nhật, Đức. Giải pháp nào đảm bảo độ tin cậy cao nhất, phù hợp với điều kiện của chúng ta sẽ lựa chọn” - ông Đông cho biết.
Đầu tháng 9/2018, nói về việc sửa mặt cầu Thăng Long, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thẳng thắn bày tỏ: "Cầu Thăng Long không sửa được thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong".
Mặt cầu Thăng Long nham nhở sau nhiều lần sửa chữa.
Mục tiêu sửa mặt cầu lần này được ông Thể đặt ra phải bền vững ít nhất 10 năm trở lên. Để làm được điều đó, toàn ngành giao thông đã thống nhất mời chuyên gia Nga sang giải quyết.
Quyết định này được GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục - nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam ủng hộ.
"Đúng là suốt 10 năm qua chúng ta đã có gần 10 lần cải tạo, sửa chữa mặt cầu Thăng Long nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại xảy ra hiện tượng lún nứt, tạo sống trâu... gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trước đây, cầu Thăng Long được Liên Xô thiết kế dùng công nghệ tương đối cầu kỳ, trước khi rải nhựa thì ở dưới đã có những viên đá tạo nhám làm tăng độ bám nên độ bền rất cao lên tới 15 - 20 năm. Sau này khi sửa chữa, Việt Nam lại dùng các loại nhựa khác nhau "nói thì hay nhưng chữa không thành.
Những lần sửa chữa trước, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cũng đặt ra vấn đề tốt nhất là liên hệ với các chuyên gia Nga để nhờ tư vấn, họ làm như nào mình làm như thế thử xem. Còn công nghệ của Mỹ, Nhật Bản cũng có ưu điểm nhưng không phù hợp với kết cấu cầu Thăng Long" - GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục nói.
Còn theo GS.TS Bùi Xuân Cậy - Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học GTVT Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến việc sửa mặt cầu Thăng Long nhiều lần nhưng vẫn bị hỏng là do các lần sửa chữa không phù hợp với kết cấu, công nghệ làm cầu mà người Nga đã dựng lên.
Tuy nhiên, ông Cậy cho rằng, không nhất thiết phải mời chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia giao thông ở Việt Nam hoàn toàn có thể sửa chữa mặt cầu Thăng Long với độ bền cao nhưng quan trọng là Bộ GTVT phải chịu bỏ tiền ra để họ nghiên cứu và thử nghiệm.
GS.TS Bùi Xuân Cây khẳng định: "Ngày nay, chuyên gia giao thông của Việt Nam cũng đi học ở nước ngoài, trong quá trình công tác cũng thường xuyên giao lưu, học hỏi với các nước khác nên công nghệ của họ cũng được mình tiếp thu. Không phải vì chuyên gia trong nước không biết đến công nghệ đó mà cái chính là Bộ GTVT có quyết cho họ làm hay không".
Mặt cầu Thăng Long còn lâu mới hết ổ gà, nứt toác? Từ năm 2009 đến nay, mặt cầu Thăng Long luôn rơi vào tình trạng "sửa xong chưa được bao lâu lại hỏng". Tổng cục Đường ... |
Hơn 10.000m2 mặt cầu Thăng Long bị hằn lún Mặt đường bê tông nhựa của cầu Thăng Long ngày càng hư hỏng nặng, cần được sửa chữa tổng thể. |
Vân Du