Nhìn chai nước ngọt, bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao người ta không đổ đầy chai nước mà phải chừa lại một ít khoảng trống trong chai?

Nước ngọt là thức uống khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, có bao giờ bạn để ý và thắc mắc tại sao người ta không đóng chai nước ngọt đầy đến nắp hay không? Phải chăng nhà sản xuất bớt đi một chút nước để giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận?

Tại sao người ta không đóng chai nước ngọt đầy đến nắp?

Theo nhà sản xuất, người ta không đóng chai nước ngọt đầy vì những vấn đề liên quan đến áp suất của chất khí trong chai.

Khi sản xuất chai lọ, người ta thường làm dư thể tích bên trong để đảm bảo đựng đúng lượng nước theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất mà vẫn thừa một khoảng trống dành cho sự co giãn không khí.

Nhà sản xuất tính toán như vậy để tránh trường hợp nhiệt độ ở nơi bảo quản nước ngọt cao hơn nhiệt độ nơi sản xuất. Nếu nước được đóng đầy đến nắp, không chừa một phần không khí trong chai thì khi nhiệt độ môi trường tăng lên, thể tích nước nở ra sẽ gây vỡ chai, bật nắp, biến dạng vỏ...

Còn nếu chai có khoảng trống, phần không khí nở ra đó vẫn có đủ chỗ, sẽ chịu nén giữ cho chai nước được an toàn; bởi vì chất lỏng không thể chịu nén, trong khi khí thì ngược lại.

Tại sao người ta không đóng chai nước ngọt đầy đến nắp? (Ảnh: Ryanspiteri)

Tại sao người ta không đóng chai nước ngọt đầy đến nắp? (Ảnh: Ryanspiteri)

Ngoài ra, khi chất lỏng nở ra nhưng bị nắp chai cản trở, áp lực lớn sẽ bị hình thành. Do đó nếu chai nước được đóng đầy, nắp sẽ bật ra, gây ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn gây ra nguy hiểm cho người sử dụng. 

Chưa kể khi chai chạy qua dây chuyền sản xuất, nếu nước được rót đầy đến miệng chai thì chất lỏng sẽ sóng sánh ra ngoài, gây hại cho dây chuyền. Khi người tiêu dùng mở chai để uống, lượng nước đầy sẽ rất dễ đổ ra tay hoặc quần áo, đồ dùng. 

Như vậy, tính chất đặc trưng của chất lỏng đã dẫn đến các sự thay đổi trong quá trình sản xuất, di chuyển cũng như bảo quản. Đó là lý do tại sao người ta không đóng chai nước ngọt đầy đến nắp. Cách đóng chai này sẽ đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm nước giải khát cũng như sự an toàn.

Uống nước ngọt thường xuyên có hại gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ngọt không phải là một dạng đồ uống được khuyến khích sử dụng nhiều vì những hạn chế với mặt sức khoẻ, đặc biệt là đối với trẻ em. Việc uống quá thường xuyên có thể gây rất nhiều tác hại.

Béo phì

Lượng đường cao trong các loại nước ngọt gây ra tình trạng béo phì, thừa cân. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ quá nhiều loại thức uống này cũng làm tăng áp lực lên hệ thống miễn dịch và tim mạch, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tăng nguy cơ tiểu đường

Theo một nghiên cứu ở Đan Mạch, việc uống nước ngọt mỗi ngày liên tục trong 6 tháng sẽ dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa xung quanh gan và cơ xương. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ kháng insulin trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bào mòn răng

Các thành phần đường và axit cao trong nước ngọt có gas gây ra tình trạng hình thành men răng và sâu răng. Thậm chí, nếu bạn uống thường xuyên, răng của bạn sẽ có nguy cơ bị hỏng cả bên trong lẫn bên ngoài.

Hại da

Một số nghiên cứu chứng minh, thói quen uống nước ngọt có gas mỗi ngày tác động tới làn da của bạn tương đương với việc hút thuốc. Loại nước này sẽ làm tăng lượng đường trong cơ thể, gây viêm, làm mất nước trong da, qua đó đẩy nhanh quá trình lão hóa, hình thành các nếp nhăn, khiến da bị chảy xệ, xỉn màu, khô, ngứa, viêm và dễ nổi mụn trứng cá.

https://vtc.vn/tai-sao-nguoi-ta-khong-dong-chai-nuoc-ngot-day-den-nap-ar820384.html

Mai Linh / VTC News