Khi viễn cảnh đối đầu quân sự ngày càng gia tăng với Nga ở Syria, Mỹ đang phải nương nhờ vào các đối tác "ngoài cuộc" như Anh và Pháp, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ im hơi lặng tiếng.
Mặc dù là thành viên của NATO nhưng hợp tác quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga ngày càng tăng.
Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy rất khó chịu khi một số quốc gia muốn biến Syria thành đấu trường “tay đôi”, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói hôm 12/4.
Quan điểm của Ankara xung quanh nguy cơ đụng độ quân sự giữa Nga-Mỹ ở Syria hiện vẫn chưa rõ ràng.
"Chúng tôi rất khó chịu vì một số quốc gia, dựa vào sức mạnh quân sự của họ, đã biến Syria thành nơi để đấu tay đôi với nhau", ông Erdogan cho biết tại lễ khai trương tuyến đường sắt Baskentray dài 36 km tại Thủ đô Ankara.
Lời nhận xét của Tổng thống Erdogan đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Nga về khả năng tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Syria sau cáo buộc về cái gọi là “sử dụng vũ khí hóa học” đối với dân thường.
Tổng thống Trump cũng đổ lỗi cho Moscow vì đã đứng sau hậu thuẫn cho chính quyền Bashar al-Assad.
Bài đăng trên Twitter của nhà lãnh đạo Mỹ nối tiếp sau đó bởi lời cảnh báo từ Moscow rằng nguy cơ một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ ở Syria "ngày càng lên cao".
Phía Nga tuyên bố cáo buộc về tấn công hóa học là “bịa đặt” đồng thời cảnh báo mọi tên lửa của Mỹ hướng vào quốc gia Trung Đông sẽ bị bắn hạ.
Erdogan nói rằng ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/4 để thảo luận về những những diễn biến mới nhất tại Syria.
Cùng với đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông sẽ sớm thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về cáo buộc tấn công hóa học ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng về bên nào?
Khi viễn cảnh đối đầu quân sự ngày càng gia tăng với Nga ở Syria, Mỹ đang dựa vào sự hỗ trợ từ các đối tác châu Âu như Anh và Pháp. Trong khi đó, sự giúp đỡ của đồng minh lớn nhất Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỳ lại trở nên mờ nhạt.
Trong khi Anh đang lên tiếng ủng hộ một cuộc tấn công nhằm vào Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn im lặng.
Cho đến lúc này, Ankara chưa có một động thái nào được cho là sẽ góp sức vào phản ứng chung của Washington.
Tuy nhiên, một chi tiết đáng lưu ý là gần đây Ankara đã ủng hộ nghị quyết của Mỹ trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại cáo buộc tấn công hóa học ở Syria.
Theo tờ Al-Monitor, chính quyền Erdogan vẫn thể hiện một sự ủng hộ nhất định với các đồng minh NATO, mặc dù Nga đã phủ định nghị quyết này.
Có thể thấy rằng, quan điểm của Ankara là muốn trừng phạt chính quyền Assad. Dẫu vậy, nước này sẽ có thể sẽ không có những hành động theo chân Mỹ trên thực tế khi phải cẩn thận trong quan hệ với Moscow vì nhiều lý do.
Cùng với hợp đồng mua bán hệ thống phòng không S-400, Nga-Thổ đang có với nhau một mối quan hệ kinh tế sâu sắc, bên cạnh chiến dịch tấn công ở Afrin và các chiến dịch khác đang được Nga bật đèn xanh. Ngoài ra, cả hai cùng có vai trò quan trọng trong hòa đàm Astana.
Các yếu tố chi phối hiện tại đang ngăn cản Ankara thể hiện một lập trường rõ ràng. Nhưng xét theo tình hình hiện tại, khi chính quyền Erdogan không hài lòng với phương Tây thời gian qua, cán cân nghiêng về Moscow trở nên rõ nét hơn.
Tổng thống Putin đích thân mời gọi một mối quan hệ xích lại gần nhau hơn nữa sau vụ đảo chính năm 2016 mà Ankara cáo buộc có sự nhúng tay của phương Tây.
Đây được coi là khoảnh khắc quan trọng để Moscow chính thức thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn với chính quyền Erdogan.
Nga-Thổ cùng chia sẻ chung mục đích: kiềm chế tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Và đối với Nga, gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ mang lại nhiều lợi ích bằng cách gieo sự bất hòa trong NATO và trên cả là hạn chế các lựa chọn quân sự nhằm vào Syria.
Bình luận về những diễn biến mới ở Syria, tờ Sputnik dẫn lời thành viên đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ, Mehmet Metiner cho biết, những căng thẳng xung quanh lời tuyên bố tấn công Syria của Tổng thống Trump là vấn đề Ankara rất quan tâm.
Trong vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đứng hẳn về một bên nào, kể cả là Mỹ hay chính quyền Bashar al-Assad.
“Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp với Nga cùng với đó là đồng minh của Mỹ, vì vậy chúng tôi sẽ không tham gia bất kỳ sáng kiến nào có thể gây tổn hại cho chính bản thân thông qua lăng kính căng thẳng Nga-Mỹ”, Metiner cho hay.
Nói với Sputnik, Engin Altay – thành viên đảng Cộng hòa Nhân dân của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara sẽ hành động như một quốc gia góp phần đảm bảo cho sự hòa bình, ổn định trong khu vực.
Khi theo đuổi chính sách của mình,Thổ Nhĩ Kỳ cần theo đuổi chính sách đối ngoại nhất quán và những động thái ngoại giao nhằm cân bằng tình hình.
Ba phương án và thế “tiến thoái lưỡng nan” khi Mỹ, phương Tây tấn công Syria Có 3 lựa chọn khả dĩ cho việc Mỹ và phương Tây tấn công Syria. |
Nga có nhiều phương án đối phó Mỹ ở Syria Trong khi Mỹ và Nga tranh cãi về những hậu quả trong trường hợp Mỹ tấn công Syria, dư luận quan tâm đặc biệt đến ... |
7 máy bay quân sự Mỹ xuất hiện gần căn cứ Nga ở Syria Giới chức Nga cho biết phát hiện dấu vết của máy bay Mỹ gần căn cứ quân sự của Nga tại Syria trong bối cảnh ... |