Hiện nay, mất cân bằng quỹ BHXH không phải do tuổi nghỉ hưu thấp mà do đóng-hưởng không cân đối.

Không phải đến bây giờ chuyện tăng tuổi nghỉ hưu mới được đưa ra. Ngay từ năm 2013, khi Bộ Luật Lao động 2012 có hiệu lực, dư luận đặc biệt quan tâm đến khoản 3, điều 187 về kéo dài tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng.

Thậm chí trước đó khi luật chưa ban hành, chưa sửa đổi thì đã thực hiện việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tối đa là 5 năm. Tuy nhiên nhóm đối tượng áp dụng chỉ gồm Thứ trưởng và phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP HCM; nhóm kỹ sư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Các đối tượng này được giữ lại với hai điều kiện: không tham gia quản lý và phải do nhu cầu sử dụng lao động, người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp tục làm việc.

Công bằng mà nói so với nhiều nước trên thế giới, tuổi hưu của Việt Nam (55 đối với nữ và 60 đối với nam) là thấp. Nhiều nước đã kéo dài tuổi hưu (nam nữ như nhau) đến 62, 65, 68 tuổi. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng hơn cả là ở tuổi ấy, người lao động còn đủ sức khỏe để làm việc và người sử dụng lao động có nhu cầu.

Còn ở Việt Nam, chúng ta tự hào đang ở trong thời kỳ "dân số vàng", nguồn lực lao động dồi dào nên tha hồ "xài phí". Điển hình là việc nhiều doanh nghiệp có xu hướng đào thải lao động trên 35 tuổi để tuyển người trẻ, khỏe hơn.

tang tuoi huu chang co nghia ly gi

Vì sao lao động Việt Nam ngoài 35 tuổi đã bị cho là già, trong khi đối với các nước, đây là thời kỳ sung mãn, thăng hoa, chín muồi nhất của người lao động? Đơn giản là vì lực lượng lao động của chúng ta đông nhưng chủ yếu là lao động chân tay, giản đơn, chủ yếu dùng "sức" chứ không phải dùng "trí". May vá, lắp ráp điện tử, lặt đầu tôm, xẻ thịt cá… thì cần gì phải có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều? Những công việc ấy chỉ cần những người mắt tinh, tay khỏe chứ không cần người có chuyên môn, bằng cấp.

Thêm vào đó, do tiền lương thấp, điều kiện sống không bảo đảm nên một lực lượng lớn lao động đã bị "lão hóa sớm" hơn bình thường. Mắt mờ, tay yếu, chân run, vẹo cột sống, giãn tĩnh mạch… là những thứ bệnh mà hầu hết người lao động ngoài 35 tuổi đã mắc phải. Nó ảnh hưởng đến năng suất lao động. Chính vì thế mà những người sử dụng lao động chẳng phải cân nhắc nhiều khi chọn lựa giữa một người 18 tuổi và một người gấp đôi số tuổi ấy. Và thế là con số lớn lao động "chưa già nhưng không còn trẻ" đó không thể tìm được việc làm trong khu vực chính thức để đóng BHXH và hưởng lương hưu.

Thế thì việc nâng tuổi nghỉ hưu hiện nay suy cho cùng chỉ tác động nhiều tới khu vực nhà nước, bao gồm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp mà nhà nước chi phối vốn. Còn với người lao động, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, hiện nay số lượng người đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu đã không có bao nhiêu, nếu càng kéo dài tuổi hưu thì việc nghỉ sớm để "lãnh một cục" là điều có thể thấy trước. Khi ấy, nguồn thu BHXH lớn nhất hiện nay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp: giảm người vào, tăng người ra. Khi ấy, việc tăng tuổi hưu sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với việc bảo toàn quỹ BHXH.

Các vị làm chính sách nói rằng nguyên tắc của bảo hiểm hưu trí là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Vậy nên vấn đề đặt ra không phải tuổi nghỉ hưu mà là chính sách đóng, hưởng bảo hiểm. Hiện nay, mất cân bằng quỹ BHXH không phải do tuổi nghỉ hưu thấp mà do đóng-hưởng không cân đối. Trong khi thực hiện chính sách tiền lương cho người làm công ăn lương thì lại điều chỉnh cả tiền lương cho người nghỉ hưu. Thực tế, người nghỉ hưu từ 1-1-1995 trở về trước hoàn toàn do bao cấp ngân sách chứ không phải bằng tiền đóng bảo hiểm hưu trí như hiện nay. Vì vậy, tăng tuổi hưu mà không thực sự giải quyết được nút thắt của chính sách đóng - hưởng thì cũng như không!

* Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoài, Công nhân Công ty TNHH Nidec Tosok- KCX Tân Thuận:

Công nhân không làm nổi đến 60 tuổi

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến tăng tuổi hưu của người lao động lên nữ 60 tuổi và nam 62 tuổi. Tôi thấy việc này quá bất lợi cho công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất. Về thể trạng, người Việt Nam không thể so sánh cùng người nước ngoài, ngay cả các nước Châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, thể trạng người Việt đã kém hơn. Về chăm sóc sức khỏe y tế, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống, ở Việt Nam cũng thua xa các nước. Vì thế, tôi nghĩ nếu có tăng tuổi hưu nên tăng ở các ngành nghiên cứu hoặc làm việc trí óc: bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia... Còn lao động phổ thông, lao động chân tay, công nhân ở các ngành dệt, may, da giày, chế biến thủy sản, cơ khí... có thể giữ nguyên hoặc cho về hưu trước tuổi. Ở các ngành lao động phổ thông, lao động trực tiếp, nữ 50 tuổi, nam 55 tuổi năng suất đã giảm, muốn làm đến tuổi hưu cũng khó vì chủ doanh nghiệp không muốn giữ. Vì thế, công nhân nữ trực tiếp sản xuất không thể nào làm nổi đến 60 tuổi. Tương tự, không công nhân nam nào có thể làm đến 62 tuổi để lãnh lương hưu.

* Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:

Đừng tạo thêm cú sốc cho lao động nữ

Tôi không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu (nam tăng lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi) của Bộ LĐ-TB-XH. Bởi hiện nay, đối với khối lao động trực tiếp sản xuất việc làm việc và đóng BHXH liên tục đến 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam để được hưởng lương hưu đã là rất khó. Trong những đợt tuyên truyền pháp luật tại các doanh nghiệp (DN) may, giày da, khi đề cập đến vấn đề tăng tuổi hưu nhiều nữ công nhân đã chỉ ra thực tế rằng khi họ làm việc đến 40 tuổi thì mắt đã mờ, tay run, xỏ kim không xong thì làm sao làm việc đến khi 55 tuổi? Chưa kể, hiện nay nhiều DN đang siết chặt tiêu chí tuyển dụng, chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi và đào thải những lao động lớn tuổi. Đồng thời, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời của máy móc, robot thay thế con người làm việc, liệu có cơ hội nào cho lao động làm việc đến 60-62 tuổi? Qua thăm dò ý kiến tại các đơn vị nhà nước, hành chánh sự nghiệp thì 100% người lao động ở khâu làm việc trực tiếp cũng không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đối với những người làm công tác nghiên cứu, quản lý thì số người ủng hộ và phản đối là 50/50. Mặt khác, phương án này cũng chưa công bằng với lao động nữ vì phải tăng đến 5 tuổi, trong khi nam giới chỉ tăng 2 tuổi. Thiết nghĩ nếu bắt buộc phải tăng thì chỉ tăng tuổi của nữ giới lên 57 tuổi, tức tăng 2 năm như nam giới là phù hợp. Hiện nay, lao động nữ đang bị sốc khi sau một đêm bị giảm tỉ lệ hưởng lương hưu lên đến 10% thì việc tăng tuổi hưu lên 5 năm sẽ là một cú sốc khác đối với họ, điều này cũng chưa thể hiện đúng tinh thần của Luật Bình đẳng giới.

* Ông Hà Phước Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ViễnThông A:

Quá bất lợi cho NLĐ

Lương hưu, tuổi nghỉ hưu là vấn đề được nói đến nhiều trong thời gian vừa qua nhưng đáng buồn là các vấn đề được đặt ra đều gây bất lợi cho người lao động. Như lần này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không hề xuất phát từ lập trường của người lao động. Tôi không đồng tình với các lập luận mà bộ đưa ra, theo tôi tuổi nghỉ hưu hiện nay đã là hợp lý. Tuổi nghỉ hưu kéo dài không chỉ khiến người lao động mệt mỏi vì sức khỏe không đảm bảo mà còn là gánh nặng cho nhà nước và cho doanh nghiệp. Ở độ tuổi 60, lao động nữ liệu có đảm bảo năng suất công việc trong khi doanh nghiệp phải trả lương cao cùng với nhiều loại chi phí? Do đó, tôi nghĩ đề xuất này chỉ phù hợp với một số ngành nghề đặc thù như nghiên cứu chứ không nên áp dụng đại trà, tránh gây bức xúc trong dư luận.

* Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM):

Chính sách an sinh cứ thay đổi xoành xoạch

Sau lùm xùm giảm lương hưu của lao động nữ gây bức xúc cho NLĐ, đặc biệt là phụ nữ không được giải quyết thấu đáo sau khi báo chí, NLĐ lên tiếng, giờ lại thêm một quyết sách đi ngược lại nguyện vọng an sinh của NLĐ. Tôi không hiểu vì sao họ lại đề xuất như vậy. Chính sách hưu trí là chính sách an sinh xã hội đã có từ lâu, đã vài lần sửa đổi và NLĐ luôn chấp hành. Họ làm công ăn lương và đóng góp đầy đủ, cống hiến liên tục trong thời gian dài để mong đến ngày được về hưu. Hà cớ gì tăng thêm tuổi nghỉ hưu chứ? Nếu lấy lý do mất cân đối Quỹ BHXH mà đề xuất như vậy tôi nghĩ Bộ LĐ-TB-XH đã quên người lao động trong đề xuất này. Việc bình ổn quỹ hưu trí là chuyện của nhà quản lý chứ không phải của người lao động.

tang tuoi huu chang co nghia ly gi Phụ nữ nghỉ hưu từ 2018 theo phương án nào để không bị thiệt 10%?

Phụ nữ nghỉ hưu từ năm 2018 bị tác động do điều chỉnh cách tính lương hưu thì bộ LĐTB-XH có thể đề xuất Chính ...

tang tuoi huu chang co nghia ly gi Thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018: Nhiều người xin nghỉ hưu non

Lo ngại thiệt thòi khi thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018, nhiều lao động đã xin nghỉ hưu trước tuổi.

/ nld.com.vn