Sự phát triển của mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok đã thu hút hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam nhưng cũng trở thành môi trường để tin giả lan tỏa, gây nhiều ảnh hưởng đến xã hội.
- Thông tin giả mạo mọc lên như nấm sau vụ xả súng kinh hoàng tại Mỹ
- Đại sứ Việt Nam tại Malaysia làm rõ thông tin “giá xăng tại Malaysia chỉ 13.000 đồng/lít và muốn xuất khẩu sang Việt Nam”
- Xuất hiện tin giả bà Phương Hằng được thả về, chỉ bị phạt 1,5 triệu
Để giải quyết vấn nạn tin giả, bên cạnh trách nhiệm hợp lực của các nền tảng xuyên biên giới, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý Nhà nước thì việc tạo "bộ lọc" tin giả cho người dùng vẫn được xem là một trong những yếu tố then chốt.
Tại buổi tọa đàm "Làm thế nào để hạn chế tin giả, tin sai sự thật tại Việt Nam" do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với một số đơn vị tổ chức, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng, thông tin đăng trên Internet lan tỏa rất nhanh, tiếp cận rất nhiều người. Vì vậy tin giả có tác hại rất lớn và đang trở thành vấn nạn toàn cầu.
Tại Việt Nam, khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, tin giả liên quan đến phong toả được nhiều người chia sẻ, dẫn đến hiện tượng người dân bỏ chạy khỏi thành phố, chen nhau vào siêu thị mua thực phẩm để tích trữ và gần đây là vụ việc liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, từ việc tung tin giả về một số cá nhân rồi dẫn đến chuyện xúc phạm danh dự cá nhân. Mặc dù những hành vi tung tin giả của các cá nhân gây ảnh hưởng đến các cá nhân khác và xã hội đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, song qua những vụ việc trên cho thấy, nếu như tất cả người dân nói chung, người dùng mạng xã hội nói riêng được nhận thức đúng về tin giả và có kiến thức, kỹ năng phòng chống tin giả sẽ tránh được những câu chuyện đáng tiếc như thế.
"Do tính ẩn danh của mạng xã hội nên nhiều người dùng ngộ nhận, họ cho rằng không gian mạng là ảo nên đã có những hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác với niềm tin sẽ không bị phát hiện và không ai xử lý. Để hạn chế tình trạng này, sắp tới đây Chính phủ sẽ có quy định yêu cầu cả các tài khoản mạng xã hội phải được xác thực bằng số điện thoại nhằm tăng trách nhiệm của người dùng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng khi có vụ việc xảy ra", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh. Thực tế cho thấy, các nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay đều có những tiêu chuẩn cộng đồng cùng giải pháp phát hiện, ngăn chặn tin giả nhưng vấn nạn này vẫn chưa thể được xử lý triệt để. Đặc biệt, sự xuất hiện của những công nghệ mới trong việc phát tán và chặn tin giả cho thấy, đây là cuộc rượt đuổi không hồi kết. Trong khi đó, tạo tin giả thì dễ nhưng việc xác minh sẽ rất khó, phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng, mấu chốt trong cuộc chiến chống tin giả nằm ở ý thức người dùng. Khi mỗi người dùng có "sức đề kháng" và "bộ lọc" thì sẽ tốt hơn rất nhiều, vấn nạn tin giả cũng sẽ hạn chế được rất nhiều. Hiện Bộ TT&TT đang có chương trình đưa thông tin đến người dân vùng sâu vùng xa thông qua hệ thống phát thanh truyền hình, báo chí; phát huy vai trò của thông tin cơ sở nhằm cung cấp thông tin đến người dân bởi nếu tiếp cận được thông tin chính thống đầy đủ, kịp thời thì sẽ hạn chế được tin giả. Ngoài ra, trong năm 2024, Bộ TT&TT sẽ triển khai các chương trình, giải thưởng lớn cho nhà sáng tạo nội dung nhằm phát triển nội dung sạch, hạn chế nội dung "bẩn" có tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của Internet và smartphone rút ngắn khoảng cách về không gian địa lý. Song đây cũng là vấn đề khi một thông tin sai lệch phát tán lên mạng xã hội có thể tiếp cận hàng triệu người chỉ trong vài phút. Nhiều người thản nhiên chia sẻ những thông tin không chính xác mà không biết nó có thể gây hậu quả khôn lường. Hiện các nền tảng mạng xã hội nói chung, TikTok nói riêng cũng có nhiều giải pháp để hạn chế tin giả, tin sai sự thật, trong đó có kiểm soát theo mức độ gây thiệt hại. Những thông tin quan trọng, khẩn cấp sẽ được xử lý ngay lập tức, bên cạnh các quy chế quản lý người sử dụng dưới 18 tuổi; khuyến khích người dùng xác thực thông tin. Tuy vậy, ông Thanh cũng nhấn mạnh việc nâng cao kỹ năng số để có bộ lọc tin giả ở tất cả người dùng là mục tiêu quan trọng nhất và trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội là đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị kỹ năng số, để người dùng biết và sử dụng.
https://cand.com.vn/Cong-nghe/tao-bo-loc-cho-nguoi-dung-truoc-van-nan-tin-gia-i710335/