Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ, nhà ông ở tầng 22 nhưng hiện nay thang chữa cháy mới chỉ lên được đến tầng 20, nên nếu xảy ra cháy cũng không biết thế nào…

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo

Sáng 14-8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Báo cáo nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý có 61 điều (giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban QPAN của Quốc hội, hiện có 7 vấn đề lớn cần xin ý kiến, đó là về phạm vi điều chỉnh của luật; chính sách của Nhà nước về PCCC&CNCH; trách nhiệm PCCC&CNCH; phòng cháy đối với nhà ở; phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý luật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý luật

 Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định để khắc phục được những tồn tại trong thực tế thời gian qua khi xảy ra cháy lớn khiến nhiều người thương vong, thiệt hại tài sản rất lớn.

Dẫn chứng một số vụ cháy lớn gần đây, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong PCCC dẫn đến tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp. “Phải chăng còn có sự buông lỏng, xử lý chưa nghiêm các trường hợp kinh doanh nhà ở kết hợp kinh doanh, các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, không có hệ thống PCCC, hoặc nếu có không sử dụng được?” – ông Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm về PCCC ở khu chung cư, nhà cao tầng trong khi thang chữa cháy chưa đáp ứng tới được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh góp ý luật

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh góp ý luật

 Cũng quan tâm đến quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung thêm quy định về PCCC đối với chung cư cao tầng. Vì hiện nay, phương tiện PCCC đối với nhà cao tầng còn hạn chế, trực thăng chữa cháy chưa có, thang PCCC chỉ lên tầng 20.

“Nhà tôi ở tầng 22 nhưng thang mới lên được đến tầng 20 nên nếu xảy ra cháy cũng không biết thế nào. Thông thường, tầng 20 nên bố trí tầng kỹ thuật không có người ở để khi có sự cố thì các hộ dân ở những tầng phía trên xuống đó chờ cứu hộ” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn chứng.

Theo ông Thanh, quy định này, kinh nghiệm quốc tế có rồi, cần có quy định thế để phòng ngừa, còn khi sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục...

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tiếp thu các ý kiến

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tiếp thu các ý kiến

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm PCCC đối với nhà cao tầng, nhà ở kết hợp kinh doanh. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, đây là loại hình rất phổ biến ở đô thị hiện nay, hầu hết nhà mặt phố kết hợp kinh doanh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC cho loại hình này, ông Giang góp ý, nên giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn triển khai.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật PCCC&CNCH, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu nhanh nhất, tốt nhất các ý kiến đóng góp để hoàn thành dự thảo luật báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 xem xét, thông qua.

https://www.anninhthudo.vn/thang-chua-chay-chi-len-duoc-tang-20-giai-phap-nao-cho-cac-tang-21-tro-len-khi-co-chay-post586050.antd

Tiến Hưng / ANTD